The Review 2022

Reviewer có phải công việc trong mơ?

0

“Review” – đánh giá sản phẩm – đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây. Mỗi khi bạn muốn đi cà phê, bạn sẽ tìm đến các bài review trên mạng để xem quán nào đồ uống ngon, quán nào góc “sống ảo” đẹp. Khi mua một chiếc điện thoại mới, bạn cũng sẽ tìm đến những video đánh giá trên YouTube, để xem mẫu máy nào phù hợp với bản thân, mẫu máy nào không nên mua, v.v… Từ những sản phẩm đắt giá như xe hơi cho đến những món ăn bình dân rẻ tiền,… ai ai cũng có nhu cầu tham khảo đánh giá trước, sau đó mới trải nghiệm thực tế. Điều này giúp họ tránh được những sản phẩm chất lượng kém.

Cũng từ đó, phong trào review dần trở nên phổ biến, khi mà người người review, nhà nhà review, từ những bà cụ già nông thôn cho đến những bạn trẻ thành thị, ai ai cũng có thể xách máy quay lên và trở thành một Reviewer thực thụ. Vậy nhưng, liệu Review có phải công việc “trong mơ”, một thứ khiến “vạn người theo đuổi”? Và tương lai cho ngành nghề này sẽ ra sao? Hãy cũng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Làm Review đâu có sướng!

Không giống như MC truyền hình, phóng viên hay bất kỳ công việc thu hình nào khác, một Reviewer có thể chia sẻ những trải nghiệm thuộc về cá nhân một cách thoải mái mà thường không chịu sự ràng buộc từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi đứng trước ống kính máy quay, họ sẽ phải đối mặt với rất, rất nhiều áp lực mà chúng khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

  • Áp lực về việc truyền tải kiến thức: Sứ mệnh của Reviewer là truyền tải những kiến thức và trải nghiệm của mình tới người xem. Nếu họ nói sai, người xem sẽ tiếp thu không đúng thông tin, từ đó gây ra những cuộc tranh cãi không đáng có. Điều này lại đặc biệt quan trọng với những ngành đặc thù như công nghệ, xe cộ hay máy móc. Những thông số cấu hình, các thuật ngữ, khái niệm về chúng mang tính hàn lâm và khó nhớ, chính vì vậy việc truyền tải sai chỉ một chi tiết nhỏ thôi, sẽ rất dễ gây ra hiểu lầm không đáng có, đôi khi còn làm lệch chuẩn kiến thức của người xem.
  • Áp lực từ phía khán giả: Trở thành Reviewer đồng nghĩa với việc họ đã có một nguồn khán giả nhất định. Họ sẽ phải luôn luôn thay đổi, làm mới bản thân, tìm tòi những cái mới lạ nhằm giữ chân được khán giả cũ, cũng như thu hút và tiếp cận với nguồn khán giả mới. Mặt khác, khi công nghệ phát triển và ngày càng nhiều Reviewer xuất hiện, thì khán giả cũng dần trở nên khó tính hơn. Xu hướng chỉ theo dõi một hoặc một số Reviewer đã không còn phổ biến như nhiều năm về trước, vậy nên việc giữ chân những khán giả cũ, cũng như chinh phục tệp người xem mới, chắc chắn không phải là bài toán dễ dàng đối với những Reviewer.
  • Áp lực từ phía đối tác: Một trong những khoản thu nhập đáng kể đối với Reviewer đến từ các nhãn hàng, công ty có tham gia hợp tác. Họ sẽ yêu cầu bạn review về một sản phẩm (nhằm quảng bá sản phẩm của họ) và sẽ trả tiền cho bạn. Điều này gây ra áp lực rất lớn đến những người làm sáng tạo nội dung, khi nếu dìm hàng quá mức sản phẩm, họ sẽ không thể hợp tác với các nhãn hàng nữa; còn nếu khen quá mức, họ sẽ mất đi người xem do tư tưởng “review ăn tiền”. Vậy nên, việc cân bằng được hai yếu tố trên quả là một vấn đề không dễ dàng đối với mọi Reviewer.

Có quá nhiều thứ phải đánh đổi!

Làm Reviewer, bạn sẽ trở nên nổi tiếng và có tiếng nói trong mắt khán giả. Nhưng để có được ánh hào quang đó, bạn phải đánh đổi rất nhiều thứ: sức khỏe, quyền riêng tư cũng như mối quan hệ cá nhân.

