Record 2022

Nhìn lại “smartphone quốc dân” Redmi Note 7 Pro: chỉ còn đó sự tiếc nuối!

0

Khái niệm “điện thoại quốc dân” được người dùng đặt cho những trang bị phần cứng vượt trội trong một mức giá đủ tốt để tất cả người dùng có thể tiếp cận và sở hữu chúng. Để nói về những chiếc máy quốc dân, chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến Xiaomi với ba đại diện tiêu biểu: Redmi Note 4X, Redmi Note 5 Pro cùng với series Redmi Note 7.

Và giờ đây, mình đang được trên tay một trong những “siêu phẩm” đại náo thời đó: Redmi Note 7 Pro. Ngoài cảm xúc sung sướng khi được cầm một chiếc máy mới, thì những gì còn đọng lại sau hơn một ngày trải nghiệm của mình, đó là sự tiếc nuối.

Thông số trên Redmi Note 7 Pro

Màn hình6,3 inch IPS LCD, tần số quét 60Hz
Độ phân giải: 1080 x 2340 pixels
Kính bảo vệ: Corning Gorilla Glass 5
Hiệu năngQualcomm Snapdragon 675 (11nm)
Hệ điều hànhHỗ trợ: Android 10 (giao diện MIUI 12.5)
Đang cài đặt: Android 13 (giao diện Derpfest)
RAM/ROM4GB/64GB, 6GB/64GB, 6GB/128GB
Dung lượng pin4000mAh Li-Po
Sạc18W, hỗ trợ tối đa Quick Charge 4.0
CameraCamera sau: 48MP + 5MP
Camera trước: 13MP
Hỗ trợ quay video 4K@30fps
Thiết kếKích thước: 159.2 x 75.2 x 8.1 mm
Khối lượng: 186 gram

Sự tiếc nuối thứ nhất: Thiết kế cao cấp

Chắc các bạn cũng không lạ gì với chất liệu trên smartphone bây giờ: giá rẻ và tầm trung thì nhựa, cao cấp thì là kính hay gốm chẳng hạn. Nhưng có lẽ nhiều bạn chưa biết: vài năm trước, một chiếc máy chỉ 4 triệu cũng đã có mặt lưng làm từ kính! Mà không phải là loại kính dạng rẻ tiền đâu, đó là Gorilla Glass 5 đó! Chính dòng Redmi Note một thời đã phổ cập những chất liệu vô cùng cao cấp trên dòng máy thấp cấp, và một trong số đó là Redmi Note 7 Pro.

Một điểm nhỏ nữa mà mình yêu thích trên Redmi Note 7 Pro, đó là cách các linh kiện được bố trí. Cá nhân mình rất không thích cách các hãng nhồi nhét tới 4, 5 ống kính lên mặt lưng một chiếc máy giá rẻ, rồi cố gắng thiết kế chúng làm sao phải thật lớn, thật hoành tráng để trở nên nổi bật trước mắt người dùng. Làm vậy vừa khiến máy trở nên cồng kềnh, vừa khiến các hãng “phí tiền” vì dù gì với sự tối ưu yếu kém, những camera phụ trên một chiếc máy giá rẻ chẳng có tác dụng gì ngoài hai chữ “trang trí”.

Làm ơn, hãy tạo ra thiết kế tối giản đi, chỉ một, hai ống kính thôi, một cảm biến vân tay và mặt lưng đổ bóng gradient như trên Note 7 Pro, có phải đẹp hơn không!

Sự bền bỉ theo thời gian cũng là điểm rất đáng chú ý trên chiếc Note 7 Pro. Mặc dù “tuổi đời” đã 3 năm nhưng mình khá bất ngờ khi chiếc máy mình trên tay vẫn khá đẹp, chưa cho thấy nhiều sự xuống cấp của phần cứng. Tuy vẫn có những vết cấn ở cạnh viền do chỉ được hoàn thiện từ nhựa, hay xước dăm ở màn hình nhưng nhìn chung chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm cầm nắm của mình.

Tóm lại, thiết kế trên Redmi Note 7 Pro vẫn đẹp, vẫn cao cấp – điều mà những chiếc smartphone giá rẻ bây giờ đã đánh mất.

Sự tiếc nuối thứ hai: Con chip Snapdragon và sự hậu mãi về phần mềm

“Các hãng điện thoại giá rẻ, làm ơn hãy trang bị con chip Snapdragon đi!”

“Ủa, tại sao vậy? MediaTek Helio giờ còn mạnh hơn cả Snapdragon mà!”

“Đúng, hiện tại thì đúng, nhưng ba, bốn năm sau thì không chắc đâu!”

Mình luôn yêu thích việc các hãng trang bị một con chip Snapdragon thay vì MediaTek. Đặc biệt là trên một chiếc máy giá rẻ, không hẳn là bởi hiệu năng thuần mạnh mẽ, tương thích ứng dụng tốt mà còn là cộng đồng tuỳ biến đông đảo của những thiết bị đó.

