Góc nhìn

Vì sao điện thoại nhanh hết pin đến vậy?

0

Điện thoại là một thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, không ít lần bạn phải đối mặt với tình trạng điện thoại nhanh hết pin, gây ra nhiều bất tiện và phiền toái. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, nhưng dưới đây là 6 lý do phổ biến nhất mà bạn nên biết để khắc phục.

Độ sáng màn hình quá cao

Màn hình là một trong những bộ phận tiêu tốn pin nhiều nhất trên điện thoại. Nếu người dùng để độ sáng màn hình quá cao, điện thoại sẽ nhanh hết pin hơn. Vì vậy, người dùng nên điều chỉnh độ sáng màn hình phù hợp với ánh sáng xung quanh, hoặc có thể bật chế độ tự động điều chỉnh độ sáng.

Đối với các máy được trang bị màn hình OLED, người dùng có thể chuyển sang chế độ nền tối (dark mode) để tiết kiệm pin hơn.

Ứng dụng chạy nền

Một lý do khác khiến pin điện thoại cạn kiệt nhanh đó là có quá nhiều ứng dụng chạy nền. Những ứng dụng này sẽ tiêu tốn tài nguyên và pin của điện thoại kể cả khi không sử dụng chúng. Người dùng có thể sử dụng các tính năng có sẵn trên máy như: Chăm sóc thiết bị (Samsung), Bảo mật (Xiaomi) để vô hiệu hóa các ứng dụng chạy nền.

Tính năng Picture-in-Picture

Picture-in-Picture (PiP) là tính năng cho phép người dùng xem video trên một cửa sổ nhỏ, trong khi vẫn có thể làm việc khác trên điện thoại. Các ứng dụng hỗ trợ tính năng này bao gồm: YouTube (dành cho tài khoản Premium), Netflix, Safari và nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến khác. Tuy nhiên, tính năng này cũng làm tăng lượng pin tiêu thụ của điện thoại, vì chúng vẫn phải duy trì kết nối internet và xử lý hình ảnh. Người dùng nên hạn chế sử dụng chế độ picture in picture, hoặc tắt nó khi không cần thiết.

Để tắt chế độ PiP trên iOS, người dùng cần làm theo những cách sau đây.

  1. Mở Cài đặt và chọn Cài đặt chung.
  2. Ấn chọn “Hình trong hình“.
  3. Tắt tính năng Bắt đầu PiP tự động.

Đối với người dùng Android

  1. Truy cập vào Cài đặt.
  2. Chọn mục Ứng dụng.
  3. Tìm các ứng dụng hỗ trợ PiP.
  4. Tắt chế độ Picture-in-Picture (hình trong hình).

Chai pin điện thoại

Nguyên nhân phổ biến khiến cho điện thoại bị “tụt” pin nhanh chóng đó chính là chai pin. Pin điện thoại có tuổi thọ giới hạn, và sẽ bị chai dần theo thời gian. Sau khoảng 2 hoặc 3 năm (tùy thuộc vào kiểu điện thoại), pin trên điện thoại sẽ không thể đạt được dung lượng tối đa như ban đầu. Điều này sẽ khiến người dùng sẽ phải sạc nhiều hơn. Nếu hiệu suất pin bị giảm quá nhiều thì người dùng nên đi thay pin càng sớm càng tốt.

Ứng dụng định vị

Các ứng dụng định vị như Google Maps, Facebook, hay Grab đều sử dụng GPS để xác định vị trí của người dùng một cách chính xác. Tuy nhiên, GPS là một trong những công nghệ tiêu tốn pin nhiều nhất trên điện thoại, bởi vì nó phải gửi và nhận tín hiệu liên tục từ các vệ tinh.

Vì vậy, người dùng nên tắt GPS khi không cần thiết, hoặc chỉ cho phép các ứng dụng định vị truy cập vị trí khi đang sử dụng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm pin cho điện thoại và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng khỏi những kẻ xấu muốn theo dõi thông qua GPS. Người dùng có thể vào cài đặt của điện thoại để điều chỉnh quyền truy cập vị trí cho từng ứng dụng.

Cho phép nhiều ứng dụng gửi thông báo

Cho phép nhiều ứng dụng gửi thông báo cũng là nguyên nhân khiến pin điện thoại cạn kiệt nhanh chóng. Mỗi lần nhận được một thông báo, màn hình điện thoại của người dùng sẽ sáng lên để hiển thị nội dung của thông báo. Màn hình là một trong những thành phần tiêu thụ nhiều pin nhất trên điện thoại, vì vậy việc sáng lên liên tục sẽ làm giảm tuổi thọ pin của máy. Điều này không chỉ làm hao pin máy mà còn gây ra nhiều phiền phức đối với người dùng.

Với các ứng dụng không cần thiết, người dùng có thể tắt hoặc điều chỉnh thông báo. Người dùng có thể truy cập vào Cài đặt > Thông báo. Tại đây, người dùng có thể tắt hoặc tùy chỉnh thông báo theo ý muốn.

Theo: MakeUseOf

Nothing Phone (2) ra mắt: Snapdragon 8+ Gen 1, bổ sung thêm đèn LED, giá từ 14 triệu

Previous article

Cách xoá watermark cho video cực dễ, không cần cài phần mềm

Next article

Comments

Comments are closed.