Góc nhìn

Thiết kế điện thoại thông minh đang ngày càng nhàm chán ?

0

Năm 2021, đây là thời điểm mà người ta không còn nói quá nhiều đến vẻ bề ngoài của một chiếc điện thoại. Thay vào đó, các ông lớn đang cạnh tranh với nhau bằng những tính năng thông minh cũng như khai thác sản phẩm của mình thành một thiết bị tối ưu nhất cho người dùng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, những chiếc điện thoại mà chúng ta thường thấy đang dần trở nên một màu và có phần nhàm chán. Phải chăng các nhà sản xuất đang cạn ý tưởng và đây là lúc cần có một sự đột phá? Các bạn hãy cùng mình theo dõi trong bài viết này

Thiết kế điện thoại thông minh đang dần đi đến “hồi kết”?

Sở dĩ mình đặt ra câu hỏi như vậy vì gần đây, chỉ cần nhìn ngay vào phân khúc tầm trung và giá rẻ của Android, các bạn có lẽ sẽ phải ngay lập tức đồng ý với ý kiến này. Một dãy các sản phẩm đến từ các hãng như Oppo, Xiaomi, Realme, vivo, hay thậm chí là Samsung, nó gần như giống nhau cả về cách đặt camera selfie cho đến cái cằm dày quen thuộc. Bước vào một chuỗi siêu thị lớn như Thế giới di động, mình thật sự phải choáng ngợp không phải vì đa dạng các sản phẩm để lựa chọn mà là chúng nhìn quá giống nhau. Thậm chí nếu không nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên, mình không thể phân biệt được đâu là máy giá rẻ, đâu là máy ở phân khúc tầm trung. Mình tin chắc rằng nếu che đi cái logo của sản phẩm thì các bạn cũng có thể không nhận ra máy đó đến từ nhà sản xuất nào.

Mình đã quá ngán thiết kế giọt nước trên smartphone hiện nay

Chuyển sang những sản phẩm của Apple, có lẽ mình không cần nói quá nhiều về vấn đề này khi nó đã và đang trở thành câu chuyện cho rất rất nhiều cuộc tranh cãi diễn ra hàng ngày. 5 năm 1 thiết kế, iPhone năm nay cũng đã nhận được nhiều sự chỉ trích khi Táo khuyết vẫn có phần “bảo thủ” với những chiếc điện thoại của mình. Vẫn là phần notch mà người ta hay gọi vui là tai thỏ, nó xuất hiện từ thời iPhone X và đến năm 2021, nó vẫn đang ngồi chễm chệ trên trán của iPhone 13 series. Đồng ý rằng nó không phải là vấn đề quá to tát, nhưng nó cũng khiến cho những trải nghiệm hàng ngày của mình chưa được thật sự trọn vẹn. Chưa kể là mặt lưng, mình tin chắc nếu các cầm ra đường chiếc iPhone 12 Pro hay 12 Pro Max, chả ai dám nói các bạn dùng iPhone cũ nếu chỉ nhìn lướt qua vì cơ bản chúng quá giống iPhone 13 năm nay.

Nó nhàm chán, vậy tại sao các hãng vẫn cứ làm ?

Nếu nói về điện thoại Android, thiết kế của chúng thường được mua lại những ODM nguyên mẫu có sẵn bởi các bên sản xuất như Foxconn về, sau đó họ sẽ gán tên thương hiệu và cài đặt phần mềm của mình cho sản phẩm. Ví dụ như trường hợp của chiếc Vsmart Live và Meizu 16XS, khi mổ bụng 2 chiếc điện thoại này ra, từ cấu tạo cho đến các linh kiện bên trong đều giống y hệt. Nhưng chúng lại mang trong mình thương hiệu khác nhau, điều này vô hình chung tạo nên các sản phẩm “cùng cha khác ông nội” và đôi khi đẩy người dùng vào tình huống dở khóc dở cười khi hiểu lầm rằng hãng này nhái của hãng kia. 

