Lý do Samsung từ bỏ Tizen để chuyển qua WearOS
Mới đây nhất, Samsung đã chính thức ra mắt dòng sản phẩm Galaxy Watch 4 chạy WearOS. Vậy là Samsung đã quyết tâm “dứt áo”, từ bỏ con đẻ của mình (hệ điều hành Tizen) để chuyển sang WearOS. Nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Samsung lại từ bỏ Tizen, hệ điều hành độc quyền cho các thiết bị đeo của hãng để chuyển sang hệ điều hành Wear OS của Google? Họ đã làm khá tốt với các smartwactch chạy Tizen trong khi hãy nhìn sang Wear OS của Google, vẫn còn khá là “hỗn độn”, chưa được để tâm?
Lý do vì sao mình nói WearOS vẫn còn “hỗn độn” là vì những nguyên nhân sau. Vào khoảng tháng 11/2020, những chiếc đồng hồ thông minh chạy WearOS bị gặp phải một lỗi liên quan đến việc kích hoạt trợ lý ảo Google bằng giọng nói. Lỗi này đã được TheVerge đưa tin và Google cũng đã thông báo rằng họ sẽ sửa ngay lập tức nhưng cho đến tận mấy tháng sau, vẫn chưa thấy bất kỳ một sự khắc phục nào đến từ Google. Người dùng vẫn có thể kích hoạt trợ lý ảo Google bằng cách bấm giữ phím cơ, nhưng vấn đề thực sự ở đây là sự quan tâm của Google đến hệ điều hành WearOS khi để một lỗi tồn tại trong nhiều tháng trời mà chưa được khắc phục.
Đã từ khá lâu, dự án WearOS đã bị Google “thả trôi”, hãng có vẻ như không quá quan tâm đến hệ điều hành cho đồng hồ này. Thêm một dẫn chứng nữa cho việc này đó là vào háng 10/2020, Google thậm chí còn phát hành ứng dụng Youtube Music cho Apple Watch trước cả cho Wear OS. Các bản cập nhật thường xuyên trước đây của Google cho các đồng hồ chạy WearOS cũng không có quá nhiều sự nổi bật, không cải thiện được chất lượng.
Vậy lý do gì khiến Samsung nhất quyết chuyển sang WearOS?
Theo quan điểm của cá nhân mình, hai lý do cốt lõi nhất mà Samsung đã chọn WearOS đó là vì họ muốn tương thích với trợ lý ảo Google và CH Play.
Thứ nhất, về vấn đề ứng dụng cho điện thoại thông minh. Tizen chỉ là một hệ điều hành riêng của Samsung sử dụng cho những chiếc đồng hồ thông minh của họ. Nó không có quá nhiều ứng dụng đến từ bên thứ ba. Việc Samsung chuyển qua sử dụng WearOS sẽ giúp kho ứng dụng trên thiết bị của họ trở nên đa dạng hơn. Nhưng đã đề cập từ đầu, Google đã không quá chú ý đến hệ điều hành này và thậm chí là cả những nhà phát triển ứng dụng cũng không mặn mà với Wear OS. Bất chấp việc hệ điều hành này ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ví dụ với ứng dụng Spotify trên Wear OS chỉ là trình điều khiển phát nhạc đơn thuần, trong khi ứng dụng Spotify trên Tizen cho phép bạn tải bài hát xuống để phát nhạc ngoại tuyến.
Thứ hai, về vấn đề trợ lý ảo Google và Google Pay. Samsung có một trợ lý ảo riêng – Bixby, nhưng những ai đã dùng Bixby rồi thì chắc chắn sẽ thấy được rằng nó chưa thể bằng Google Assistant được. Bixby trên Tizen còn tỏ ra chậm lag, khó sử dụng hơn trên điện thoại. Đây cũng là một điểm tốt khi chuyển sang WearOS. Còn về phần Samsung Pay, nó vẫn còn nhiều hạn chế hơn Google Pay. Cả hai vấn đề này trên WearOS đều giải quyết được tốt hơn trên Tizen. Bởi lẽ trên WearOS, nó gần như là Android đưa lên điện thoại. Mà Google đã giải quyết tốt vấn đề này trên Android, việc họ đưa lên WearOS cũng là điều dễ dàng.
Kết luận
WearOS hay Tizen đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, có lẽ Samsung thấy được việc quay trở lại WearOS sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Samsung sẽ đưa các cải tiến mới nhất của mình lên Wear OS và nhờ đó mà đột nhiên hệ điều hành này như sống lại – với điều kiện là các ứng dụng của Samsung, kể cả những ứng dụng cần FDA cấp phép, có thể hoạt động trơn tru trên Wear OS.
Kèm theo đó nữa, Google hay là thậm chí cả Qualcomm cũng “có vẻ” như đang nghiêm túc hơn cho WearOS. Qualcomm đang tập trung vào phát triển chip cho những thiết bi đẹo thông minh, thậm chí còn mở ra chương trình “Mở rộng hệ sinh thái của những thiết bị đeo thông minh”. Hãng thể hiện rõ hướng đi sắp tới sẽ dành nhiều hơn sự quan tâm cho chip trên thiết bị đeo thông minh.
Hi vọng Samsung đã có một bước đi đúng đắn để phục vụ tốt nhất cho người dùng với lựa chọn của họ!!!
Comments