Thị trường điện thoại di động một vài năm qua chứng kiến sự tăng trưởng của rất nhiều hãng điện thoại, trong số đó không thể không kể đến các hãng đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên xét trên khía cạnh doanh thu, Apple vẫn đang là một thế lực rất đáng gờm. Theo ghi nhận của Counterpoint Research, Táo Khuyết đang chiếm đến 75% lợi nhuận và 40% doanh thu dù chỉ nắm giữ 13% thị phần trong thị trường smartphone quý II trên toàn cầu.
Mặc dù con số về mặt lợi nhuận đang được đánh giá rất cao do Apple đang là hãng có vị thế lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên những con số này đang có phần tụt giảm so với quý IV năm 2020 khi lúc đó doanh thu của hãng đạt 50%, lợi nhuận đạt 86%. Thành công này một phần đến từ những chiếc iPhone 12 series đem lại khi nó không chỉ bán chạy mà mức giá cũng cực kỳ đắt đỏ tại thời điểm nó ra mắt. Táo khuyết cũng được hưởng lợi rất nhiều từ khả năng tương tác giữa các thiết bị của mình, hệ sinh thái được tạo nên bởi nhiều dòng sản phẩm khiến cho người mua cảm thấy được chiều chuộng khi quyết định chọn Apple.
Ở vị trí thứ 2 là gã khổng lồ đến từ Hàn Quốc với 13% lợi nhuận toàn ngành. Điều này không quá bất ngờ khi thời gian vừa qua, Samsung cũng đã có nhiều bước tiến mới trong việc nâng cấp smartphone tầm trung và cải thiện điện thoại cao cấp. Nhà sản xuất này mới chỉ 2 lần mất vị trí vào tay Huawei vào quý IV năm 2019 và quý II năm 2020. Nếu như Huawei không phải chịu nhiều lệnh cấm vận tại Mỹ do Donald Trump ban hành thì có lẽ nhiều hãng cũng sẽ phải dè chừng cái tên đến từ Trung Quốc này.
Xiaomi mặc dù có số lượng sản phẩm bán ra tốt thứ 2 trong quý II vừa rồi nhưng lợi nhuận thu về không quá cao. Điều này được lý giải bởi nhà sản xuất đến từ Trung Quốc trong vài năm vừa qua chưa thoát khỏi cái mác chỉ làm điện thoại giá rẻ, thị trường mà Xiaomi đang làm tốt nhất ở thời điểm hiện tại có lẽ chỉ là tầm trung và cận cao cấp. Tuy nhiên, hãng cũng đã tuyên bố rằng mục tiêu tiếp theo của mình là sẽ tiếp cận đến những phân khúc đắt tiền hơn. Bằng chứng là kể từ năm 2019, những sản phẩm đến từ Xiaomi có giá bán trung bình cao hơn. Với chiếc Mi Mix Fold, hãng cũng đang có một bước tiến mới đến phân khúc điện thoại cao cấp có thể gập. Thời gian vừa qua hãng cũng cho ra thị trường dòng 11T series ở phân khúc đắt tiền, tuy nhiên nếu muốn cải thiện lợi nhuận của mình một cách rõ rệt thì Xiaomi vẫn còn rất nhiều điều phải làm.
Khi phải nâng giá cho các sản phẩm chủ lực thì các nhà sản xuất Trung Quốc cũng có một bước đi khá đúng đắn. Họ tạo ra các thương hiệu con để phân cấp các sản phẩm từ đó giúp tiếp cận với nhiều người dùng ở nhiều phân khúc khác nhau. Đơn cử là Xiaomi có Poco và Redmi, Oppo có Realme và OnePlus, vivo có IQOO, v.v. Ngoài ra thị trường Châu Âu cũng là miếng bánh béo bở mà nhiều hãng đang hướng đến khi vừa rồi, Xiaomi đạt top 1 trong các thương hiệu smartphone trong quý II tại đây. Oppo cũng tạo được điểm nhấn khi trở thành một trong những nhà tài trợ cho Euro 2020 và giải quần vợt Wimbledon.
Công nghệ đang dần phát triển và còn rất nhiều cơ hội cho các hãng có tiềm năng như Xiaomi, Oppo, vivo phát triển. Nếu như biết nắm bắt cơ hội, một ngày nào đó họ sẽ trở thành cái tên có thể lật đổ Apple.