Năm 2021 thực sự là một năm tương đối thú vị của camera trên các smartphone. Các thiết bị tầm trung giờ đây được trang bị camera độ phân giải lên tới 108MP và có cả chế độ chụp thiên văn. Camera ultra-wide góc siêu rộng của các flagship thì được cải thiện chất lượng rõ rệt, nhiều thương hiệu lớn trong ngành máy ảnh hợp tác với các nhà sản xuất smartphone. Ngay cả Google cũng cập nhật phần cứng của họ với dòng Pixel 6 sau nhiều năm trung thành với cảm biến 12MP.
Vậy năm 2022, chúng ta sẽ có những gì? Liệu sẽ có nâng cấp đột phá nào không, hay sẽ chỉ là những nâng cấp nhỏ so với năm 2021? Hãy cùng mình đi tìm hiểu một số xu hướng của camera trên các điện thoại thông minh trong năm 2022 nhé!
Camera selfie ẩn dưới màn hình

Trong năm 2020, ZTE Axon 20 5G là chiếc điện thoại có camera ẩn dưới màn hình đầu tiên được bán ra trên thế giới. Sang năm 2021. một số các hãng điện thoại khác cũng đã cho ra các sản phẩm có camera ẩn của riêng họ, bao gồm Xiaomi Mix 4, Samsung Galaxy Z Fold 3, trong khi ZTE mang đến dòng Axon 30 thế hệ thứ hai của mình.
Vấn đề với những camera này là, ngoài điều kiện ánh sáng ban ngày, thì chúng hoạt động khá tệ. Hơn thế nữa, sự khác biệt về chất lượng giữa những camera ẩn và camera selfie truyền thống là rất dễ nhận thấy. Người dùng cũng sẽ nhìn ra được vùng màn hình có chứa camera trên Galaxy Z Fold 3 bị sẫm hơn.
Tuy nhiên, mình hy vọng công nghệ camera ẩn sẽ trở nên tốt hơn nhiều vào năm 2022, khi một số nhà sản xuất tên tuổi đã nắm bắt được công nghệ và chắc chắn sẽ cải thiện phần cứng và thuật toán cho thế hệ mới. Mặc dù vậy, có lẽ không phải tất cả các flagship hàng đầu thế giới sẽ được tích hợp công nghệ này. Thậm chí, công nghệ này sẽ chỉ có thể phổ biến từ năm 2023.
Chế độ Cinematic trên các điện thoại Android

Một trong những điểm đáng chú ý trên dòng iPhone 13 là Cinematic Mode, đây thực sự là một chế độ video chân dung độc đáo. Cinematic không phải công nghệ mới vì Huawei và Samsung cũng đã trang bị tính năng này trên thiết bị của họ. Tuy nhiên, tính năng của Apple tiên tiến hơn do có thể tự động lấy nét vào một chủ thể khi khuôn mặt của họ được phát hiện, theo dõi chủ thể và hơn thế nữa. Nhiều khả năng các OEM Android cũng sẽ sao chép tính năng này của Apple. Trước đây, một số thương hiệu cũng đã lấy ý tưởng từ 3D Touch trên iPhone.
Các RGBW trở lại

Lần đầu tiên chúng ta thấy cảm biến máy ảnh RGBW xuất hiện trên điện thoại thông minh là vào năm 2015 khi Huawei ra mắt P8. Oppo cũng từng phát triển các điện thoại có chứa các cảm biến này vào năm 2015 và 2018. Cảm biến camera thông thường có các bộ lọc màu chứa các subpixel đỏ, xanh lá cây và xanh lam. Nhưng cảm biến RGBW sẽ bổ sung thêm các subpixel trắng, cho khả năng thu nhận ánh sáng tốt hơn và ít nhiễu hơn.
Có vẻ như công nghệ này sẽ được đem trở lại vào năm 2022, vì cả Oppo và Vivo đều đã công bố cảm biến RGBW của riêng họ cho các thiết bị trong tương lai. Trên thực tế, Oppo cho biết họ sẽ mở bán một thiết bị với cảm biến RGBW vào quý 4 năm 2021. Trong khi đó, Vivo cho biết vào năm 2020 rằng các thiết bị đầu tiên của họ có cảm biến RGBW sẽ ra mắt vào năm 2021, hứa hẹn rằng sẽ cung cấp chất lượng hình ảnh tốt hơn so với cảm biến RYYB của Huawei. Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng dòng Galaxy S22 có thể có cảm biến camera RGBW 50MP vào năm sau.
Chống rung được cải thiện

