Nhiều năm về trước, các mẫu điện thoại cao cấp của Xiaomi không được đánh giá quá cao khi so với các đối thủ khác trên thị trường. Nhưng trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, flagship Xiaomi đã “lột xác” hoàn toàn. Những yếu tố từng bị chê bai như loa kém, hoàn thiện không tốt cho đến camera tệ đều được Xiaomi khắc phục dần dần qua hàng năm. Chúng ta đã thấy Xiaomi Mi 10S có cụm loa chất lượng như thế nào, Xiaomi Mi 11 Ultra có màn hình phụ vô cùng độc đáo cho đến Xiaomi 12S Ultra với thiết kế lưng da xuất sắc. Và Xiaomi 13 Pro chính là “con ắt chủ bài” khiến mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về chiến lược làm flagship của hãng.
Camera Leica giúp Xiaomi tự tin “bước ra ánh sáng”!
Trước đây, một trong những lý do khiến mình không đánh giá cao Xiaomi chính là camera. Thậm chí, mình luôn nảy sinh tư tưởng rằng: “mỗi khi dùng điện thoại Xiaomi, không kể flagship hay giá rẻ thì đều phải cài Google Camera thay vì ứng dụng chụp ảnh mặc định”. Nhưng khi dùng Xiaomi 13 Pro, mình thay đổi hoàn toàn suy nghĩ đó.
Chụp ảnh bằng Xiaomi 13 Pro đem đến cho mình sự quen thuộc khi cầm một chiếc Google Pixel vậy. Đó là cảm giác tự tin rằng mình sẽ luôn có ảnh đẹp bằng chiếc máy này, không kể điều kiện môi trường hay thời tiết xấu đến như thế nào. Trong 6 tháng vừa rồi, Xiaomi 13 Pro đã đồng hành cùng mình trong rất nhiều chặng đường khác nhau, chụp được gần 2.000 tấm hình và trên hết, mình hài lòng với chúng.
Xiaomi 13 Pro thế hiện tốt trong hầu hết điều kiện chụp khác nhau. Những lần đi Thành cổ Sơn Tây, máy cho những bức ảnh phong cảnh tươi tắn, các chi tiết trên cây cối hay toà thành đều được tái tạo sắc nét. Kể cả những lần phải tổ chức sự kiện trong nhà và phải chụp dưới môi trường nhiều ánh đèn, Xiaomi 13 Pro vẫn xử lý HDR tốt, các chi tiết được tái tạo đầy đặn và không có cảm giác quá nhợt nhạt.
Một vài ảnh chụp đủ sáng trên Xiaomi 13 Pro
Song, điều khiến Xiaomi 13 Pro khác biệt so với tất cả đối thủ còn lại chính là màu sắc. Đây cũng là yếu tố lớn nhất khiến mình chọn chiếc máy này chứ không phải iPhone 14 Pro Max hay Galaxy S23 Ultra. Nhờ sự tinh chỉnh của Leica, màu sắc trên hầu hết bức ảnh mình chụp đều theo thiên hướng cổ điển và có một chút “nghề nghệ”. Đặc biệt, khi chuyển bộ lọc màu sang Leica Authentic thì chúng càng trở nên đậm đà hơn. Ảnh chụp chân dung, chụp trời tối hay dưới môi trường nhiều ánh đèn vàng trở nên rất có nét, màu trầm và mang đúng chất “vintage”.
Một vài ảnh chụp Leica Authentic trên Xiaomi 13 Pro
Mình biết là bộ lọc của Leica sẽ không phù hợp với nhiều người. Họ có thể thích một bức ảnh với màu sắc rực rỡ, bắt mắt như trên Samsung hay một tấm hình tự nhiên như iPhone. Tuy nhiên, nếu đã thích chất ảnh của Leica thì mình tin là bạn khó “cưỡng” lại được sức hút của Xiaomi 13 Pro đó.
