Hệ sinh thái công nghệ là một khái niệm mà có thể rất nhiều người đã từng nghe nhưng không phải ai cũng có nhu cầu cũng như điều kiện để đầu tư sử dụng. Trong khoảng nửa năm ăn nằm trong một hệ sinh thái công nghệ với rất nhiều vui buồn thì bây giờ mình có gì? Một chiếc Samsung S21 Ultra này, một chiếc Z Fold2, Galaxy Buds Pro, Galaxy Watch Active 2 và Galaxy Tab S7+. Và ngay bây giờ không lằng nhằng nữa, mình sẽ chia sẻ cho các bạn lý do tại sao mình chọn hệ sinh thái này.
Tại sao mình chọn hệ sinh thái Samsung?
Mình biết là hệ sinh thái công nghệ thì còn nhiều thứ khác như tivi tủ lạnh, nói chung là đồ gia dụng, nhưng trong video này mình chỉ xét về các thiết bị thiết yếu nhất để phục vụ công việc của chúng ta thôi nhé. Thì tính ra ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 hãng là Samsung và Apple là có đầy đủ các sản phẩm cho người dùng, bao gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ, tai nghe, laptop. Laptop Samsung có bán tại Việt Nam nha, chỉ là không bán chính hãng thôi. Trong khi đó các hãng khác trên thị trường thì có hãng gần đủ, có hãng chỉ có 1 trong số đó.
Chiếc chìa khoá để mở cánh cửa vào hệ sinh thái đương nhiên là smartphone. Chia sẻ một chút thì từ khá lâu rồi mình đã không quá mặn mà với đồ Apple. Chiếc điện thoại Samsung đầu tiên mình được dùng là Samsung Champ C3303, sau 1 thời gian thì mình chuyển sang dùng iPhone 4s 8GB, và đó là khởi điểm cho chuỗi ngày mình cảm thấy iPhone không dành cho mình. Sau này thì iPhone vẫn còn nhiều vấn đề khác như không có sạc nhanh, không cài được file apk rồi là cóp nhạc các thứ cứ phải thông qua iTunes khá là phiền phức.
Đó là lý do tại sao mình chọn Samsung với một hệ điều hành cởi mở hơn, vọc vạch được nhiều thứ hơn. Giờ đây thì S21 Ultra và Z Fold2 là trung tâm hệ sinh thái của mình. Đây là 2 thiết bị mình luôn mang theo người và sử dụng nhiều nhất trong ngày. Từ liên lạc, lướt web, kiểm tra tin nhắn/email, chơi game, xem phim thì đều sử dụng điện thoại vì tính tiện dụng của nó, đồng thời nó cũng là bộ não để mình điều khiển các thiết bị khác.
Còn để giải quyết công việc triệt để hơn thì mình đã có Galaxy Tab S7+. Vì chủ yếu việc mình cần làm là viết báo cáo, làm nội dung, nên mang theo 1 chiếc tablet sẽ nhẹ nhàng hơn đáng kể so với việc cứ phải vác theo 1 chiếc laptop, thêm vào đó thì chiếc bút Spen trên chiếc tablet này cũng giúp mình có nhiều cảm hứng hơn trong công việc bằng cách vẽ vời, tô màu các kiểu, hoặc đơn giản khi mình ngồi xem Youtube, muốn chuyển bài hoặc tăng giảm âm lượng thì chỉ cần dùng bút là xong, giống như điều khiển TV vậy.
Trong quá trình làm việc hay di chuyển đi đâu đó thì cũng không lo bị lỡ tin nhắn hay cuộc gọi hay các kế hoạch đã đặt ra trước đó, vì luôn có một trợ lý nhắc mình những công việc trên: Galaxy watch active 2. Mà từ ngày dùng cái đồng hồ này, mình cũng không cần phải lo là đồng hồ có hợp với bộ đồ mình dùng hay không, vì mình chỉ cần chụp 1 tấm ảnh trang phục hôm nay mình mặc, Galaxy Watch Active 2 sẽ tự động đưa ra một vài lựa chọn về mặt đồng hồ phù hợp với quần áo của mình luôn.
Và nếu các bạn hỏi giả sử mình cần trả lời cuộc gọi, hoặc đơn giản là nghe nhạc trong lúc làm việc thì giải quyết thế nào. Đây, Galaxy Buds Pro sẽ giải quyết thắc mắc đó. Lúc cần tập trung làm việc thì mình sẽ bật chế độ chống ồn chủ động, còn khi đi xe ngoài đường hay cần nói chuyện với ai thì mình cũng không nhất thiết phải bỏ tai nghe ra, nhỡ rơi rớt thì rất khó tìm, mình có thể bật chế độ âm thanh xung quanh để có thể vừa nghe nhạc, vừa nghe được âm thanh của môi trường rất tuyệt vời. Như vậy phần cứng trong hệ sinh thái đã có, còn một điều nữa làm nên cốt lõi của hệ sinh thái công nghệ, đó là khả năng đồng bộ và kết nối của phần mềm.
Khả năng đồng bộ trong hệ sinh thái Samsung
Xiaomi cũng có rất nhiều thiết bị, tại sao nó không phải hệ sinh thái? Bởi vì đôi khi các sản phẩm đó có những phần mềm rời rạc không liên kết với nhau. Trong khi đó với Samsung thì mình có thể dễ dàng đồng bộ giữa điện thoại, tablet, thậm chí là cả đồng hồ. Khả năng kết nối ban đầu rất nhanh, chỉ cần đặt cạnh nhau là các thiết bị có thể tự động nhận dạng được nhau rồi. Việc tiếp theo các bạn cần phải làm là đăng nhập tài khoản Samsung Cloud và thế là xong.
