Vật Vờ Đánh giá

Đánh giá chi tiết OnePlus Nord 3 5G: điện thoại 11 triệu đáng mua nhất?

0

Phân khúc điện thoại cận cao cấp tại Việt Nam đang thiếu đi sự cạnh tranh khi rất ít sản phẩm được ra mắt trong thời gian qua. Những mẫu máy mới, chính hãng tầm giá này cũng chưa để lại nhiều ấn tượng so với hàng xách tay hay flagship cũ. Vậy thì với OnePlus Nord 3 5G, OnePlus liệu có đủ sức “vực dậy” thị trường điện thoại cận cao cấp đang có phần đi xuống không?

Hiệu năng hàng đầu phân khúc

Tại Việt Nam, thật khó để tìm kiếm một chiếc máy chính hãng nào có hiệu năng mạnh mẽ hơn Dimensity 9000. Các mẫu máy xách tay như Redmi K60 hay realme GT Neo 5 cũng chỉ có hiệu năng ngang ngửa OnePlus Nord 3 với Snapdragon 8+ Gen 1.

Trên thực tế, trong tầm giá này chúng ta có thể lựa chọn Galaxy S23 hay Xiaomi 13 xách tay. Chúng có hiệu năng mạnh mẽ hơn với Snapdragon 8 Gen 2. Tuy nhiên, đây chỉ là những mẫu flagship tiêu chuẩn, có màn hình bé và không phải lựa chọn tốt nhất cho nhu cầu giải trí, xem phim.

Một điểm mình yêu thích khác trên Dimensity 9000 là nó mát và hiệu năng có phần nào ổn định hơn Snapdragon 8+ Gen 1. Kể cả khi chơi Genshin Impact với đồ hoạ cao nhất, nhiệt độ tối đa trên OnePlus Nord 3 chỉ khoảng 42 – 43 độ C. Hay khi sạc pin, máy cũng chỉ nóng khoảng 37 – 38 độ C, tức là ngang với một củ sạc tiêu chuẩn.

Còn về hiệu năng thuần thì mình không có gì phàn nàn về OnePlus Nord 3. Máy chơi tốt các tựa game từ nhẹ như Liên Quân Mobile cho đến nặng như Genshin Impact. Dải FPS hay nhiệt độ đều ổn định và hiếm khi xuất hiện tình trạng quá nhiệt.

FPS trung bình và nhiệt độ trên OnePlus Nord 3 5G

FPS trung bìnhNhiệt độ tối đa
PUBG Mobile
(Mượt, Cực độ)
59,238 – 39 độ C
Genshin Impact
(Cao, 60FPS)
48,342 – 43 độ C

Trải nghiệm tiệm cận flagship

OnePlus Nord 3 cho mình những trải nghiệm tiệm cận với một chiếc flagship.

Với OxygenOS, máy quá nhanh, quá mượt và vô cùng ổn định. Nó nhanh từ thao tác mở khoá vân tay, chuyển đa nhiệm cho đến khởi động camera. Thêm nữa, phần mềm trên chiếc máy này gần như không có ứng dụng rác, bloatware nào và cũng không gặp tình trạng trễ thông báo, lỗi tiếng Việt như nhiều sản phẩm xách tay khác.

Một phần hậu thuẫn cho sự mượt mà trên OnePlus Nord 3 đến từ việc nó chạy trên con chip rất mạnh cũng như có màn hình 120Hz. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng OnePlus đã tối ưu quá tốt cho chiếc máy này và OxygenOS là một trong những hệ điều hành cho trải nghiệm sử dụng tốt nhất, tuyệt vời nhất trên Android.

Màn hình trên OnePlus Nord 3 đẹp, sắc nét và có thiết kế phẳng. Mình thích cách làm này vì mang lại giúp cảm giác cầm nắm tốt cũng như dễ dán màn hình, ốp lưng hơn.

Chất lượng hiển thị trên OnePlus Nord 3 không phải xuất sắc nhất, thế nhưng đã tiệm cận “chuẩn mực” của một chiếc điện thoại cận cao cấp. Nó có tấm nền 10 bit màu, độ sáng 1.450 nits và hỗ trợ HDR10+. Kích thước màn hình này cũng rất lớn và đặc biệt bốn cạnh viền làm mỏng và gần như đều nhau. Trên thực tế, đa phần đối thủ Android trong phân khúc đều làm cạnh dưới màn hình dày và mất cân đối so với các cạnh còn lại.