Dẫu vậy, Xiaomi 13 Pro vẫn còn một vài điểm cần cải thiện. Thứ nhất, khả năng xử lý ánh sáng trong điều kiện thiếu sáng của chiếc máy này vẫn chưa thật sự tốt. Các ánh đèn vẫn gặp tình trạng cháy sáng hay flare nhẹ và chi tiết khi chụp góc rộng đôi khi chưa tốt. Thứ hai, camera trước trên chiếc máy này vẫn chỉ hỗ trợ quay video FullHD@30fps. Đây là điểm trừ lớn với những người thường xuyên quay vlog hay làm TikTok, YouTube.
Một vài ảnh chụp thiếu sáng trên Xiaomi 13 Pro
Vẫn dùng ROM gốc, không lên ROM quốc tế
Trong suốt 6 tháng sử dụng Xiaomi 13 Pro xách tay, mình không cập nhật lên ROM quốc tế mà vẫn ở lại với ROM nội địa. Có ba yếu tố dẫn đến quyết định này của mình bao gồm:
- Nếu đặt một chiếc Xiaomi xách tay cạnh một chiếc Xiaomi quốc tế, bạn sẽ thấy ROM xách tay mượt hơn một chút. Nó tối ưu các cử chỉ vuốt chạm liền mạch và khiến máy có cảm giác nhanh hơn. Sự khác biệt có thể không rõ ràng với nhiều người, đặc biệt khi Xiaomi 13 Pro là một chiếc flagship với cấu hình rất mạnh. Thế nhưng, nếu dùng một thời gian dài, bạn sẽ nhận ra được điều này.
- Thứ hai, mình có thể truy cập được rất nhiều widget khác nhau. Bộ sưu tập widget trên bản ROM nội địa phong phú và đa dạng hơn hẳn so với ROM nội địa.
- Thứ ba, mình thích font chữ Mi Sans mặc định trên bản ROM nội địa hơn. ROM quốc tế sử dụng Roboto làm font chữ mặc định và mình không thật sự thích nó lắm. Các con chữ trên Mi Sans được làm tròn trịa hơn, các nét đậm, nhạt được làm rõ ràng và trông thích mắt hơn.
Song, dùng ROM nội địa trên Xiaomi 13 Pro đồng nghĩa với việc bạn phải đánh đổi những yếu tố sau:
- Không dùng được Nearby Share. Thực tế mình có dùng thêm một chiếc Google Pixel nữa để đăng tải ảnh miễn phí lên Google Photo. Song, do không có Nearby Share nên mình không thể truyền ảnh trực tiếp từ Xiaomi 13 Pro sang chiếc Pixel kia để đăng lên Photos được.
- Đôi lúc mình gặp phải tình trạng khựng khi mở ứng dụng của Google. Mỗi khi mở YouTube hay Chrome thì máy tự động đứng hình và phải chờ 3 – 4 giây rồi mới vào được. Đáng nói, tình trạng này xuất hiện sau khi mình dùng được khoảng 3 – 4 tháng chứ không hề có lúc mới dùng.
- Tất nhiên, ROM nội địa trên Xiaomi 13 Pro vẫn còn rất nhiều lỗi vặt như chậm thông báo, nhiều ứng dụng rác và đặc biệt là không có tiếng Việt.
Là một người dùng nhiều thiết bị khác nhau, mình chấp nhận được những điểm trừ này. Nhưng dù có là ROM chính hãng hay xách tay thì MIUI 14 trên Xiaomi 13 Pro vẫn mượt và rất nhanh. Trong quá trình sử dụng, mình hiếm khi phải đóng đa nhiệm hay khởi động lại thiết bị vì giật, lag. Tình trạng khựng khi mở Camera hay chuyển giữa các ống kính cũng được cải thiện đáng kể.
