Xin chào anh em, mình là Nhân. Là một người cực kì đam mê viết lách, yêu thích công nghệ do đó mình muốn đưa tới anh em những bài đánh giá sản phẩm công nghệ là chi tiết và trung thực nhất. Và trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ những đánh giá về chiếc Xiaomi Mi Pad 5 của mình.
Về chiếc Xiaomi Mi Pad 5 mình mua được với combo máy cùng cục sạc 33W với mức giá là 8 triệu 100 nghìn đồng tại Mi City thông qua Shopee. Mình phải mua thêm 1 cục sạc là do trong hộp của Mi Pad 5 sẽ không được trang bị củ sạc. Mình đã dùng máy cũng được khoảng 10 ngày, mọi thứ đã đi vào ổn định nên mình quyết định chia sẻ một số thứ cho những ai đang quan tâm tới mẫu tablet này
Thiết kế
Xiaomi Mi Pad 5 sở hữu một thiết đơn giản nhưng vẫn ấn tượng với phần khung viền kim loại được làm vuông vức. Cụm Camera của máy có thiết kế rất giống Camera của Mi 11. Về chất liệu hoàn thiện Mi Pad 5 có mặt lưng được làm từ nhựa. Lý do Xiaomi lựa chọn làm mặt lưng nhựa thay cho kính thì phần nhiều là do để máy rẻ và nhẹ hơn.
Dù sao cũng đeo ốp vào, chả ma nào chú ý tình tiết này. Phần bám vân tay thì công nhận là có, ngay cả cái ốp do sau lưng là nhựa bóng nhưng mình thì dùng máy có thói quen 1 tiếng rửa tay và vệ sinh máy 1 lần nên chả quan tâm
Những thứ khác như phím Volume +/- hay phím nguồn hay là các chỗ tiếp xúc giữa các bộ phận đều làm tốt nhiệm vụ, không chỗ nào bị kênh lên, hở bung ra gì cả. Khả năng hoàn thiện tốt từ thời Mi Pad 4 rồi, nên mình nghĩ Xiaomi có thừa kinh nghiệm.
Khả năng kết nối
Xiaomi Mi Pad 5 được sở hữu chế độ PC Mode. Vì vậy mà mình có thể kết nối máy với bàn phím và chuột thoải mái để làm việc. Sau khi kết nối xong thì em nó như 1 chiếc laptop mini giúp mình có thể làm các công việc nhẹ nhàng khi ngồi quán cafe.
Sau khi kết nối với bàn phím, về đa nhiệm máy hỗ trợ tốt các chuỗi phím nóng như là Windows + Tab để mở Recent Apps, Windows + D để về Home. Nếu quên, bạn có thể đè nút Windows để hiện ra gợi ý chuỗi phím – rất tiện. Máy cũng hỗ trợ Ctrl + C, Ctrl + V đủ thứ. Cái phàn nàn lớn nhất của mình chắc là vụ chuột. Chả hiểu học cái gì ở Apple không học, đi học cái ngáo nhất là con chuột không có biểu tượng con chuột mà nó lại đi làm hình tròn.
Một điều nữa khiến mình hơi thất vọng về Xiaomi khi hãng đã loại bỏ jack cắm 3.5mm trên Xiaomi Mi Pad 5. Mình là 1 người thường xuyên sử dụng tai nghe có giây và đã quen với nó vì chất lượng âm thanh cho ra ổn định. Chính vậy việc loại bỏ jack cắm tai nghe này gây cho mình một vài sự bất tiện.
Tuy đi kèm với máy, hãng đã trang bị cho người dùng 1 adaptor chuyển đổi từ cổng type C sang jack 3.5mm nhưng nếu mỗi khi mình chuyển tai nghe từ Mi Pad 5 sang chiếc Pixel 3 XL có jack cắm 3.5mm thì mình lại phải cần thận tháo ra rồi cất adaptor đi. Cái adaptor chuyển đổi này còn có kích thước bé xíu xiu nên mình phải cực kì cẩn thận không rất dễ để linh tinh rơi mất.
Hiệu năng và phần mềm
Về hiệu năng tổng thể thì sau đây là ý kiến của mình, máy mạnh, mượt tuy nhiên bạn phải lưu ý cái này. Đó là máy có một cái chế độ gọi là MIUI Optimization trong phần Developer option.
Nếu bạn muốn yên thân mà sử dụng như những bản Android khác về vụ đa nhiệm hay YouTube Vanced (vì MIUI mặc định không cho tự chạy bộ MicroG nên dùng Youtube Vanced sẽ báo là không connect internet được – cái này chỉ cần vô MicroG set cho nó thành Auto start là được) thì hãy tắt đi.
