Hôm 07/06 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua dự luật về chuẩn sạc chung trên các thiết bị thông minh. Theo đó, các nhà sản xuất kinh doanh thiết bị thông minh tại thị trường này sẽ phải sử dụng chuẩn sạc chung USB-C. Liên minh Châu Âu cho các nhà sản xuất thời hạn chậm nhất để chuyển đổi chuẩn sạc là đến mùa thu năm 2024.
Lý do được Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra
Theo Nghị viện Châu Âu, mỗi năm đều có thêm đến 11.000 tấn chất thải điện tử là các bộ sạc không sử dụng được thải ra Châu Âu. Với việc quy định một chuẩn sạc chung duy nhất, người được hưởng lợi đầu tiên đó là người tiêu dùng. Họ sẽ không còn phải sử dụng nhiều sạc cáp khác nhau giữa nhiều thiết bị mà chỉ cần một chuẩn sạc duy nhất (USB-C) để có thể cung cấp nguồn điện. Việc sử dụng một chuẩn sạc thống nhất sẽ còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, ước tính sau khi quy định này được áp dụng rộng rãi lên tới 250 triệu Euro.
Người dùng có lợi là điều dễ hiểu, nhưng mục đích sâu xa hơn của quy định này đó chính là về hạn chế chất thải điện tử giúp bảo vệ môi trường. Liên Minh Châu Âu EU đã theo đuổi việc cắt giảm chất thải điện tử suốt một thập kỷ qua. Ban đầu, họ rất tích cực trong việc thuyết phục các nhà sản xuất đi tới việc áp dụng một chuẩn sạc chung cho các thiết bị bán ra tại Châu Âu.
Thành quả mà EU đạt được trong thập kỷ vừa qua cũng rất đáng kể khi giảm từ hơn 30 phương thức sạc độc quyền giờ đây đã chỉ còn vỏn vẹn 3 chuẩn sạc chính. Tuy vậy, số lượng chất thải điện tử hàng năm thải ra vẫn là rất lớn và EU không còn có thể “thuyết phục” hợp nhất ba phương thức này thành một. Do đó, EU đã mạnh tay hơn, quyết định đưa vấn đề này thành quy định để bắt buộc các nhà sản xuất phải tuân theo. Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến lượng rác thải điện tử hàng năm sẽ giảm 980 tấn khi quy định được áp dụng rộng rãi. Từ đó, giảm được áp lực về rác thải cho môi trường.
Lợi ích nhiều nhưng bất cập cũng nhiều không kém
Phải khẳng định rằng, tầm nhìn về quy định này của Liên minh Châu Âu là rất tốt khi vừa đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, vừa có thể góp phần bảo vệ môi trường. Việc đem lại lợi ích cho người tiêu dùng là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên về vấn đề bảo vệ môi trường vẫn chưa thể chắc chắn. Ruediger Kuehr, người đứng đầu Văn phòng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hợp Quốc tại Bonn, Đức, và quản lý Chương trình Chu kỳ Bền vững (SCYCLE) nhận định rằng, hành động của EU là rất tích cực, tuy nhiên nó chắc chắn không giải quyết được hoàn toàn vấn đề về rác thải điện tử. Theo Kuehr, 11.000 tấn rác thải điện tử liên quan đến bộ sạc bị thải ra hàng năm nghe có vẻ lớn, nhưng con số này không đáng là bao so với lượng rác thải điện tử toàn cầu.
Theo một nghiên cứu mà Kuehr là đồng tác giả, có đến 54.000 tấn bộ sạc bị lãng phí mỗi năm. Con số này cũng chỉ chiếm khoảng 0,1% trong số 53,6 triệu tấn rác thải điện tử toàn cầu. Do đó con số 11.000 tấn bộ sạc bị bỏ đi mà Nghị viện Châu Âu đưa ra dưới góc độ nghiên cứu mà nói cũng không quá ấn tượng.
Theo Sara Behdad, Phó giáo sư tại Trường Kỹ thuật Cơ sở hạ tầng bền vững & Môi trường tại Đại học Florida, cho rằng đề cao lợi ích của người tiêu dùng có thể lấn át yếu tố về bảo vệ môi trường. Theo Sara, sử dụng một chuẩn sạc chung có thể sẽ là động lực khiến người dùng dễ dàng tiêu thụ nhiều bộ sạc hơn. Khi thống nhất được một chuẩn sạc, giá thành cho USB-C sẽ giảm xuống khi tất cả thương hiệu sẽ đổ dồn để sản xuất ra công nghệ sạc này. Cung tăng, giá giảm sẽ là tiền đề để người dùng mua nhiều sạc hơn, từ đó kéo theo lượng sạc thải ra môi trường cũng lớn dần.
Lợi hại song hành, Sara cũng chỉ ra rằng, quy định này được áp dụng cũng sẽ là tiền đề để các bộ sạc có thể dễ dàng sửa chữa và tái sử dụng dễ dàng hơn. Ở thời điểm hiện tại, quá trình thu gom và phân loại Micro-USB, USB-C, Lightning thật sự rất khó khăn, tốn nhiều công sức và tiền bạc. Hơn nữa, quá trình tái chế của mỗi chuẩn sạc này là không giống nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng một chuẩn sạc duy nhất thì lại khác, các bên tái chế sẽ tiến hành khâu phân loại cũng tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình tái chế hơn rất nhiều. Việc tái sử dụng sẽ trở nên phổ biến, vừa bảo vệ môi trường mà lại vừa tiết kiệm được nhiều chi phí.
Về lâu dài, đây sẽ vẫn là một quy định đúng đắn và thiết thực
Ruediger Kuehr cho rằng sự đổi mới nào cũng vậy, một vấn đề mới được đặt sẽ luôn gặp phải những phản đối, đôi khi sẽ dẫn đến những “bước lùi tạm thời”. Việc EU quy định một chuẩn sạc chung thậm chí còn có thể đem đến những bất cập như Sara Behdad đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, hành động của EU sẽ không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến những quốc gia trong khu vực này.
Các nhà sản xuất ở thời điểm hiện tại đa số đều đã sử dụng USB-C nên việc áp dụng quy định này cũng sẽ không quá khó khăn, duy chỉ có Apple vẫn đang độc quyền với sạc Lightning. Quy định của EU sẽ buộc Apple phải sử dụng cổng USB-C lên các thiết bị thông minh để kinh doanh tại thị trường này. Theo các thông tin gần đây, Apple cũng đang trong quá trình thử nghiệm những chiếc iPhone sử dụng sạc USB-C và dự kiến sẽ xuất hiện trước khi thời hạn cho phép chuyển đổi của EU kết thúc vào mùa thu năm 2024. Tuy nhiên các thông tin không chỉ rõ rằng Apple sẽ chỉ bán iPhone sử dụng cổng USB-C tại Châu Âu hay họ có ý định bán sản phẩm này ra toàn cầu.
Comments