Sạc 120W quá nhanh, quá tiện
Mình hay có thói quen mở nhạc lúc ngủ và treo máy đến tận sáng. Trước đay, khi dùng Google Pixel hay iPhone thì mình không dám làm điều này vì khi sáng dậy máy hết pin, sạc thì lại rất chậm và không đủ để mình mang đi làm được. Tuy nhiên, trải nghiệm với Xiaomi 13 Pro lại khác hoàn toàn. Khi ngủ dậy, mình chỉ cần cắm sạc 120W, sau đó đi ăn sáng và chuẩn bị đồ đạc. Quá trình chuẩn bị xong cũng là lúc máy đầy pin, mình có thể thoải mái đi làm mà không cần lo việc hết pin giữa trưa.
Cá nhân mình đánh giá sạc nhanh 120W là một trang bị rất thiết thực chứ không hề khoe mẽ, trưng bày gì cả. Nó giúp mình chủ động hơn rất nhiều trong công việc khi không sợ việc hết pin giữa chừng. Đổi lại, việc sử dụng chuẩn sạc riêng khiến mình gặp chút bất tiện khi đi chơi, đi công tác khi phải mang nhiều củ sạc, nhiều loại sạc khác nhau.
Thời lượng pin cũng là điểm nhấn trên Xiaomi 13 Pro. Những hôm dùng 4G nhiều, đi ra ngoài liên tục hay điều hướng với Google Maps thì máy đạt được khoảng 6 – 7 giờ sáng màn hình. Còn hôm nào dùng ít, chủ yếu xem YouTube với Wi-Fi thì việc đạt được 9 – 10 giờ sáng màn hình là hoàn toàn khả thi. Trên hết, kể cả nhu cầu có như thế nào đi nữa thì máy vẫn đáp ứng được 1 ngày sử dụng. Sáng sạc đầy và mang đi làm, tối về còn 15, 20% pin mà kể cả lỡ bạn bè gọi đi chơi thì chỉ cần cắm sạc 15, 20 phút là có thể tiếp tục sử dụng rồi.
Hiệu năng mạnh mẽ nhưng chơi game hơi nóng
Là một người ít chơi game và chủ yếu sử dụng các tác vụ nhẹ nhàng thì Snapdragon 8 Gen 2 trên Xiaomi 13 Pro là “dư thừa”. Nó hoạt động ổn định trong hầu hết thao tác sử dụng của mình từ dùng Facebook, lướt Web hay nhắn tin Telegram để trao đổi với đồng nghiệp.
Tuy nhiên, nhiệt độ trên Xiaomi 13 Pro lại là điểm chưa khiến mình thật sự hài lòng. Nó không nóng đến mức gây khó chịu như Snapdragon 8 Gen 1 trên Xiaomi 12 Pro hay Snapdragon 888 trên Xiaomi 11 Ultra, thế nhưng vẫn nhỉnh hơn so với Snapdragon 8 Gen 2 trên Galaxy S23 Ultra hay OPPO Find X6 Pro.
Minh chứng là khi mình chơi LMHT: Tốc Chiến, nhiệt độ mà Xiaomi 13 Pro toả ra có thể lên đến 39 – 40 độ C. Mặc dù không gây cảm giác khó chịu, nhưng nó vẫn khiến các ngón tay của mình ấm lên sau một, hai ván đấu. Đổi lại, FPS mà máy cho ra gần như thẳng tắp và không có gì quá phàn nàn về khả năng tối ưu mà Xiaomi 13 Pro đem lại.
Màn hình đẹp, sáng
Xiaomi luôn biết cách “chiều chuộng” người dùng khi đem những thông số cao cấp nhất lên màn hình của Xiaomi 13 Pro. Mình sẽ không bàn quá nhiều đến độ phân giải, khả năng hiển thị màu sắc hay góc nhìn mà hãy đi vào yếu tố nhiều người quan tâm nhất là độ sáng.