Thiết kế trên OnePlus Nord 3 đầm, chắc và ôm tay. Tuy nhiên, mặt lưng máy được làm từ kính bóng, thế nên rất dễ bám bẩn. Thêm vào đó, khung viền cũng chỉ được hoàn thiện từ nhựa, không đem lại sang trọng như thép hay nhôm. Máy có tiêu chuẩn kháng nước IP54, vừa đủ để bảo vệ trước trời mưa nhỏ.

Camera trên OnePlus Nord 3 thể hiện khá tốt. Từ ảnh chụp đủ sáng, thiếu sáng cho đến chân dung, máy đều làm tròn vai và mình có thể chia sẻ lên mạng xã hội mà không cần chỉnh sửa.

Tuy nhiên, cụm camera này vẫn để lại nhiều thiếu sót. Thứ nhất, do không có camera telephoto nên những bức ảnh zoom trên OnePlus Nord 3 không thật sự ấn tượng. Thứ hai, máy chỉ hỗ trợ chống rung ở độ phân giải Full HD, vậy nên video 4K@60fps trên chiếc máy này khá rung, giật và bắt nét kém ổn định.

Một số ảnh chụp trên OnePlus Nord 3

Viên pin 5.000mAh trên OnePlus Nord 3 đủ làm mình hài lòng. Nó vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong 1 ngày với 6 giờ sáng màn hình, thế nhưng vẫn thua thiệt so với các đối thủ đến từ realme hay Samsung. Rõ ràng, việc chạy một con chip flagship như Dimensity 9000 khiến máy phải tiêu thụ nhiều điện hơn, từ đó dẫn đến thời lượng sử dụng không quá ấn tượng. Đổi lại, máy có sạc nhanh lên đến 80W, nhanh chóng nạp đầy viên pin chỉ trong 30 phút.

Hàng chính hãng, bảo hành lâu dài

Đây là yếu tố mà bạn sẽ không tìm thấy được ở bất cứ một mẫu máy xách tay hay flagship cũ nào. Xiaomi 13 cũ hay Redmi K60 Pro có thể có hiệu năng tốt hơn, camera tốt hơn, thế nhưng nếu xảy ra hỏng hóc, việc sửa chữa là vô cùng khó khăn cũng như chi phí thay thế cao.

Trên thực tế, nhiều người dùng phản ánh rằng điện thoại OnePlus thường xuyên gặp lỗi sọc màn, chảy mực hay lưu ảnh. Đó là những lỗi rất nghiêm trọng và bạn có thể phải trả chi phí thay thế lên tới vài triệu đồng. Nhưng khi mua OnePlus Nord 3, bạn sẽ được hưởng bảo hành đầy đủ và thay thế hoàn toàn miễn phí mỗi khi xảy ra lỗi màn hình như trên.

Kết luận: OnePlus Nord 3 có đáng mua?

Câu trả lời là có. Và mình tự tin rằng OnePlus Nord 3 là một trong những lựa chọn tốt nhất trong phân khúc 11 – 12 triệu đồng.

OnePlus Nord 3 đáp ứng rất tốt các yếu tố khác nhau, và nó phù hợp với gần như mọi người dùng. Nếu bạn thích chơi game, đây là mẫu máy mới, chính hãng cho trải nghiệm ổn định nhất tầm giá. Nếu bạn thích xem phim, giải trí, màn hình của OnePlus Nord 3 sẽ không làm bạn phải thất vọng. Tất nhiên, máy vẫn còn một vài điểm trừ như thiết kế, camera hay pin, tuy nhiên mình hoàn toàn có thể bỏ qua trong phân khúc cận cao cấp.

Tham khảo một số sản phẩm OnePlus chính hãng khác tại đây.

OnePlus Nord 3 5G

9

Điểm mạnh
  • Hiệu năng mạnh mẽ
  • Màn hình đẹp, viền mỏng
  • Mượt mà, hỗ trợ lâu dài
  • Hàng chính hãng
Điểm yếu
  • Camera chưa quá xuất sắc
  • Thiết kế kính bóng dễ bẩn

Apple phát hành iOS 17 Public Beta 2 dành cho người dùng

Previous article

Toàn bộ 12 nâng cấp mới sẽ xuất hiện trên iPhone 15 Pro Max

Next article