Năm 2023 đánh dấu cột mốc 15 năm kể từ khi Google lần đầu giới thiệu Android Market trên những chiếc T-Mobile hay HTC Dream. Từ giá trị vốn hoá chỉ vài tỷ đô la, Android Market đã khiến hệ sinh thái ứng dụng trên di động trở nên phong phú hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng điện thoại ngày nay.
Thời điểm sơ khai của việc tải ứng dụng (Trước năm 2008)
Trước năm 2008, việc tìm và tải xuống ứng dụng cho điện thoại thông minh không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Khi đó, người dùng sẽ phải dành nhiều ngày liền để tìm kiếm các ứng dụng trên GetJar và Handango – hai trong số những cửa hàng trực tuyến độc lập hiếm hoi ngày đó.
Người dùng cũng phải mạo hiểm truy cập vào các trang web trực tuyến ngẫu nhiên nhằm tìm kiếm những gì thú vị hơn; hoặc phải sử dụng các kho ứng dụng riêng của các nhà mạng, vốn có rất ít ứng dụng và chất lượng cũng không quá cao. Thậm chí, một số nhà mạng còn chỉ định những ứng dụng bạn có thể cài đặt. Vào thời điểm đó, việc tìm kiếm và quản lý ứng dụng là những định nghĩa chưa hề tồn tại. Thêm vào đó, việc lựa chọn ứng dụng cũng vô cùng hạn chế và hầu hết chỉ xoay quanh việc mở hoặc chỉnh sửa tài liệu Office.
Thậm chí, bảo mật cũng là một khái niệm còn rất xa lạ. Người dùng khi tải xuống ứng dụng bất kỳ thường sẽ chỉ biết hy vọng không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chiếc máy của mình. Thêm vào đó, các ứng dụng trên cũng không có các bản cập nhật theo năm tháng.
Android Market đã thay đổi cuộc chơi như thế nào
Android Market đã thay đổi tất cả những điều trên kể từ lần đầu xuất hiện vào tháng 10/2008.
Sau sự ra đời của cửa hàng Android Market, ứng dụng bỗng dưng trở thành một mặt hàng vô cùng dễ tiếp cận. Người dùng lúc này đã có trong tay một nền tảng trực tuyến sở hữu thư viện ứng dụng khổng lồ. Tất cả những ứng dụng đó đều được phân loại và sắp xếp hợp lý. Sự đa dạng của ứng dụng khởi đầu ở quy mô rất nhỏ nhưng cũng nhanh chóng phát triển. Nhờ đó, người dùng dần có nhiều lựa chọn hơn ở những ứng dụng mặc định như thời tiết, trình quản lí dữ liệu hay các công cụ liên quan đến Office. Hơn nữa, việc số lượng người dùng gia tăng cũng là động lực giúp cho các nhà phát triển sớm phát hành nhiều ứng dụng hay và hữu ích hơn.
Với sự xuất hiện của Android Market, người dùng cuối cùng đã có một nguồn đánh giá uy tín để xem một ứng dụng có đáng để thử hay không. Thêm vào đó, những bản cập nhật vá lỗi hay bổ sung tính năng cũng dần trở thành một thứ không thể thiếu, giúp cho người dùng không còn phải quá lo lắng nếu gặp lỗi ngay từ phiên bản phần mềm đầu tiên.
Vào cuối thập niên 2010, tất cả những thay đổi trên đều là một bước nhảy vọt lớn. Chỉ cần một vài năm có mặt trên thị trường, Android Market đã hoàn toàn thuyết phục người dùng từ bỏ dần những chiếc Nokia và Symbian cũ kĩ và chuyển qua hệ điều hành Android.
Trong những năm sau đó, Android Market đã trở thành một chợ ứng dụng thực thụ với hàng loạt các ứng dụng trả phí cùng nhiều phương thức thanh toán khác nhau. Khi số lượng ứng dụng ngày càng gia tăng, yếu tố bảo mật và quyền riêng tư của người dùng càng được Google chú trọng hơn với sự xuất hiện của Play Protect và hàng loạt tiêu chuẩn bảo mật khác. Google cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến nhu cầu của người dùng khi mang đến hàng loạt phần mềm dành cho gia đình và trò chơi giải trí; đồng thời cải thiện quyền ứng dụng, cung cấp thêm nhiều tiện ích thú vị như Play Movies, Play Books hay Google Play Pass…. Tất cả đều hướng về một mục tiêu duy nhất: mang đến cho người dùng nhiều tiện ích và ứng dụng nhất có thể.
Hành trình 15 năm mang đến hàng triệu ứng dụng của Android Market
Từ con số 20.000 vào cuối năm 2009, số lượng ứng dụng trên Android Market đã tăng vọt lên đến 100.000 vào giữa năm 2010. Theo thống kê từ Statista, số lượng ứng dụng trên Android Market (hay Play Store) đã chạm đỉnh vào tháng 3/2018 với khoảng 3,6 triệu ứng dụng.
Trong những năm đầu thập niên 2010, người dùng có lẽ không thể quên được The Weather Channel và WeatherBug vì các tiện ích thời tiết lúc đó chưa hề có sẵn. Nếu cần tìm kiếm và phân loại tập tin, ES File Manager và ASTRO File Manager là hai trong số những phần mềm có thể đáp ứng tốt nhu cầu này. Ngoài ra, một số tiện ích khác cũng có được thành công vang dội như Advanced Task Killer – một ứng dụng giúp quản lý và giải phóng tài nguyên. Ngoài ra, bởi vì điện thoại ngày đó chưa hề có khả năng sao lưu và khôi phục, Android Market sẽ cung cấp cho chúng ta phần mềm Titanium Backup.
Theo thời gian, những ứng dụng mới không chỉ giúp lấp đầy những khuyết điểm còn tồn tại của nền tảng cũ mà còn mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn. Một số phần mềm như Shazam để tìm bài hát theo giai điệu, Pandora hay Spotify để phát nhạc,… đều có được số lượng tải về ấn tượng. Người dùng có lẽ cũng không thể quên được Angry Bird, Facebook, Twitter, Evernote hay Kindle,… những ứng dụng đã trở thành một thứ không thể thiếu trên điện thoại Android trong khoảng 10 năm về trước.
Ngày nay, người dùng có thể cảm thấy ít hào hứng với ứng dụng hơn so với những năm 2000-2010. Thế nhưng chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử phát triển của kỷ nguyên điện thoại thông minh. Sự thành công và phổ biến của những ứng dụng ngày nay cũng có những đóng góp không nhỏ của Android Market và Apple App Store. Một lần nữa, chúc mừng sinh nhật Android Market 15 tuổi.
Theo: Android Authority