“Reviewer công nghệ kiếm tiền như thế nào?” – Đây chắc chắn là một câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đang quan tâm về công việc Review nói chung, cũng như Review công nghệ nói riêng. Đơn giản, vì đây được xem là một trong những trào lưu sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, khi mà những nền tảng chia sẻ video như YouTube, Facebook hay TikTok đang có những bước sải lớn trên thị trường giải trí toàn cầu.
Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những khái niệm và thu nhập xoay quanh một Reviewer công nghệ. Hãy cùng tìm hiểu nào!
Reviewer là gì?
Thực chất, “nghề” review không có một định nghĩa chính xác, cũng như chưa có bất kỳ một tổ chức đáng tin cậy nào đưa ra những khái niệm chính thức về hai thuật ngữ “review” và “Reviewer“.
Cho dù vậy, chúng ta cũng có thể hình dung: Reviewer là những người trong đó công việc của họ sẽ là “view” – nhìn và “review” – nhìn lại, đánh giá. Cụ thể hơn, Reviewer là những người được trải nghiệm sản phẩm, đưa ra những đánh giá chi tiết về chúng một cách sát sao nhất, chân thực nhất. Họ cũng có thể dựa vào những khía cạnh trên để tư vấn, đưa ra những lời khuyên với người xem rằng liệu chúng có phù hợp, có đáng mua hay là không.
Reviewer giúp người dùng có thể hình dung được rằng: với mình, liệu sản phẩm đó có tốt, có hợp lý, có đáng mua hay không mà không cần phải trực tiếp trải nghiệm chúng.
Trên thực tế, nghề review đã có những bước phát triển rất đáng kể trong vòng vài năm trở lại đây. Chúng ta có thể bắt gặp những video đánh giá sản phẩm ở khắp mọi nơi, từ đồ ăn, quần áo, trang sức, địa điểm du lịch hay là các sản phẩm về công nghệ. Hai nền tảng mà đa phần các Reviewer sẽ hướng đến là YouTube và TikTok.
Vậy, họ kiếm tiền bằng cách nào? Dưới đây sẽ là 4 nguồn thu nhập cơ bản nhất mà một Reviewer công nghệ có thể kiếm được.
Kiếm tiền thông qua các nền tảng
Đây được coi là hình thức kiếm tiền “lâu đời” nhất của công việc review. Để dễ hiểu, những nền tảng như YouTube sẽ chèn “banner” hoặc một đoạn quảng cáo ngắn xen giữa trên video bạn đang xem. Số tiền mà các nền tảng trả cho các Reviewer sẽ phụ thuộc vào số lượt quảng cáo được hiển thị và số lượt click vào quảng cáo của người xem. Ngoài ra, những nhà sáng tạo nội dung có thể chủ động điều chỉnh số lượng quảng cáo có thể chèn trong một video, hoặc thời điểm mà quảng cáo sẽ được hiển thị. Điều này một phần giúp người xem không cảm thấy khó chịu khi phải xem quá nhiều quảng cáo, trong khi những nhà sáng tạo nội dung vẫn có một nguồn tiền được trả đều đặn.
Ngoài ra, một nhân tố quan trọng khác quyết định số tiền mà một Reviewer nhận được, đó là số tiền trên mỗi lượt quảng cáo.
Theo đó, YouTube và một số nền tảng tương tự sử dụng những thuật toán phức tạp, thông qua thói quen của người dùng để tính toán và quyết định xem họ sẽ trả bao nhiêu tiền cho một nghìn lượt quảng cáo (thuật ngữ Tiếng Anh gọi là CPM – Click Per 1000 Impressions). Chỉ số này sẽ quyết định số tiền mà nền tảng sẽ trả cho bạn, do đó việc một kênh được nền tảng trả nhiều tiền hay không phụ thuộc rất lớn vào CPM của kênh đó cao hay không. Đáng tiếc, tại Việt Nam, chỉ số này rất thấp.
Đây cũng là lý do giải thích cho việc số tiền kiếm được thông qua quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam luôn không cao. Ngược lại, tại một số quốc gia như Mỹ, Thụy Sỹ hay Australia, số tiền có thể thu về lại rất, rất lớn.
Để giải thích cho sự chênh lệch này, chúng ta cần phải tìm hiểu xu hướng mua sắm của người xem tại mỗi quốc gia. Người dân ở các quốc gia như Mỹ hay Thụy Sỹ thường có xu hướng ưu tiên mua sắm online. Họ dễ dàng tiếp cận được quảng cáo từ các nền tảng và sau đó mua hàng trực tiếp qua đường link dẫn từ quảng cáo. Do vậy, CPM tại các quốc gia trên thường rất cao.
Ở Việt Nam thì khác, người dân lại có xu hướng mua sắm offline, trải nghiệm trực tiếp sản phẩm rồi mới trả tiền. Do đó, họ rất khó tiếp cận với hình thức quảng cáo mua sắm online. Đi kèm với tình trạng chất lượng quảng cáo trên YouTube hiện nay có sự sai lệch, cũng như việc người dùng sử dụng các công cụ chặn quảng cáo, khiến CPM tại nước ta thường rất thấp, chỉ bằng khoảng 10-15% so với các quốc gia kể trên.