Trước kia thì mình rất cay cú mỗi khi có đứa khịa mình dùng Samsung không có AirDrop ấy, bây giờ mình có Quick-share, cũng chia sẻ file nhanh và tiện lợi không kém gì các thiết bị trong hệ sinh thái Apple. Trong quá trình làm việc thì thậm chí là Samsung còn cho mình nhiều tính năng hữu ích hơn, ví dụ như khi mình take note ở trên Z Fold 2 thì Tab S7+ cũng tự động nhận được luôn mà mình không cần chuyển qua lại, với những bài thuyết trình thì mình có thể dùng bút để vẽ trực tiếp lên màn hình cho mọi người dễ theo dõi, chuyển slide, thậm chí dùng đồng hồ cũng chuyển được slide rất bá đạo luôn.
Đó là về phần nhìn, còn phần nghe thì sao? Galaxy Buds Pro có thể kết nối cùng lúc tối đa 2 thiết bị. Bình thường thì mình sẽ để nó pair với điện thoại và máy tính bảng, và tai nghe sẽ tự động chuyển đổi âm thanh tuỳ theo thiết bị mình đang dùng. À còn một điều nữa, đó là hệ sinh thái của Samsung có thể mở rộng sang cả các laptop và PC Windows. Rõ ràng là không phải lúc nào chúng ta dùng tablet được, thì với Samsung Flow, mình có thể làm việc cực kỳ dễ dàng trên bất kỳ một chiếc PC hay laptop nào, nhận tất cả thông báo của điện thoại hay tablet ngay trên PC luôn, chuyển file các thứ không còn là vấn đề nữa.
Với Watch Active 2 , thỉnh thoảng ngồi lâu quá thì đồng hồ sẽ rung nhẹ, nhắc mình vận động, uống nước. Ngoài ra, Buds Pro còn có thể kết nối với chiếc smart watch này. Phiên bản mình đang dùng chỉ là bản GPS thôi, nhưng mình vẫn có thể chuyển nhạc vào đồng hồ để nghe offline lúc luyện tập, và khi được kết nối trở lại với điện thoại, đồng hồ sẽ chuyển toàn bộ thông số đo được trong suốt buổi tập của mình sang điện thoại, và mình có thể dễ dàng check các chỉ số này trong Samsung Health.
Và điều cuối cùng có lẽ nhiều bạn thắc mắc: “Ơ thế thằng này dùng 2 cái máy Samsung làm quái gì?” thì lý do đó là năng lượng. Thứ nhất là mình đỡ phải lo lúc sạc pin không có điện thoại dùng, thứ 2 là khi không có sạc, 2 chiếc điện thoại này sẽ trở thành pin dự phòng để sạc ngược cho các thiết bị khác cả trong và ngoài hệ sinh thái.
Đây thực sự là những trải nghiệm làm mình thấy thực sự hài lòng trong suốt thời gian qua. Có thể nói rằng hệ sinh thái công nghệ này đã giúp nâng tầm phong cách sống và làm việc của mình lên đáng kể.
Điểm yếu của hệ sinh thái Samsung
Đương nhiên là không có hệ sinh thái nào hoàn hảo cả. Nhược điểm lớn nhất trong hệ sinh thái của Samsung đó là họ chưa thực sự tự chủ được về phần mềm khi mà laptop phụ thuộc vào Windows, còn điện thoại và máy tính bảng phụ thuộc vào Android, thành ra sự đồng bộ chưa đạt đến mức tối ưu. Một ví dụ có thể kể đến là Samsung Cloud không thể sao lưu ảnh được mà mình sẽ phải đồng bộ kho ảnh với OneDrive của Microsoft.
Tuy nó giúp mình có nhiều không gian lưu trữ hơn, nhưng đồng thời nó cũng khiến việc quản lý các tài khoản trở nên khá lằng nhằng và không phải người dùng nào cũng thành thạo việc này. Ngoài ra thì bản thân các thiết bị trong hệ sinh thái đôi khi cũng gặp các vấn đề về kết tối và chưa tối ưu cho ứng dụng bên thứ 3. Có thể kể đến Facebook khi mình xoay ngang máy để xem ảnh hoặc Story thì nó sẽ bị cắt lại, điều này cũng xảy ra tương tự với Z Fold 2, hoặc là giao diện các trang báo trên Tab S7 thì không khác gì giao diện điện thoại được phóng to lên. Nói công bằng thì đây không phải lỗi của Samsung, và người dùng khi đã lựa chọn hệ sinh thái này thì nên thông cảm cho những điều đó
Tổng kết
Để cung cấp các giải pháp tốt nhất trong hệ sinh thái công nghệ thì chỉ có Samsung và Apple là đang làm tốt trên thị trường hiện nay. Vấn đề ở đây chỉ là sự lựa chọn của người dùng, bạn thích Android hay iOS, thế thôi. Mình thích Samsung vì tính cởi mở và cực kỳ đa dụng của nó. Bên cạnh đó thì Samsung còn có rất rất nhiều sản phẩm khác để mở rộng hệ sinh thái này. Trong tương lai gần, chắc chắn không chỉ Samsung mà các nhà sản xuất khác cũng sẽ bùng nổ xu hướng hệ sinh thái công nghệ với sự xuất hiện của 5G.
Comments