Lấy luôn dòng Redmi Note làm ví dụ đi. Trong khi Redmi Note 11 (sử dụng Snapdragon 680), người dùng có vô vàn các bản ROM Cook từ MIUI cho đến ROM thuần Google, thì trên Redmi Note 11S (sử dụng Helio G96), số lượng các bản ROM mình có lại vô cùng ít, và phần nhiều trong số đó là các bản dụng không ổn định (được gán mác UNOFFICIAL), nhiều lỗi và không thể sử dụng được. Đó là điểm yếu chí mạng trên dòng chip MediaTek – cộng đồng “vọc vạch” không đông đảo, không tối ưu như Snapdragon.

Máy đang chạy trên Android 13 với giao diện Project Elixir

Việc có một cộng đồng hỗ trợ đông đảo giúp ích rất nhiều cho một chiếc máy về lâu về dài, khi không còn nhận được các bản cập nhật chính thức, đặc biệt với một mẫu smartphone giá rẻ. Chiếc Redmi Note 7 Pro mình đang trên tay đang chạy một bản ROM trên nền Android 13! Đúng đó, trong khi đến cả Galaxy S22 Ultra hay Xiaomi 12S Ultra vẫn chỉ có Android 12, thậm chí phiên bản phần mềm chính thức của chiếc máy này mới chỉ dừng lại ở Android 10, , thì chúng ta đã có Android 13! Phiên bản Android mới nhất này không chỉ đem lại những tính năng mới như trình phát nhạc, các biểu tượng và tiện ích mới mà còn cải thiện hoàn toàn hiệu năng cũng như sự mượt mà so với một MIUI nặng nề, giật lag, thiếu ổn định.

Trên một bản ROM gần như thuần Google, mình hầu như không gặp bất kỳ hiện tượng giật lag, khựng đơ nào trong quá trình trải nghiệm hàng ngày. Kể cả những hiệu ứng chuyển cảnh “khó” như trở về Màn hình chính từ ứng dụng nằm ngang hay các widget, máy đều phản hồi cực kỳ trơn tru – điều mà mình chắc chắn MIUI gốc sẽ không làm được.

Trở lại với hiệu năng thuần của máy, Qualcomm Snapdragon 675 vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Mình khá bất ngờ khi một vi xử lý tầm trung đã 3 năm tuổi vẫn có thể chơi ổn những tựa game từ nhẹ đến trung bình. Với Liên Minh Huyền Thoại – Tốc Chiến, biểu đồ FPS cho ra khi chơi ở mức đồ họa Trung bình và 60FPS gần như thẳng tắp từ đầu tới cuối trận. Kể cả với một tựa game nặng đô hơn, PUBG Mobile với mức đồ họa Cân bằng + FPS Cực cao (40FPS), máy vẫn có thể hoàn thành tốt màn chơi, mặc dù có nhiều cảnh bị tụt khung hình, chỉ còn 30-35FPS.

Biểu đồ FPS của Redmi Note 7 với tựa game LMHT: Tốc Chiến (Trung bình + 40FPS)
Biểu đồ FPS của Redmi Note 7 với tựa game PUBG Mobile (Cân bằng + FPS cực cao)

Nói tóm lại, hiệu năng của Snapdragon 675 tốt, tốt hơn nhiều những gì mình kỳ vọng. Trải nghiệm hàng ngày lại quá mượt mà với Android gần như thuần. Nhưng mình tiếc vì giờ đây không còn nhiều hãng “dám” trang bị Snapdragon trên những chiếc máy giá rẻ của họ nữa.

Sự tiếc nuối thứ ba: Màn hình giọt nước

Đã cuối năm 2022 rồi, liệu ai còn dùng màn hình giọt nước nữa? Với những mẫu máy cao cấp thì nên là vậy, còn nếu xét trong phân khúc giá rẻ, mình lại yêu thích một màn hình giọt nước hơn. Vì sao vậy?

Hãy nhìn những chiếc máy giá rẻ với phần camera đục lỗ đi! Ngoại trừ Redmi Note 11 với màn hình OLED ra, thì hầu hết phần còn lại, diện tích của camera đục lỗ trên màn hình LCD đều quá to, quá chiếm dụng và khiến các phần viền có cảm giác thâm đen, trông rất khó chịu! Việc lấp camera đó vào phần giọt nước sẽ giải quyết được khá nhiều sự xấu xí đó, mặc dù nếu xét về thẩm mĩ thì chúng đã không còn là xu hướng.

Trở lại với Redmi Note 7 Pro, máy có một màn hình giọt nước đặt chính giữa với bốn viền tương đối dày và được thiết kế nhô cao hơn so với khung viền. Cơ bản đây là tiêu chuẩn của một chiếc máy giá rẻ khoảng 3 năm về trước, nhưng nếu xét trong năm 2022, mình cho rằng đây vẫn là một thiết kế ổn.

