Góc nhìn

Người Việt đang “hắt hủi” điện thoại thương hiệu Việt?

0

Có thể nói, điện thoại thương hiệu Việt là một cụm từ không hề “xa lạ” ở nước ta trong vài năm qua. Quay về thời điểm 7 năm trước, người dùng rất quen thuộc với các thương hiệu như Q-Mobile hay Mobiistar. Các hãng này đều sản xuất theo dạng OEM, dễ hiểu hơn là họ thuê gia công từ các nhà máy Trung Quốc và gắn thương hiệu của mình lên.

Lợi ích của việc này là giá thành sẽ rẻ hơn tuy nhiên điện thoại sản xuất ra sẽ bị phổ thông, không có sự độc đáo và sự khác biệt so với nhà sản xuất khác. Tôi vẫn còn nhớ hồi lớp 10, tích cóp tiền tiết kiệm và mua được chiếc Mobiistar LAI 504C, tôi đã kì vọng nó phải thú vị và hay ho. Nhưng tôi đã nhầm, ngoài cái logo Mobiistar mang mác Việt Nam ra thì chiếc máy chả có gì nổi bật, chạy Android gốc, thiết kế cũng na ná máy Trung Quốc cùng thời. Cũng chính vì điều này, các thương hiệu Việt đã không thể tồn tại lâu trong thị trường và biến mất nhanh chóng.

Tưởng rằng đó là dấu chấm hết cho điện thoại thương hiệu Việt nhưng BKAV đã thắp lại hi vọng cho người tiêu dùng về sản phẩm Made in Vietnam. Ra mắt lần đầu vào 2015, Bphone 1 đã tạo ra tiếng vang lớn vì đây là sản phẩm đầu tiên được làm trực tiếp tại Việt Nam. BKAV tự chủ từ khâu thiết kế, hoàn thiện cho đến lắp ráp, chính vì điều này đã đẩy giá của sản phẩm lên cao.

Mobiistar 504C
Mobiistar 504C

Sở hữu cấu hình màn hình 5 inch Full HD, chip Qualcomm Snapdragon 801, sở hữu RAM 3GB, 3 tùy chọn bộ nhớ 16/64/128GB RAM, pin 3000mAh, hỗ trợ sạc nhanh, chạy BOS (do chính BKAV phát triển) dựa trên nền Android 5.0. Bên cạnh 2 tùy chọn màu sắc đen trắng thì Bphone đời đầu còn có thêm phiên bản mạ vàng 24K. Rõ ràng là so với chiếc Mobiistar hồi trước của tôi, Bphone 1 đã “Việt Nam” hơn rất nhiều khi chạy hệ điều hành BOS và thiết kế độc quyền.

Tuy vậy, sản phẩm vẫn thất bại vì cách truyền thông của công ty này. Vào lễ ra mắt Bphone 1 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, CEO Nguyễn Tử Quảng đã liên tục nhắc cụm từ “không thể tin nổi”; “chất”. Tôi hiểu ông Nguyễn Tử Quảng muốn tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ tuy nhiên lợi bất cập hại, người dùng tỏ ra gay gắt với cách truyền thông này. Người dùng cho rằng, nói như vậy là kiêu ngạo, là nổ vì sản phẩm không hề tốt như quảng cáo. Kết quả, hiệu ứng truyền thông này đã kéo theo hệ lụy về sau, khi mà tất cả sản phẩm Bphone sau đó có doanh số bán ảm đạm và cũng không được lòng người tiêu dùng.

Sau đó 3 năm, vào năm 2018, ông lớn Vingroup cũng chính thức tham gia với thương hiệu Vsmart. Tuy nhiên, khác với BKAV, Vsmart đã hợp tác với BQ – hãng điện thoại Tây Ban Nha.

Điều này giúp Vsmart có chất lượng hoàn thiện tốt, dây chuyền hiện đại. Khác với BKAV, Vsmart tự tin về sản phẩm của mình nhưng truyền thông rất khiêm tốn. Chính vì điều này mà VinSmart chiếm được nhiều cảm tình hơn so với BKAV và doanh số bán của Vsmart cũng cao hơn nhiều so với Bphone. “Bphone là chiếc điện thoại ở trên Youtube chứ không phải ở ngoài đời” – đây là một câu nói đùa tôi ngẫu nhiên đọc trên mạng, ngẫm lại thì thấy cũng chả sai. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một chiếc Vsmart ở ngoài đời nhưng rất hiếm để gặp được một chiếc Bphone.

Trải qua một quãng thời gian, vào năm 2021, nghịch lí xảy ra khi kẻ bán được nhiều điện thoại hơn – Vsmart – bất ngờ đóng cửa mảng điện thoại. Với BKAV, sau 4 đời Bphone doanh số rất ảm đạm, thì lại bất ngờ hé lộ mẫu điện thoại mới. Lượn lờ qua vài group công nghệ, tôi có lập vote để hỏi niềm tin của người dùng rằng liệu họ còn ủng hộ BKAV. Tuy nhiên kết quả mang lại khiến tôi bất ngờ.

vote bkav

Tổng cộng có 1.594 lượt bình chọn, trong đó lượt bình chọn ủng hộ chỉ có 151 lượt (chiếm 9.45%) trong đó không ủng hộ có 1.164 lượt (chiếm 73%). Điều này chứng tỏ ngay cả trong lòng người dùng, họ cũng không còn quá mặn mà với các sản phẩm của thương hiệu BKAV – ngay cả khi Vinsmart đã rời thị trường.

Vậy tương lai nào cho Bphone? Liệu Bphone có thể thành công trong thời gian sắp tới? Hãy chờ dòng sản phẩm điện thoại tiếp theo của Bphone nhé.

Lưu ý: Bài viết là góc nhìn cá nhân của tác giả, không mang tính chất quy chụp. Bảng bình chọn trên được thực hiện tại group Vật Vờ Studio, không có ý nghĩa bao quát hay nghiên cứu thị trường tổng thể.

iPhone X độ cổng sạc USB – C chính thức được bán giá 1,95 tỷ VNĐ

Previous article

Tyrannophone: chiếc iPhone 13 được đính kèm răng khủng long bạo chúa T-Rex, giá 9000 USD

Next article