Góc nhìn

Xiaomi, realme ngày càng siết chặt hàng nội địa: Điện thoại xách tay sẽ càng khó bán hơn?

0

Điện thoại xách tay luôn được người dùng yêu thích nhờ cấu hình cao, giá tốt. Đặt cạnh hàng chính hãng, những mẫu máy Xiaomi, realme hay OnePlus nội địa tỏ ra vượt trội về thông số cấu hình, màn hình, pin cho đến công suất sạc. Thế nhưng, trong một năm trở lại đây, những cái tên trên liên tục ban hành quy định mới nhằm chặn đứng sự phát triển của hàng nội địa. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu “ngày tàn” của điện thoại xách tay đã đến?

Xiaomi, realme, Apple thắt chặt điện thoại xách tay

Sẽ không sai khi nói rằng điện thoại xách tay đang trải qua một năm đầy “sóng gió”. Các thương hiệu đã và đang ban hành những biện pháp cứng rắn nhằm chặn đứng nguồn hàng nội địa bán tại Việt Nam.

Kể từ iPhone 14 trở đi, Apple đã loại bỏ khe SIM trên các thiết bị bán ra tại Mỹ. Đáng nói, đây là thị trường lớn nhất của iPhone lock tại Việt Nam. Để khắc phục, các kỹ thuật viên phải cắt một phần khung máy để lấy không gian cho ổ chứa SIM. Thậm chí, lên iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max lock, họ buộc phải can thiệp bảng mạch bên trong để SIM hoạt động bình thường.

Vào đầu năm nay, người dùng realme GT Neo 5 liên tục nhận được thông báo chặn sóng khi cố gắng lắp SIM của Việt Nam. Đến đầu tháng 11, tình trạng trên trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng loạt mẫu máy realme GT Neo 5 SE không thể mở khoá được kể cả khi đã dùng thủ thuật ngoài. Thậm chí, nhiều cửa hàng chuyên điện thoại xách tay đã phải ra thông báo tạm ngừng bán sản phẩm này vì chưa có giải pháp khắc phục.

Xiaomi cũng đã ban hành những quy định mới với các thiết bị chạy HyperOS. Theo đó, để mở khoá Bootloader trên các mẫu máy xách tay, người dùng phải xác minh tài khoản và đạt cấp 5 trong cộng đồng Mi Community China. Đây là điều gần như không thể với người Việt vì việc xác minh yêu cầu căn cước công dân hoặc hộ chiếu của Trung Quốc.

Tại sao các hãng lại làm vậy?

Từ trước đến nay, điện thoại xách tay thu hút người dùng nhờ giá rẻ, cấu hình cao. Những cộng đồng Xiaomi, realme nội địa hay Google Pixel nhận được sự quan tâm lớn với hàng chục nghìn thành viên hoạt động hàng tháng.

Đặt cạnh điện thoại chính hãng, phân khúc xách tay luôn có những ưu thế nhất định. Chỉ với 5 – 6 triệu đồng, người dùng đã có thể lựa chọn Redmi Note 12 Turbo với hiệu năng, màn hình hay sạc nhanh hơn rất nhiều so với Redmi Note 12 Pro 4G cùng tầm giá. Bên cạnh đó, có những sản phẩm chỉ được ra mắt tại thị trường nội địa như Xiaomi 13 Ultra hay realme GT Neo 5 SE. Người dùng nếu muốn trải nghiệm thì chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là mua hàng xách tay.

Khách quan mà nói, điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các hãng. So với hàng chính hãng, phân khúc xách tay thường không chịu thuế, phí vận chuyển hay các khoản phụ thu khác. Do đó, việc mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc hãng sẽ thất thoát rất nhiều tiền thuế. Doanh số của hàng chính hãng từ đó giảm xuống, lợi nhuận thấp hơn, về lâu dài sẽ tác động nhất định tới chiến lược kinh doanh của hãng.

Do đó, Xiaomi, realme hay Apple đưa ra động thái trên để ổn định nguồn thu, tránh tình trạng thất thu thuế. Càng ít máy xách tay được bán ra, thị trường điện thoại sẽ càng ổn định, kéo theo mức giá của hàng chính hãng cũng sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, các hãng điện thoại luôn muốn đem lại trải nghiệm sản phẩm một cách tốt nhất, trọn vẹn nhất. Các mẫu máy như Xiaomi 13 Ultra hay realme GT Neo 5 khi bán ra sẽ chạy sẵn một bản ROM nội địa. Về cơ bản, đây là phần mềm chính thức và hoạt động ổn định với những ứng dụng và dịch vụ tại Trung Quốc. Thế nhưng, khi dùng tại Việt Nam thì những mẫu máy này lại phát sinh rất nhiều lỗi vặt như chậm thông báo, không có tiếng Việt hay không thể định vị bằng Google Maps.

Có thể những lỗi trên không nghiêm trọng, thế nhưng vẫn gây ra rất nhiều phiền toái khi sử dụng. Việc mua một chiếc điện thoại chính hãng sẽ khắc phục hầu như tất cả điểm trừ trên. Trên hết, người dùng được tận hưởng trải nghiệm trọn vẹn, đầy đủ và ít lỗi nhất.

Người dùng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Việc các hãng thắt chặt quy định hàng xách tay sẽ ảnh hưởng nhất định đến người dùng. Việc mua bán, trao đổi dòng sản phẩm này sẽ trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, họ sẽ khó tiếp cận với các mẫu máy xách tay độc quyền, không được bán chính hãng tại thị trường Việt Nam như Xiaomi 13 Ultra, Redmi Note 12 Turbo hay realme GT Neo 5 SE.

Kể cả khi đã mua thành công, ngừi dùng cũng gặp rất nhiều phiền toái trong quá trình sử dụng. Đơn cử, việc sử dụng tiếng Việt trên Xiaomi 14, Xiaomi 14 Pro sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lý giải cho điều này là vì kể từ HyperOS, hãng đã siết chặt quy định mở khoá Bootloader trên các thiết bị bán ra tại thị trường nội địa. Bản ROM gốc trên Xiaomi 14 không có sẵn tiếng Việt, mà muốn cài được thì người dùng phải mở khoá thiết bị và cài một bản ROM quốc tế.

Thế nhưng, cần phải nhìn nhận rằng động thái trên là mong muốn của các hãng hướng đến người dùng phổ thông. Họ muốn khách hàng được trải nghiệm sản phẩm chính hãng một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Khi mua máy tại các đại lý chính thức, người dùng được hưởng đầy đủ chính sách bảo hành, khuyến mãi của hãng. Quá trình sử dụng từ đó cũng liền mạch hơn, tránh được những lỗi hay sự cố không mong muốn.

Google Chrome 119 có giao diện Material You trên nhiều thiết bị hơn

Previous article

Kết quả so sánh camera giữa OPPO Find N3 Flip và Galaxy Z Flip5: Samsung làm tốt quá!

Next article

Comments

Comments are closed.