Với việc sở hữu con chip Snapdragon 860 thì khoản chơi game trên Xiaomi Mi Pad 5 cực kì sướng. Với sức mạnh hiệu năng này máy có thể đáp ứng cho mình chơi gần như tất cả tựa game từ nhẹ đến nặng trên CH play. Nhưng câu chuyện nằm ở nhà phát triển, ví dụ như PUBG Mobile (thực ra mình không thích game này nhưng muốn tải về để test cho anh em) thì nếu như các bạn để yên vậy mà chơi thì chỉ chơi được ở 720P và không lên được quá 30FPS, dùng GFX (Pub GFX Tool) thì bật được đồ họa cao nhất rồi 90FPS đủ thứ.
Về khả năng đa nhiệm, nếu mình mở 4-6 ứng dụng nặng thì ứng dụng nào ở xa nhất sẽ bị load lại. Cái này cũng không quan trọng với mình. Nhưng không có hiện tượng đang ngồi viết cái bài này mà ra chỉnh bài nhạc vô lại bị reload :))). Nếu sợ bị reload, bạn có thể khóa ứng dụng bằng cách mở Recent Apps rồi đè vào và chọn hình ổ khóa.
Về hệ điều hành Mi Pad 5 chạy trên MIUI 12.5 for Pad. Về vụ nâng OS mình không biết Xiaomi sẽ hỗ trợ cho Mi Pad 5 trong bao nhiêu năm. Với mình 2 hay 3 năm chả phải vấn đề, miễn ở bản cũ nó chạy mượt, vẫn dùng được app là ngon rồi.
Trải nghiệm sử dụng
Đầu tiên khi vào phần trải nghiệm này thì mình muốn nhấn mạnh với các bạn là: Google đã bỏ máy tính bảng
Điều đó có nghĩa là bất cứ cái gì liên quan tới tablet mình đang dùng ở Xiaomi hay Samsung thì đều không có công của Google mà chỉ có nỗ lực của nhà sản xuất. Nó chỉ đơn giản là một cái hệ điều hành điện thoại được nhét giao diện tablet vào.
Về hệ điều hành, bên Apple đang độc chiếm thì có cái gọi là iPad OS, bên Xiaomi thì chỉ có MIUI for Pad. Dĩ nhiên, do sức ép do thị phần mà mảng phần mềm của Android tablet sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi khi so với iPad.
Về những ứng dụng làm việc Office trên Xiaomi Mi Pad 5 thì mình đánh giá như sau: xem, sửa tài liệu do bộ Microsoft Office tạo ra một cách đầy đủ, in đậm, màu,….Dùng được ổ lưu trữ cloud nếu bạn dùng OneDrive, Google Drive hay Dropbox.
Cái này là điểm mạnh, mình ví dụ thế này, mình có một văn bản do sếp gửi – nhiệm là cần check lỗi tiếng Việt. Mình làm ở nhà với bộ Office 2019 ở Word rồi lưu ở One Drive. Chiều lại mình ngồi cà phê với lũ bạn, sếp có một email khẩn nhờ chỉnh lại và dịch thêm một đoạn. Thế là mình tranh thủ mở WPS Office ra, ngay ổ One Drive của mình và tiếp tục làm việc ở cái file đó.
Với các ứng dụng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Messenger hay Instagram thì đơn giản chỉ là giao diện của nó y như trên điện thoại phóng to lên mà thôi. Mình gần như không thấy sự tối ưu, tinh chỉnh nào cho các ứng dụng này trên tablet. Khá chán cho Google do không gây áp lực.
Về khả năng dịch văn bản, màn hình của Mi Pad 5 cũng đủ to để mình mở SmartCAT trên nền web và check qua bản dịch của mình một chút. Với những bạn dùng máy để buôn bán theo kiểu viết lách nhiều hoặc content writter trên mạng xã hội thì Mi Pad 5 đáp ứng đủ cho tới vượt mức mong đợi của các bạn (sử dụng WPS Office)
Xem phim trên NetFlix là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất, khi bóc máy ra, bạn sẽ nhận được một bản update, sau bản update này chuẩn Widevine của bạn sẽ được nâng từ L3 lên L1. Coi FullHD thoải mái. Bên bản PRO thì nghe đâu vẫn chưa nhận được bản update này từ XIAOMI, hơi khó hiểu
Về duyêt Web thì mình vẫn tin tưởng Opera do mọi thứ đều được đồng bộ giữa PC, Laptop, Tablet và điện thoại. Opera cũng có My Flow. Muốn gửi, muốn lưu link gì đó để đọc tiếp ở thiết bị khác cũng tiện, lại còn hỗ trợ đầy đủ giao diện Tablet. Mình thấy một số clip nói rằng dùng ở chế độ chia đôi màn hình thì Chrome lướt sẽ bị khựng, tức là về 60FPS thôi chứ không được 120FPS nữa, thì mình xài Opera thấy ngon lành, chả sao cả.