Trang cá nhân giờ đây sẽ không phải là nơi để bạn mặc nhiên “chia sẻ những gì mình thích”. Trước khi nhấn vào nút “Đăng bài”, bạn sẽ phải xem xét rất kỹ rằng nội dung mình sắp chia sẻ liệu có phù hợp với người xem, khán giả của mình hay không.

Hệ quả, sẽ không nhiều người muốn chia sẻ những hình ảnh thuộc về cá nhân hoặc gia đình của họ; và đó cũng là lý do giải thích rằng nhiều Reviewer chỉ sử dụng Facebook, Instagram hay Zalo cho công việc, còn với những hình ảnh cá nhân, họ sẽ tìm cách riêng tư hơn để chia sẻ chúng.

Những nội dung đặc thù như công nghệ đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian cho một video. Việc ngồi hàng giờ cho việc thực hiện video chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cũng như thu hẹp đi khung thời gian rảnh rỗi của mỗi người – nơi mà họ dành để chăm sóc cá nhân, gặp gỡ bạn bè, người thân nhằm nâng cao mối quan hệ của mình.

Nhưng, thật vui khi được làm Reviewer!

Xét một cách thẳng thắn, review vẫn là một công việc đầy hứa hẹn đối với tất cả mọi người. Khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng lên, nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm cũng theo đó gia tăng. Khi này những video đánh giá về sản phẩm sẽ phát huy tác dụng, giúp người tiêu dùng có thêm sự tham khảo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Và khi nào nhu cầu mua sắm của con người vẫn còn, nghề review vẫn sẽ phát triển.

Điều đó ngầm khẳng định rằng, nghề review sẽ không bao giờ “chết”!

Một điểm lợi nữa của công việc review, đó là chúng không giới hạn nguồn nhân lực. Một chủ đề bất kỳ, chẳng hạn về ẩm thực, có thể thu hút rất nhiều người sáng tạo nội dung cùng tham gia, và nhiệm vụ của họ là chinh phục được người xem. Điều này khác hoàn toàn với công việc giáo viên, kế toán hay kỹ sư, nhu cầu nhân lực sẽ thay đổi theo thời gian và nhiều khi sẽ đạt đến giới hạn nhất định. Reviewer cũng thoải mái về thời gian biểu hơn, khi họ có thể chủ động sắp xếp công việc, và lịch làm việc của họ thường không gò bó như môi trường công sở.

Và trên hết, Reviewer luôn luôn đứng trên người dùng một bậc!

Bạn sẽ được trải nghiệm vô vàn sản phẩm ở mọi phân khúc giá khác nhau. Ví dụ, làm một Reviewer trong lĩnh vực xe cộ, bạn sẽ có nhiều cơ hội để được lái thử nhiều dòng xe tới từ các thương hiệu khác nhau. Làm một Reviewer công nghệ, bạn sẽ được trên tay, trải nghiệm sớm những sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất trước con mắt thèm thuồng của hàng vạn khán giả2. Nhìn chung, được trải nghiệm nhiều là điều mà Reviewer luôn luôn nhận được khi bắt tay vào nghề.

Đừng ngại ngần, hãy xách máy quay lên và bắt đầu cuộc hành trình của mình!

Và khi bạn đã chuẩn bị đủ hành trang cho công việc đầy hứa hẹn này, tại sao không thử xách máy quay lên và ghi lại những khung hình đầu tiên của mình nhỉ? Đừng ngại ngần, những gì bạn cần trước ống kính máy quay là sự tự tin, tinh thần thoải mái cùng những kiến thức chắt lọc đã chuẩn bị từ trước.

Hãy nói ra những gì mình biết, mình hiểu được. Hãy thể hiện cá tính riêng của mình trong từng câu nói. Hãy truyền lửa nhiệt huyết tới tất cả khán giả của mình. Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều đứng ở một điểm xuất phát, họ làm được, tại sao mình lại không?

Cảm ơn SamCenter đã đồng hành cùng The Review 2022: Tỏa sáng cùng Đam Mê!

Phương Anh Payo: Định kiến “con gái không biết gì về công nghệ” là hoàn toàn sai!

Previous article

Mạnh Linh: “The Review là bệ phóng giúp mình có thành công ngày hôm nay”

Next article
https://open.spotify.com/episode/1KH50qnDo3oTkPHm3JJbrR?si=-rTeeVQcRKCSGjFu6uF9fQ