Con số 1.900 nits trên màn hình một chiếc điện thoại được xem là rất cao. Nó biến Xiaomi 13 Pro trở thành một trong những chiếc flagship có màn hình sáng nhất. Với 1.900 nits, mình có thể sử dụng khá thoải mái ngoài trời nắng hay dưới ánh sáng mạnh. Tuy nhiên, có một chút khó chịu khi chỉ cần dùng ngoài trời từ 3 – 4 phút thì máy sẽ nóng lên, dẫn đến màn hình tự động giảm độ sáng. Nếu thường xuyên quay phim, chụp hình ngoài trời thì đây có thể là cảm giác khá khó chịu vì sau một lúc màn hình sẽ tối lại, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Có một điểm thú vị khác trên chiếc Xiaomi 13 Pro của mình là mặc dù chạy ROM nội địa, nó vẫn hỗ trợ Widevine L1. Điều này giúp mình có thể trải nghiệm các nội dung chất lượng cao trên Netflix mà không phải lo hình ảnh sẽ bị mờ hay giảm độ phân giải.
Cảm giác cầm nắm là điều chưa hài lòng nhất
Xiaomi 13 Pro khiến mình hài lòng trong hầu hết yếu tố khác nhau như hiệu năng, sạc nhanh và đặc biệt là camera. Thế nhưng, nó vẫn có nhiều điểm khiến mình chưa thật sự ưng ý, và phần lớn trong số đó đến từ cảm giác cầm nắm.
Chiếc máy mình mua có mặt lưng làm từ gốm cùng khung viền nhôm. Song, lớp gốm này được làm bóng và nó vô cùng bẩn. Là một người hay ra mồ hôi tay, mình càng cảm nhận được điều này rõ hơn. Nếu được chọn một vật liệu khác cho thế hệ kế nhiệm Xiaomi 14 Pro, mình hy vọng nó sẽ là giả da hoặc kính nhám. Máy vừa nhẹ, vừa cho cảm giác cầm nắm sạch sẽ hơn.
Chưa kể, Xiaomi 13 Pro sở hữu màn hình cong, khiến cảm giác cầm nắm trở nên rất khó khăn, đặc biệt là với một người có bàn tay lớn như mình. Thú thật là trong hầu hết thời gian nghỉ giải lao, mình luôn ưu tiên cầm iPhone hoặc iPad để giải trí và xem các video ngắn hơn là Xiaomi 13 Pro. Đơn giản bởi vì nó có màn phẳng, tạo cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn và gần như không gặp tình trạng chạm nhầm cảm ứng nhu màn hình cong. Nếu có ý định dùng Xiaomi 13 Pro trong thời gian dài, việc đeo ốp có lẽ là điều hoàn toàn cần thiết.
Tổng kết: Xiaomi 13 Pro có đáng mua?
Mình mua chiếc Xiaomi 13 Pro xách tay này từ tháng 3/2023 và vẫn sử dụng nó làm máy chính cho đến thời điểm hiện tại. Trong tương lai, nếu iPhone 15 hay Xiaomi 14 series không có nhiều đột phá thì đây vẫn sẽ tiếp tục là người đồng hành của mình.
Với mình, Xiaomi 13 Pro là một chiếc điện thoại rất tốt. Nó đáp ứng tốt gần như mọi nhu cầu trong cuộc sống của mình từ làm việc, giải trí cho đến chơi game. Và mình yêu chiếc máy này vì khác với Xiaomi của quá khứ, Leica đã mang đến một điểm nhấn độc đáo về camera mà mình không tìm thấy trên Samsung, Apple hay bất cứ một thương hiệu nào khác.
Ở thời điểm hiện tại, bạn có thể mua Xiaomi 13 Pro xách tay với giá khoảng 15 – 16 triệu đồng (hàng mới) và 13 – 14 triệu đồng (hàng cũ). Mình đánh giá đây là một trong những chiếc máy có P/P tốt nhất phân khúc cận cao cấp, thậm chí tốt hơn là Xiaomi 13 xách tay hay Galaxy S23. Song, nếu có ý định gắn bó lâu dài với Xiaomi 13 Pro xách tay, bạn nên cân nhắc kỹ một vài yếu tố như cảm giác cầm nắm, màn hình cong và đặc biệt là nên cài lên ROM quốc tế để có trải nghiệm tốt nhất.
Comments