Về Youtubevanced, Email, Spotify hay ứng dụng đồ họa adobe thì giao diện trên Mipad 5 khá hoàn chỉnh và hài hòa. Đáp ứng dc mọi nhu cầu về giải trí hay phục vụ công việc.
Màn hình
Nhờ có tần số làm tươi là 120Hz, nên mọi thao tác ở giao diện đều mượt mà trơn tru hơn hẳn. Phần tần số làm tươi này, chỉ một hai lần dùng qua, bạn sẽ không cảm nhận được khác biệt, cho đến khi đã quen, đến lúc về với màn hình 60Hz bạn sẽ nhận ra mình đã quen được độ mượt 120Hz khi nào không hay.
Việc này cũng sẽ giúp chơi game ngon hơn nếu máy render được hơn 60FPS (khung hình trên giây). Bạn cắm chuột vào màn hình thì cảm giác di chuột mượt hơn, ít bị trễ hơn so với màn hình 60Hz.
Màn hình máy có độ sáng cao, mình thường chỉ dùng đến 75-80% độ sáng. Tuy nhiên ra ngoài trời thì có thể thoải mái để 100%, đảm bảo máy không bị lóa và nhìn nội dung rõ.
Về các dịch vụ xem video như YouTube hay NetFlix thì quá tuyệt vời. Dù ở nhà có TV rồi nhưng đôi lúc mình vẫn leo lên giường mở video bằng Mi Pad coi.Các video của YouTube cũng cho phát ở độ phân giải 4K nên nếu mạng khỏe, bạn nên set thành 4K coi cho đã mắt.
Camera
Về CAMERA, máy làm đúng bổn phận của mình, cam sau nét rõ, quay được 4K, ngoài cái vụ chụp tài liệu ra, chắc chả ai dùng camera của tablet đâu. Về chất lượng Camera trước của Mi Pad 5 thì lúc facetime hay học online đều khá nét.
Mình thì có máy ảnh nên chả ít khi sử dụng Camera trên Mi Pad 5- tất nhiên vẫn sẽ cần cho lúc cần kíp. Camera trước thì sẽ hơi bị lệch nếu bạn xoay ngang do nó đặt theo phương đứng. Mà học online thì nhìn mặt mình làm gì nhỉ? Nhìn mặt thầy cô và màn hình của thầy cô ấy!
PIN
Với dung lượng pin 8700mAH không rõ so với những máy khác thì như thế nào, nhưng với mình nếu dùng chế độ màn hình 120Hz thì cứ sau một tiếng xài hỗn hợp, bạn chỉ mất đi có 10%, vị chi máy on-screen tầm 10 tiếng (độ sáng 75%).
Nếu chơi game, thời gian này có thể bị rút thành 45-50p/10%. 10 tiếng dùng onscreen là một thời lượng tuyệt vời với mình. Theo đo đạc của máy, thì sau một lần sạc như vậy, mình sẽ dùng máy được từ 20-25 tiếng. Nghĩa là bạn có thể rút sạc sáng ngày hôm nay, làm việc nguyên cả ngày, rồi tối về giải trí xong xuôi ở độ sáng 75-100% thì tầm lúc đi ngủ bạn sẽ cắm sạc lại. Hoặc như mình thì 1 ngày rưỡi-2 ngày mới phải sạc máy. Nói chung ví dụ như máy nó còn có 30% pin thì vẫn tự tin cầm máy ra ngoài.
Bạn nào muốn tiết kiệm pin hơn thì có thể qua dùng 60Hz. Con số 10 tiếng on-screen giờ sẽ thành 12-13 tiếng. Nhìn chung là pin quá tốt rồi. Hãy lưu ý là mình đo đạc toàn bộ là độ sáng từ 75% đến 100%.
Kết luận
Với những nỗ lực của Huawei, Xiaomi, Samsung thì những giới hạn về phần mềm cho máy tính bảng không phải đi trách móc họ mà phải đi trách chính Google đã không đủ kiên nhẫn, không đủ quyết tâm. Nhưng mình rất hy vọng với những thay đổi phù hợp cho thiết bị có màn hình to như điện thoại gập thì mọi thứ sẽ diễn biển theo chiều hướng tích cực. Chỉ mong bản thân Google có những chính sách quyết liệt với DEV để một mặt ép DEV ói ra app chất lượng cho Android, một mặt thúc đẩy thị phần – như cách Apple đang làm.