Nhiều năm về trước, việc kích hoạt iPhone lock vô cùng đơn giản khi người dùng chỉ cần lắp một chiếc SIM ghép, sau đó sử dụng một số câu lệnh cơ bản. Tuy nhiên, Apple ngày càng siết chặt việc mua bán dòng máy này bằng những quy định mới. Trên iPhone 14, Táo khuyết loại bỏ khay SIM trên những chiếc iPhone bán tại Mỹ. Còn với iPhone 15 Pro Max, người dùng phải can thiệp sâu vào phần cứng bên trong như nối dây từ bảng mạch hay dùng “khay SIM không dây”
Điều này kéo giá của iPhone 15 series lock giảm xuống rất sâu. Chẳng hạn, iPhone 15 Pro Max lock hiện được bán với giá 22 – 24 triệu đồng, rẻ hơn tới 10 triệu đồng so với hàng chính hãng. Với mức giá tốt như vậy, liệu iPhone 15 series lock có đáng mua hay không?
Một số phương pháp ghép SIM trên iPhone 15 series lock
Khác với trước đây, việc kích hoạt iPhone 15 series lock đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Hiện, có ba cách ghép SIM chủ yếu như sau:
Hiện tại, có ba cách để kích hoạt iPhone 15 series lock như sau:
“Độ” khay SIM vật lý bên cạnh hông: Trên iPhone 15 và iPhone 15 Plus, kỹ thuật viên sẽ tiến hành “đục” một lỗ nhỏ vào cạnh trái khung viền. Tiếp đến, họ gắn khay SIM vào và kết nối các bảng mạch để hệ thống có thể nhận dạng SIM vật lý một cách bình thường. Cách này còn được gọi với cái tên “cắt CNC khay SIM” và áp dụng tương tự với iPhone 14, iPhone 14 Pro hay iPhone 14 Pro Max lock.
Sử dụng “khay SIM” không dây: iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max bản Mỹ không có không gian cho khay SIM bên trong. Do đó, các kỹ thuật viên không thể ghép SIM bằng cách cắt CNC như truyền thống được. Thay vào đó, họ dùng một giải pháp thú vị hơn: gắn một con chip vào trong bo mạch máy, sau đó kết nối chúng với dụng cụ chứa SIM bên ngoài có tên DBLink. Mọi thông tin từ cuộc gọi, tin nhắn hay dữ liệu di động sẽ được thực hiện với khay SIM gắn ngoài này, sau đó truyền và xử lý nhờ con chip gắn bên trong máy.
“Độ” khay SIM bên trong máy: So với cách sử dụng “khay SIM không dây” ở trên, giải pháp này được đánh giá hiệu quả hơn rất nhiều. Kỹ thuật viên sẽ nối khay SIM vật lý trực tiếp vào bảng mạch bên trong. Hai SIM sẽ được đặt vào bên trong máy và người dùng có thể thay thế dễ dàng bằng cách tháo mặt lưng. Chưa hết, họ còn tích hợp thêm một nút “Reset SIM” để tránh tình trạng máy trở về màn hình Kích hoạt mỗi khi mất sóng.
Ghép SIM rủi ro, song lượng người dùng vẫn rất lớn
Điểm chung của cả ba cách làm trên là đều phải can thiệp vào phần cứng thiết bị. Phương pháp “cắt CNC khay SIM” được cho là nhanh và an toàn nhất khi chỉ tác động vào bộ khung bên ngoài. Trong khi, hai phương pháp còn lại cần can thiệp sâu vào bo mạch bên trong, từ đó tiềm ẩn rủi ro liên quan đến hỏng hóc hay lỗi trong quá trình sử dụng.
Rủi ro là vậy, song nhu cầu chọn mua các mẫu iPhone lock vẫn rất cao. Đại diện một cửa hàng iPhone lớn tại Hà Nội cho biết, cộng đồng người dùng iPhone khoá mạng tại Việt Nam rất đông đảo, đặc biệt là khi họ đã dần quen với việc phải dùng SIM ghép.
Họ cũng chia sẻ thêm, trong dải sản phẩm Apple mới ra mắt, iPhone 15 Plus lock là thiết bị được người dùng săn đón nhiều nhất. Máy sử dụng cơ chế “cắt CNC” tương tự iPhone 14 series, an toàn và dễ thay thế SIM hơn các phương pháp còn lại. Trong khi đó, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max muốn dùng SIM buộc phải nối dây vào bảng mạch bên trong, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn.
iPhone 15, iPhone 15 Pro Max lock có thật sự đáng mua?
Khách quan mà nói, iPhone 15 series khoá mạng đang có giá tốt hơn rất nhiều so với mặt hàng cũ hay chính hãng. Cụ thể hơn, hai mẫu máy tiêu chuẩn có phân khúc giá lần lượt 15 triệu đồng và 19 triệu đồng, chênh lệch khoảng 6 triệu đồng so với bản chính hãng. Đặc biệt, iPhone 15 Pro Max lock đang được các thương gia rao bán chỉ từ 22 – 24 triệu đồng, rẻ hơn tới 10 triệu đồng so với mức giá mà các đại lý uỷ quyền đang kinh doanh.
So sánh mức giá iPhone 15 series bản lock và chính hãng
Giá bản lock | Giá bản chính hãng | Chênh lệch | |
iPhone 15 | 15 – 16 triệu đồng | 21 – 22 triệu đồng | 6 triệu đồng |
iPhone 15 Plus | 19 – 19,5 triệu đồng | 24 – 25 triệu đồng | 5 – 5,5 triệu đồng |
iPhone 15 Pro Max | 22 – 24 triệu đồng | 33 – 34 triệu đồng | 10 triệu đồng |
Trên thực tế, mức chênh lệch giữa iPhone bản khoá mạng và chính hãng đang rất lớn. Thậm chí, có những sản phẩm rẻ hơn tới 10 triệu đồng. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì các mẫu iPhone đời mới buộc phải can thiệp phần cứng để có thể sử dụng được SIM. Các mẫu máy trên có thể mất khả năng kháng nước, sạc không dây và trên hết là tiềm ẩn rủi ro trong quá trình sử dụng. Trước đây, việc kích hoạt iPhone khoá mạng trở nên dễ dàng khi người dùng chỉ cần lắp phôi SIM ghép là đã có thể nghe gọi bình thường. Thậm chí, đã có thời điểm mã ICCID được phát hành rộng rãi, giúp máy lock hoạt động tương tự như bản quốc tế.
Vậy thì với mức chênh lệch lớn như trên, iPhone 15 series lock liệu có thật sự đáng mua? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và tài chính của từng người.
Nếu là người dùng cơ bản, không có nhiều kiến thức về công nghệ, bạn không nên mua iPhone lock. Mặc dù mức chênh lệch có thể rất hấp dẫn, thế nhưng nó không đảm bảo việc máy sẽ hoạt động ổn định được như bản quốc tế. Chưa kể, việc can thiệp vào phần cứng khiến iPhone mất bảo hành chính hãng, kéo theo quá trình sửa chữa phức tạp và mất nhiều công sức.
Nếu là người từng sử dụng các mẫu iPhone lock cũ hơn, bạn có thể tham khảo qua mặt hàng này. Khi đó, những lỗi vặt như mất sóng, văng màn hình kích hoạt là hoàn toàn xứng đáng với số tiền 6 – 10 triệu mà bạn tiết kiệm được.
Comments