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên chiếc Lumia 920, tính năng chống rung quang học (OIS) đã là yếu tố bắt buộc phải có trên các điện thoại thông minh cao cấp trong nhiều năm nay. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một số công nghệ mới hơn đã được ra đời như micro – gimble của Vivo hay tính năng ổn định dịch chuyển cảm biến của Apple.
Vivo dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy micro-gimbal vào năm tới, trong khi Samsung dự kiến sẽ đưa OIS lên dòng Galaxy A tầm trung của hãng. Oppo cũng đã trình diễn công nghệ OIS năm trục của mình vào đầu năm nay, và sẽ được ra mắt vào quý 1 năm 2022. Nói cách khác, có vẻ như khả năng chống rung sẽ được cải thiện, đặc biệt là ở các điện thoại phân khúc thấp hơn, sẽ là một xu hướng lớn khác trong năm tới.
Camera zoom siêu tele

Sony đã có một thành tựu kỹ thuật đáng chú ý vào năm 2021 khi tung ra chiếc điện thoại có camera zoom chụp siêu tele. Tính năng được trang bị trên Xperia 1 III và 5 III cho thấy không nhất thiết phải cần hai camera tele riêng biệt nếu nếu muốn zoom ảnh xa.
Nhược điểm của tính năng này là nó vẫn dựa vào zoom kết hợp cho các hệ số zoom xen kẽ, nhưng sẽ mang lại trải nghiệm thu phóng chất lượng cao hơn, linh hoạt hơn trên lý thuyết so với một máy ảnh tele hoặc kính tiềm vọng. Mình hy vọng Sony sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ này vào năm 2022, nhưng Oppo cũng đang nâng cao thế mạnh với công nghệ zoom của riêng mình. Công ty đã công bố một mô-đun zoom quang học vào đầu năm nay, có khả năng zoom và chụp mượt mà ở bất kỳ điểm nào trong khoảng từ ~ 3,3x đến ~ 7x.
Video 8K tốt hơn

Quay video 8K lần đầu tiên xuất hiện trên điện thoại vào năm 2019, khi Red Magic 3 cung cấp khả năng 8K / 15fps nhưng khá đáng thất vọng. Rất may, năm 2020 đã chứng kiến một sự cải tiến lớn nhờ loạt chipset Snapdragon 865, cung cấp hỗ trợ quay phim 8K/30fps. Xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2021, khi nhiều điện thoại hàng đầu sẽ hỗ trợ 8K. Hy vọng tính năng quay video 8K sẽ tăng chất lượng vào năm 2022. Có lẽ còn hơi sớm đối với khả năng 8K/60 fps, nhưng có thể có những cải tiến như như 8K HDR hoặc 8K với tính năng chống rung được cải thiện.
Chip hình ảnh tùy chỉnh

Điện thoại thông minh thường dựa vào bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) trong chipset của điện thoại để xử lý hình ảnh. Ví dụ, những chiếc điện thoại sử dụng chipset Snapdragon thường sử dụng Spectra ISP. Nhưng xu hướng vào năm 2021 là các thương hiệu sẽ sử dụng ISP tùy chỉnh của riêng họ.
Xiaomi Mix Fold và Vivo X70 Pro Plus đều sử dụng ISP của riêng chúng thay vì chip hình ảnh Snapdragon. Xiaomi đã tuyên bố rằng chip tùy chỉnh mang lại những bức ảnh chụp thiếu sáng tốt hơn, cải thiện khả năng lấy nét tự động cũng như cân bằng trắng tự động và phơi sáng tự động tốt hơn. Trong khi đó, Vivo cho biết ISP của họ cung cấp khả năng giảm tiếng ồn và tiết kiệm điện năng hơn.
Xem thêm các video công nghệ trên kênh Youtube của Vật Vờ Studio.
Comments