Lý giải cho việc này là vì các nhà sản xuất muốn tối ưu hóa thời gian sản xuất cũng như giảm thiểu tối đa nhất các chi phí cho một sản phẩm. Khi mà những thiết kế ODM đã có sẵn thì họ chỉ việc đi mua về rồi thêm một vài bước rồi gắn logo vào, như vậy là có thể tạo ra một sản phẩm. Từ đó, người dùng cũng được hưởng lợi khi có thể sở hữu smartphone với giá thành hấp dẫn. Tuy nhiên việc này khiến họ đang phải dựa dẫm quá nhiều vào ODM từ đó giảm đi tính sáng tạo cũng như mất đi những giá trị vốn có của từng sản phẩm. Còn nếu như họ muốn tự làm khâu thiết kế từ a đến z nhưng chẳng may phát sinh lỗi thì sẽ làm ảnh hưởng đến vốn hóa rất nhiều. Ví dụ như trường hợp của chiếc Galaxy Note 7 với cú phốt bomb phone vào năm 2016, rõ ràng Samsung là một ông lớn có tên tuổi nhưng vẫn có lúc mắc sai lầm. Như vậy, giải pháp đi mua ODM có sẵn sẽ bớt rủi ro hơn rất nhiều nhất là với các hãng chưa có tên tuổi và mới tập tễnh bước chân vào thị trường smartphone.

Mặc dù iPhone được chính đội ngũ của Apple tự tay thiết kế, tuy nhiên trường hợp của nhà Táo lại rất khác biệt. Không như các hãng Android, Apple chỉ làm sản phẩm cao cấp và làm rất ít nên họ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho những chiếc smartphone của mình. Điều thú vị là họ cũng không tốn quá nhiều chi phí khi qua từng năm iPhone thay đổi rất ít, ví dụ như giai đoạn từ iPhone 6 lên iPhone 8, từ iPhone X lên iPhone 13 Pro Max. Rõ ràng, những linh kiện cũng như dây chuyền sản xuất từ năm trước vẫn có thể áp dụng lên năm sau một cách hoàn toàn dễ dàng. Không những tiết kiệm được chi phí, iPhone còn bán rất chạy qua mỗi năm, Từ đó thu về cho Apple rất nhiều lợi nhuận. Vậy nên rất có thể Táo khuyết cho rằng “Sản phẩm của chúng tôi vẫn đang bán chạy, tại sao chúng tôi phải thay đổi ?”

Liệu các hãng có thể làm khác không ?

Không thể phủ nhận rằng thế giới công nghệ vẫn đang thay đổi từng ngày, nhưng so với khoảng vài năm về trước, sự sáng tạo trong thiết kế điện thoại thông minh đã giảm đi khá nhiều. Nếu như thời điểm đó, chúng ta có những sản phẩm đột phá như Galaxy Beam với khả năng tích hợp máy chiếu, LG G Flex với màn hình uốn cong về phía trước, LG G5 với khả năng tháo lắp module pin dễ dàng, v.v. Mặc dù chúng không được đánh giá tốt hay thậm chí còn phải nhận lại rất nhiều chỉ trích nhưng mình vẫn đánh giá rất cao sự sáng tạo của các hãng thời đó. 

Nếu như các bạn cho rằng sự đột phá không thể tạo nên thành công thì những chiếc điện thoại màn hình gập như Z Fold 3 và Z Flip 3 sẽ khiến các bạn phải suy nghĩ lại. Đồng ý rằng thế hệ đầu tiên của chúng còn gặp rất nhiều vấn đề, nhưng nếu người dùng cho các nhà sản xuất thêm thời gian thì chắc chắn họ sẽ không làm chúng ta phải thất vọng. Không những khắc phục được gần như hoàn toàn những điểm yếu vốn có của điện thoại gập mà Samsung còn cải tiến chúng rất nhiều theo thời gian, mình đặc biệt ấn tượng với khả năng kháng nước IP68 cũng như camera ẩn dưới màn hình mà nhà sản xuất Hàn Quốc đã làm. 

G Flex được đánh giá rất sáng tạo nhưng vẫn thất bại

Như vậy, các hãng hoàn toàn có thể tự do sáng tạo và tạo nên dấu ấn cho riêng mình. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng có đủ tiềm lực và tham vọng lớn như Samsung để có thể sẵn sàng tạo ra một bước đột phá lớn. Việc dè chừng và có phần “an toàn” là tốt nhưng điều đó có thể sẽ khiến họ không bao giờ trở thành một tập đoàn công nghệ có sức ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới như Apple và Samsung đã làm.

Tổng kết

Mặc dù các sản phẩm điện thoại ngày nay đang dần “lười” thay đổi ở thiết kế, nhưng các tính năng thông minh có trong một chiếc smartphone thì không ngừng thay đổi, phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên mình vẫn hy vọng trong tương lai, các hãng có thể sáng tạo hơn nữa để tạo ra nhiều sản phẩm độc, đẹp, lạ và thực dụng.

Google, Apple chưa làm điện thoại gập là vì sợ Samsung?

Previous article

Apple sẽ cảnh báo cho bạn như thế nào nếu iPhone bị hacker tấn công

Next article

Comments

Comments are closed.