Mạng di động 5G đang ngày càng được phổ biến rộng rãi và tiếp cận được đến với nhiều người dùng trên toàn thế giới. Với khả năng truy cập dữ liệu tốc độ cao và ổn định, mạng di động 5G ra đời đã rút ngắn khoảng cách giữa mạng di động và Wi-Fi. Thậm chí, trong tương lai không xa, nhiều người tin rằng khi 5G phổ biến hơn, Wi-Fi còn có thể bị “xoá sổ” hoàn toàn.
Nhưng liệu rằng, 5G thực sự có thể thay thế Wi-Fi hay không?
Phân loại băng tần 5G và đặc điểm của chúng
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã biết có hai loại băng tần 5G phổ biến chính là 5G sub-6GHz (còn viết tắt là sub-6), và mmWave (millimeter wave). Trong đó:
- Loại mmWave 5G sẽ sử dụng sóng vô tuyến với tần số cao, trên 6GHz. Điều này sẽ giúp nó nhanh và mạnh hơn nhưng tuy nhiên nó cũng có một điểm yếu. Loại mmWave 5G này sẽ không thể truyền sóng tốt qua các vật thể, nó sẽ phù hợp hơn với các không gian khép kín như văn phòng hoặc sân bay,..
- Với 5G sub-6GHz, chúng là một loạt các tín hiệu dưới 6GHz phù hợp hơn với các vùng nông thôn thoáng đãng và thường được sử dụng để phủ sóng rộng hơn. Loại 5G này chắc chắn nhanh hơn 4G nhưng vẫn không thể so với mmWave 5G.
Tốc độ của 5G rất cao…nhưng nó vẫn đang chỉ là lý thuyết
Tại thời điểm mạng di động 5G ra mắt, nó được hứa hẹn rằng sẽ cung cấp tốc độ và dung lượng tốt hơn mạng di động 4G rất nhiều, tối đa có thể lên đến tốc độ 1Gbps. Thậm chí tại Việt Nam, giữa tháng 9/2021, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) thông báo thử nghiệm thành công đường truyền 5G tốc độ 4,7Gb/s. Con số này đã gấp nhiều lần so với tốc độ lý thuyết được đưa ra.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng những con số này được đưa trong trong các thử nghiệm có điều kiện vô cùng tốt. Từ thiết bị truyền phát cho đến thiết bị thu nhận tín hiệu, băng tần được sử dụng sẽ là 5G mmWave – loại băng tần này có cơ sở hạ tầng khá tốn kém như đã nói ở trên. Và rõ ràng, không phải ở bất kỳ đâu cũng có được các thiết bị tốt như vậy. Thông thường, để đảm bảo tốc độ truyền tải ổn định và có giá thành hợp lý, hiện tại các nhà mạng mới chỉ phổ cập băng tần sub-6GHz nên chưa thể có được tốc độ quá cao. Trên thực tế, loại băng tần này vẫn đem lại tốc độ ấn tượng hơn mạng di động 4G, nhưng vẫn còn kém xa tốc độ của các thiết bị Wi-Fi.
Thực tế, tốc độ mạng 5G trung bình tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, điều này có thể được giải thích rằng đó là do cơ sở hạ tầng 5G của chúng ta vẫn chưa đủ phổ biến. Nhưng ngay cả với các quốc gia phát triển, tốc độ tải xuống qua mạng 5G của họ vẫn chưa thể đạt được tới con số lý thuyết. Theo Statista, quốc gia dẫn đầu về tốc độ tải xuống bằng 5G trên toàn thế giới trong từ tháng 10/2021 đến tháng 03/2022 là Hàn Quốc, nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số 438 Mbps. Sẽ còn là một quãng đường khá dài nữa trước khi 5G có được tốc độ cao hơn và ổn định hơn để có thể chiến thắng được Wi-Fi.
Tiến tới xóa bỏ Wi-Fi và thay thế bằng 5G? Nói vẫn dễ hơn là làm
Ngay cả trong những trường hợp lý tưởng, việc chuyển sang 5G hoàn toàn vẫn có là điều rất khó khăn. Một trong những hạn chế lớn nhất mà người dùng sẽ gặp phải là hầu hết các gói cước di động chỉ cho một thiết bị được kết nối. Mặc dù bạn có thể chia sẻ kết nối bằng tính năng phát sóng của điện thoại thông minh, nhưng chúng ta chỉ nên làm khi thực sự cần thiết. Hơn nữa, khi quá lạm dụng việc phát sóng mạng di động qua điện thoại, thiết bị của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, rút ngắn tuổi thọ của thiết bị.
Hơn nữa, từ trước đến nay, mạng di động vẫn luôn nổi tiếng là dễ bị mất sóng và tắc nghẽn. Mặc dù 5G đã cải thiện được rất nhiều vấn đề này, nhưng với cơ sở hạ tầng hiện tại của 5G, người dùng vẫn ít nhiều vẫn gặp lại những sự cố như vậy. Giả dụ, trong một khu vực có tới 100.000 người dùng sử dụng 5G, nhưng lại chỉ có duy nhất một trạm phát sóng 5G thì việc xảy ra tắc nghẽn và chậm là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Khác với 5G, một điểm truy cập Wi-Fi chỉ phải giao tiếp với các thiết bị đã đăng nhập vào Wi-Fi của bạn. Bạn có thể quản lý và cho phép những ai có thể sử dụng Wi-Fi nhà bạn, bạn sẽ không phải chia sẻ băng thông của bạn với những người mà bạn không biết.
Hơn nữa, Wi-Fi cũng phù hợp hơn để sử dụng trong một hộ gia đình. Bạn chỉ cần đơn giản là đăng ký với nhà mạng một gói cước internet, khi lắp đặt, bạn sẽ có quyền tuỳ chọn thiết đặt bao nhiêu điểm phát Wi-Fi tuỳ ý như trong phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn,… Bạn sẽ luôn cảm thấy internet “ngập tràn” trong chính căn nhà của bạn. Nhưng 5G thì vẫn chưa thể như vậy được và vẫn còn khá nhiều hạn chế để có thể làm được điều mà Wi-Fi đang làm với các hộ gia đình.
Tóm lại, 5G vẫn sẽ là giải pháp khi di chuyển liên tục và Wi-Fi vẫn là phương án tối ưu nếu dùng tại nhà hay các địa điểm công cộng.
Kết luận
Để khẳng định rằng 5G có thể thay thế Wi-Fi hay không, chúng ta sẽ không chỉ đơn thuần trả lời là “có” hay “không”, đáp án chính xác ở đây sẽ là “chưa thể”. Tuổi đời của mạng di động 5G vẫn còn rất trẻ và chúng ta cần chờ đợi lâu hơn để chúng có thể hoàn thiện và phát triển hơn. Với lý thuyết ban đầu ấn tượng như vậy, chắc chắn trong tương lai sau này 5G hoàn toàn có thể “xoá sổ” hoàn toàn Wi-Fi. Tuy nhiên, đó là chuyện của sau này, còn ở thời điểm hiện tại chúng ta vẫn phải khẳng định rằng Wi-Fi vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của họ và thiết thực với cuộc sống của chúng ta.