Mặc dù vậy, tại nước ta, mô hình kiếm tiền này vẫn rất phổ biến. Chúng xuất hiện trên YouTube nhiều hơn cả, còn các nền tảng khác như TikTok, Instagram Reels do không có (hoặc rất ít) quảng cáo nên Reviewer hầu như sẽ không nhận được tiền trực tiếp qua mô hình này.
Thay vào đó, người xem của một số nền tảng trên có thể trả tiền đăng ký dưới tư cách thành viên theo định kỳ, hay ủng hộ (Donate) trực tiếp cho họ thông qua các vật phẩm như “vàng” hoặc “sao” của nền tảng. Nhìn chung hình thức này tại nước ta thường không quá được ưu tiên vì thu nhập thông qua phương pháp này thường không được nhiều, và phụ thuộc rất nhiều vào độ lớn của kênh, kênh càng lớn, càng nhiều lượt xem thì càng dễ kiếm tiền.
Sử dụng mô hình Affiliate
Giải thích đơn giản về mô hình kiếm tiền này, là tại phần mô tả – Description – của mỗi video, các nhà sáng tạo nội dung sẽ chèn thêm một đường link dẫn tới sản phẩm của nhà tài trợ. Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trên và thực hiện mua hàng, Reviewer sẽ nhận được một phần chiết khấu từ nhà tài trợ, được gọi là hoa hồng.
Tuy nhiên, cũng tương tự như trên, do thói quen mua sắm của người dùng tại Việt Nam thường ưu tiên việc trải nghiệm trực tiếp sản phẩm tại các cửa hàng rồi mới mua, nên mô hình này cũng được xem là không quá phổ biến trong giới Reviewer.
Chèn quảng cáo của nhà tài trợ
Nhìn chung hình thức chèn quảng cáo từ nhà tài trợ một phần sẽ đem lại nguồn thu cao hơn. Giải thích đơn giản cho hình thức này, chúng cũng giống như việc bạn xem TV và bất chợt gặp chuyên mục quảng cáo, trong video của bạn cũng sẽ chèn một đoạn quảng cáo ngắn của nhà tài trợ.
Cần phân biệt, mô hình này có nghĩa bạn sẽ làm việc với đối tác nhất định và chủ động chèn quảng cáo của họ ngay trên video của mình, khác với việc YouTube tự động chèn quảng cáo của họ vào video của bạn. Đối tác ở đây có thể là các cửa hàng điện thoại, nhãn hàng hay trang thương mại điện tử. Các nhà quảng cáo theo đó sẽ đếm xem có bao nhiêu video của bạn được chèn quảng cáo, từ đó tính toán và trả tiền cho bạn.
Hiệu quả của mô hình này phụ thuộc rất lớn vào quy mô kênh. Nếu kênh của bạn đã lớn, có tiếng nói trong cộng đồng và nguồn khán giả ổn định và lâu dài, việc chèn quảng cáo của nhà tài trợ khi này sẽ phát huy hiệu quả
Review các sản phẩm được trả tiền
So với ba mô hình trên, đây được xem là nguồn thu nhập cao nhất đối với một Reviewer công nghệ. Theo đó, họ sẽ review một sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng (được gọi là bên Booking, có thể là các nhãn hàng, công ty, cá nhân nhờ tài trợ…) và được trả một số tiền tương ứng.
Tuy nhiên, chính việc này cũng tạo ra áp lực lên những người sản xuất nội dung. Không một nhãn hàng nào muốn trả tiền cho bạn, rồi để bạn chê sản phẩm của họ cả. Bạn sẽ luôn phải chịu sức ép từ bên đối tác rằng phải nói tốt về sản phẩm của họ.
Mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Nếu bạn khen một sản phẩm một cách quá đà, người xem cho rằng bạn đang “ăn tiền” – nhận tiền để nói tốt về sản phẩm; còn nếu bạn chê chúng, họ cho rằng bạn “ăn tiền” từ… đối thủ để dìm hàng sản phẩm đó. Điều này dẫn đến sự tiêu cực trong cộng động review, khi mà mọi lời nói, phát ngôn của Reviewer đó đều được gán mác “ăn tiền”. Vấn đề này sẽ được chúng mình mổ xẻ kĩ hơn ở một bài viết khác trên Vật Vờ Studio, hãy cùng đón xem nhé!
Tạm kết
Trên đây chúng mình đã chia sẻ một số hình thức kiếm tiền cơ bản nhất của một Reviewer công nghệ. Họ còn có thể nâng cao thu nhập của mình bằng những công việc trong và ngoài lĩnh vực review của họ. Đối với một Reviewer công nghệ có sức ảnh hưởng, mức thu nhập bình quân của họ là không hề thấp, tuy vậy, mục đích lớn nhất của họ là đã đem lại cho người dùng, người xem những đánh giá, phân tích về một sản phẩm một cách sát sao, khách quan nhất, trước khi chúng ta mua và sở hữu chúng.
Comments