Học gì để đủ trình độ làm Reviewer? Có trường lớp nào chuyên để đào tạo Reviewer hay không? Đó là hai trong số vô vàn câu hỏi mà những bạn trẻ mới tìm hiểu về công việc review thắc mắc. Vậy, một Reviewer giỏi yêu cầu những kỹ năng, kiến thức gì? Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Chẳng có trường lớp nào ở đây cả!
Cần khẳng định rằng, hiện tại chưa có bất kỳ một trường lớp nào đào tạo một cách bài bản về nghề review. Tại sao lại vậy?
Không giống như một số ngành nghề truyền thống như giáo viên, kỹ sư hay công nhân viên chức, nghề Review hiện tại vẫn chưa được công nhận một cách chính thức. Cái tên “Review” cũng mới chỉ xuất hiện trong những năm đầu của thế kỷ 21, và trở nên phổ biến hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây. Cũng như chưa có một tổ chức uy tín nào đưa ra những định nghĩa chính xác nhất về công việc này. Điều này cản trở rất nhiều đến việc tiếp cận, triển khai cũng như đưa ra những quy chuẩn chính thức cho “nghề” Review, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm giảng dạy,…
Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Trong thời điểm hiện tại, thì một Reviewer mới cần phải “học” như thế nào, trong khi không có bất kỳ một trường lớp đào tạo? Có ba phương pháp tổng quát dưới đây:
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Không thể chối cãi rằng đây luôn luôn là bốn kỹ năng vô cùng cần thiết phục vụ bạn ở mọi ngành nghề, chứ không chỉ riêng nghề review. Muốn giọng nói của mình trở nên trong trẻo, mượt mà trên video, bạn cần phải luyện tập cách nói năng sao cho lưu loát, chọn lựa từ ngữ sao cho phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp, phát âm chúng một cách chuẩn xác, ngắt nghỉ đúng chỗ. Tức là phải “học ăn, học nói”.
Có rất nhiều cách để nâng cao kỹ năng phát âm của bạn. Trên YouTube hay TikTok có vô vàn những video chia sẻ, hướng dẫn các bạn phương pháp để trau dồi câu từ sao cho trôi chảy nhất. Mình cũng có hai mẹo dưới đây khá hiệu quả khi tham gia giao tiếp, các bạn cũng có thể tham khảo:
- Nói thật chậm: Một thực tế rằng có rất nhiều bạn mắc phải “lỗi” nói quá nhanh. Việc này một phần giúp các bạn truyền tải được nhiều thông tin hơn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng mặt trái rằng không ai muốn một video chia sẻ trở thành một “bài rap” đâu. Việc nói quá nhanh cũng dẫn đến một hệ quả khó tránh: nói lắp. Việc nói lắp được coi là tối kỵ trong giao tiếp, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nội dung đưa ra. Bạn có thể bắt đầu với việc nói chậm nhất có thể để cảm nhận được từng ngữ âm, rồi sau đó có thể tăng tốc câu nói của mình, sao cho hợp lý nhất.
- Đừng nhìn chằm chằm vào kịch bản!: Điều này rất dễ khiến bạn mất đi sự tự nhiên trước ống kính máy quay. Thay vào đó, hãy chuẩn bị thật kỹ kịch bản, gạch ra những ý chính và cố gắng nhớ lại và liên kết chúng một cách trôi chảy nhất trên video.
Một thái độ làm việc tốt cũng như sự ham học hỏi, cầu tiến trong công việc cũng giúp ích bạn rất nhiều trong công việc đánh giá này, đặc biệt với những bạn đang có ý định tham gia các tập đoàn, công ty truyền thông lớn có liên quan đến mảng review – tức là phải “học gói, học mở”. Thử hỏi mà xem, bạn đi làm mà tỏ ra lười nhác, đi muộn về sớm, luôn luôn bày tỏ thái độ từ chối mỗi khi được giao, thì bạn sẽ tồn tại được bao lâu ở công ty đó?
Trường học không dạy làm Reviewer, nhưng là kho tàng kiến thức với tất cả chúng ta!
Đúng vậy.