Nhưng chất lượng màn hình lại là thứ khiến mình bất ngờ. Mặc dù chỉ trang bị tấm nền IPS LCD, nhưng chất lượng hiển thị cho ra lại không “giá rẻ” chút nào. Màu sắc khá tươi, góc nhìn tốt, mức độ chi tiết với độ phân giải FullHD+ ổn và đặc biệt mình gần như không cảm nhận thấy các viền bị thâm đen như những chiếc máy giá rẻ khác. Lý do một phần cũng bởi Note 7 Pro không có tần số quét cao, nhưng cần phải khẳng định rằng tấm nền được trang bị trên chiếc máy này chắc chắn không phải loại rẻ tiền.

Tóm lại, màn hình trên Redmi Note 7 là rất đủ dùng. Và mình cũng rất mong muốn các hãng đem trở lại màn hình giọt nước trong phân khúc điện thoại giá rẻ, hoặc là làm ơn, hãy phổ cập tấm nền OLED đi, vì mình không muốn một camera đục lỗ xấu xí như thế đâu.

Những yếu tố khác thì sao?

Camera

Phiên bản ROM mình sử dụng được cài sẵn ứng dụng Camera mặc định của AOSP kèm thêm một bản Camera Go, nhưng để những bức ảnh cho ra được tốt nhất, các bạn nên sử dụng Google Camera (GCam) thay thế. Nhắc đến đây mình mới nhận ra thêm một ưu điểm nữa của việc trang bị Snapdragon so với MediaTek, đó là hỗ trợ GCam. Lý do đơn giản bởi những bản GCam được sử dụng trên những chiếc Google Pixel thì đều chạy Snapdragon cả, nên sự tối ưu và ổn định chắc chắn là tốt hơn so với MediaTek.

Về chất lượng ảnh chụp GCam trên Note 7 Pro chỉ dừng lại ở mức ổn, không quá nổi bật. Ở những điều kiện khó như trong nhà hay chụp đêm, máy xử lý khá tệ, noise nhiều và chi tiết bị bệt. Nhìn chung mình không kỳ vọng nhiều trên một mẫu camera giá rẻ đã 3 năm tuổi, chỉ cần chụp ra hình là ổn rồi.

Một số bức ảnh chụp nhanh từ Redmi Note 7 Pro (với bản GCam BSG 8.6)

Pin và sạc

Redmi Note 7 Pro được trang bị viên pin 4.000mAh, với khả năng hỗ trợ sạc nhanh chuẩn Quick Charge 4.0. Do viên pin đã có sự xuống cấp theo thời gian, mình chỉ có thể sử dụng máy liên tục trong nửa ngày – một con số khiêm tốn khi xét đến nhu cầu sử dụng khá nặng của bản thân. Do đó, các bạn nên trang bị sạc dự phòng hay củ sạc nhanh theo người để có thể sử dụng máy một cách trọn vẹn nhất trong một ngày.

Tổng kết

Với mức giá chỉ khoảng hơn 2 triệu cho dạng hàng cũ, Redmi Note 7 Pro là một chiếc điện thoại tốt, đáp ứng khá đầy đủ nhiều nhu cầu từ cơ bản đến trung bình với những người không quá dư dả về tài chính. Đây cũng sẽ là một sự lựa chọn rất phù hợp nếu các bạn là một người yêu thích sự tùy biến, vọc vạch và muốn trải nghiệm những phiên bản Android mới, giống như mình.

Nhưng liệu Redmi Note 7 Pro còn là chiếc “điện thoại quốc dân” ở thời điểm hiện tại?

Đây là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, hi vọng rằng sau bài viết này, các bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình.

Tham khảo mức giá của Redmi Note 7 Pro tại đường link dưới đây.

Redmi Note 7 Pro

Tham gia Record 2022 để bình chọn các sản phẩm công nghệ được yêu thích nhất trong năm qua. Đây là nơi giúp bạn nhìn lại những thay đổi của các sản phẩm công nghệ ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể tới điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV, ứng dụng hay các đồ điện tử tiêu dùng khác. Tham gia bình chọn sản phẩm yêu thích và chơi các minigame nhận những phần quà lên tói 150 triệu đồng tại https://vatvostudio.vn/record2022/

Redmi Note 7 Pro

8

Điểm mạnh
  • Thiết kế cao cấp
  • Màn hình giọt nước, chất lượng hiển thị ổn
  • Hiệu năng tốt trong phân khúc
  • Khả năng tuỳ biến sâu, cộng đồng hỗ trợ lớn
Điẻm yếu
  • Camera không quá tốt

Cách chặn tin nhắn rác trên iPhone

Previous article

Đánh giá Bose Smart Soundbar 600: Nâng cấp chất lượng âm thanh TV với giá 13 triệu

Next article

Comments

Comments are closed.

https://open.spotify.com/episode/1KH50qnDo3oTkPHm3JJbrR?si=-rTeeVQcRKCSGjFu6uF9fQ