Kaspersky Safe Kids, một giải pháp quản lý trẻ nhỏ, mới đây đã công bố danh sách các ứng dụng được trẻ em Việt Nam sử dụng nhiều nhất trên hệ điều hành Android trong quý I năm 2022. Kết quả cho thấy Zalo là ứng dụng đứng đầu bảng xếp hạng với tỷ lệ người dùng 26,37%. Đây là nền tảng nhắn tin miễn phí do tập đoàn VNG ra mắt vào năm 2012. Tính đến nay, Zalo đã có khoảng hơn 64 triệu người dùng tại Việt Nam.
Ở vị trí thứ 2 là mạng xã hội video YouTube với 16,33%. Không chỉ ở Việt Nam, YouTube còn là nền tảng video giải trí hàng đầu ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Vị trí thứ 3 thuộc về TikTok, dù ra mắt chưa lâu nhưng nền tảng này đã có sự tăng trưởng liên tục về số lượng người dùng. Trong năm 2021, TikTok được coi là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới với nhiều nội dung phong phú như giải trí, giáo dục,… Khả năng đề xuất video dựa trên sở thích người dùng chính là chìa khóa khiến cho TikTok thu hút được phần lớn sự quan tâm của trẻ em Việt Nam. Ở vị trí thứ 4 và 5 lần lượt là Facebook (10%) và Chrome (8.3%).
Đáng chú ý, danh sách có sự xuất hiện của tựa game Liên Quân Mobile. Đây là ứng dụng trò chơi duy nhất lọt vào bảng xếp hạng cùng các nền tảng mạng xã hội khác. Liên Quân Mobile là một tựa game chiến thuật rất được giới trẻ yêu thích tại Việt Nam. Đây cũng là một nội dung thi đấu Thể thao điện tử tại SEA Games 31 mà Đội tuyển Việt Nam giành được Huy chương Bạc. Còn lại, các ứng dụng mang tính trao đổi thông tin, hỗ trợ học tập và làm việc online như Zoom (7,79%), Messenger (7,35%), Teams (6,02%) và Gmail (3,51%) vẫn tiếp tục vẫn được tin dùng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Ngoài dữ liệu tại Việt Nam, Kaspersky cũng công bố các ứng dụng phổ biến nhất với trẻ em trên toàn thế giới. Trong đó, YouTube dẫn đầu với 31,6%, theo sau là TikTok với 19%, 3 ứng dụng còn lại trong top 5 là WhatsApp (18%), Roblox (7,5%) và Chrome (7,3%). Đáng chú ý là Youtube Kids, ứng dụng dành riêng cho trẻ em lại không quá phổ biến đối với trẻ khi chỉ chiếm 2,1%.
Cuối cùng, Kaspersky khuyến cáo phụ huynh nên tìm hiểu thêm về thói quen và sở thích trên internet của trẻ, đồng thời nghiên cứu các xu hướng mới để biết sự ảnh hưởng của các ứng dụng đến con cái. Từ đó, có phương hướng giáo dục hợp lý nhất. Theo báo cáo của Kaspersky, phim hoạt hình Nhật Bản (Anime), trò chơi Minecraft và meme chính là những nội dung thu hút nhiều sự chú ý nhất của trẻ em hiện nay.
Tham khảo: VTV