Nếu bạn vẫn nghĩ trường học không dạy ta bất cứ thứ gì để trở thành một Reviewer, thì bạn đã sai. Những người làm review tai nghe, âm thanh, họ phải có một lượng kiến thức nhất định về kỹ thuật, cảm thụ âm thanh, v.v… đủ lớn. Và họ tìm đến trường học như là một nơi để trau dồi và nâng cao kiến thức. Một thực tế rằng có khá nhiều trường lớp, đại học giảng dạy những môn chuyên về kỹ thuật như âm thanh và cảm thụ âm thanh; máy tính và công nghệ thông tin; lắp ráp ô tô, v.v… Việc theo học những chuyên ngành trên không chỉ nâng cao lượng kiến thức hàn lâm, mà còn định hướng và vạch ra lộ trình rõ ràng giúp bạn có cái nhìn tổng quát nhất về chủ đề review mà bạn theo đuổi.
Một ví dụ khác, đó là bộ môn Triết học. Đây luôn luôn là nỗi cực hình đối với nhiều sinh viên khi theo học trên giảng đường đại học. Kiến thức hàn lâm, khô khan, trừu tượng,… là những gì họ thường phải trải qua. Nhưng họ đâu biết rằng, môn Triết còn dạy cho chúng ta một kỹ năng quan trọng khác: tư duy lập luận.
Triết học dạy chúng ta cách nhìn nhận một vấn đề, lập luận phản bác đúng sai sao cho phù hợp với lẽ phải. Và một Reviewer rất cần thiết những kỹ năng trên, giúp họ có thể đánh giá một vấn đề đang nổi cộm trên mạng, nhận định đúng sai về một sự kiện hay những tuyên bố của từng hãng công nghệ một cách khách quan nhất.
Nhìn chung, kiến thức là nền tảng để xây dựng được một Reviewer giỏi. Có vô vàn cách thức giúp chúng ta trau dồi và nâng cao lượng kiến thức trên, từ trên ghế nhà trường, giảng đường đại học, thông qua Internet, v.v… Một Reviewer với ngoại hình ưa nhìn, giọng nói cuốn hút nhưng lại không có “trình độ chuyên môn” sẽ chẳng khác gì một cỗ máy đọc, một MC cô hồn cả.
Và không gì bằng được sự trải nghiệm
Đây có thể được coi là kỹ năng quan trọng nhất tạo dựng nên một Reviewer giỏi, tuy nhiên lại đang bị thiếu hụt đối với những bạn trẻ mới vào nghề. Chúng ta không thể cầm một chiếc điện thoại chỉ có màn hình 60Hz mà chê con máy đó giật lag được, không thể nhìn vào thông số pin không cao mà chê máy đó pin yếu được. Ngoài ra cũng không thể khen chê một món ăn khi bạn chưa từng nếm thử, cũng như không thể phán đoán bộ đồ đó đẹp hay xấu khi chưa được diện lên người.
Có những vấn đề mà chúng ta không thể nhận định chỉ qua thông số kỹ thuật, vẻ bề ngoài hay kể cả những lời đàm tiếu chưa được kiểm chứng. Điều quan trọng ở đây là phải “thấy tận mắt, sờ tận tay”, phải có những trải nghiệm thực tế nhất với món đồ, sự kiện trong thời gian đủ lâu, thì mới có thể đánh giá một cách sát sao nhất được. Và đừng như những “anh hùng bàn phím” trên Internet, chỉ nhìn qua thông số hay vẻ bề ngoài ấy mà đã vội phán xét một cách mù quáng!
Vậy làm sao để trau dồi được sự trải nghiệm này? Đó chính là thời gian.
Những Reviewer giỏi, thường mất rất, rất nhiều thời gian, có thể lên tới cả chục năm để trải nghiệm, sử dụng rất nhiều sản phẩm khác nhau. Nhờ vậy, họ không những tiếp thu thêm khối lượng kiến thức lớn, mà còn nâng cao sự trải nghiệm theo thời gian. Khi được trên tay một món đồ mới, họ có thể dễ dàng liên kết, so sánh với những sản phẩm cũ, những thứ đã được trải nghiệm, từ đó bài đánh giá có phần khách quan, đa chiều hơn.
Tạm kết
Không có con đường nào dễ dàng để trở thành một Reviewer giỏi. Tất cả đều nhờ quá trình trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cũng như kỹ năng mềm. Bài viết trên hi vọng giúp các bạn có một góc nhìn khách quan hơn về nghề Review nói chung, cũng như việc làm thế nào để trở thành một Reviewer giỏi.