Xiaomi 13 Pro, iPhone 14 Pro Max hay OnePlus 11 là ba trong số những chiếc flagshp cao cấp nhất hiện tại. Tuy nhiên, chúng đều có điểm yếu chung là chỉ sử dụng chuẩn kết nối USB 2.0, không phải USB 3.1 hay USB 3.2 như nhiều sản phẩm khác. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có ảnh hưởng đến quá trình sử dụng hay không, và phải chăng USB tốc độ cao nên là tiêu chuẩn bắt buộc trên flagship?
Chuẩn kết nối trên một số mẫu flagship hiện tại
Xiaomi 13 Ultra đánh dấu chiếc flagship Xiaomi đầu tiên có chuẩn kết nối USB 3.2. Trong khi đó, các mẫu máy đời thấp hơn như Xiaomi 13 Pro hay Xiaomi 13 chỉ được trang bị USB 2.0.
Tiêu chuẩn kết nối cao đã xuất hiện rất sớm trên flagship của Samsung, HUAWEI hay OPPO. Với Samsung, Galaxy Note 7 là chiếc flagship đầu tiên của hãng có USB 3.1. Trong khi đó, ASUS ROG Phone II lại là mẫu máy đầu tiên được trang bị USB 3.1 Gen 2 với tốc độ truyền tải lên đến 10Gbps. Trong khi đó, OnePlus 11 chỉ sử dụng chuẩn kết nối cũ USB 2.0. Đáng nói rằng thế hệ tiền nhiệm OnePlus 10 Pro lại được trang bị chuẩn tốc độ cao USB 3.1.
Thêm vào đó, tất cả các mẫu iPhone từ trước đến nay đều chỉ sử dụng chuẩn kết nối cũ USB 2.0. Điều này là do hãng vẫn duy trì phương thức sạc Lighning cho các thiết bị của mình, vốn chỉ tương thích với USB 2.0. Có một số thông tin cho rằng thế hệ iPhone 15 kế nhiệm sẽ được nâng cấp lên USB 3.2, tuy nhiên theo MacRumors, tiêu chuẩn này sẽ chỉ có mặt trên dòng Pro và Pro Max, còn dòng tiêu chuẩn vẫn sẽ giới hạn ở USB 2.0.
Lợi ích của việc dùng chuẩn kết nối tốc độ cao
Vậy thì việc dùng chuẩn kết nối tốc độ cao trên 1 chiếc điện thoại có những lợi ích gì?
Truyền file nhanh hơn
Việc tích hợp chuẩn sạc tốc độ cao tất nhiên sẽ cải thiện đáng kể tốc độ truyền file giữa điện thoại với các thiết bị ngoài như ổ cứng hay máy tính. Để kiểm chứng, mình đã đo thời gian truyền file giữa điện thoại với một chiếc ổ cứng gắn ngoài. File được sử dụng có dung lượng 4,5GB, các thiết bị thử nghiệm bao gồm Galaxy S23 Ultra (USB 3.2), Google Pixel 7 Pro (USB 3.2) và Xiaomi 13 Pro (USB 2.0)
Mẫu máy | Chuẩn kết nối | Thời gian truyền tải |
---|---|---|
Galaxy S23 Ultra | USB 3.2 | 17 giây (Tốc độ 1,9 Gbps) |
Google Pixel 7 Pro | USB 3.2 | 27 giây (Tốc độ 1,2 Gbps) |
Xiaomi 13 Pro | USB 2.0 | 113 giây (Tốc độ 300Mbps) |
Có thể thấy rằng tốc độ truyền tải của USB 3.2 nhanh hơn rất nhiều, có thể gấp 10 lần so với chuẩn USB 2.0 trên Xiaomi 13 Pro. Trên thực tế, tốc độ truyền file của USB 3.2 không phải cao nhất khi chúng ta có những tiêu chuẩn cho hiệu quả lên đến 80Gbps.
Một số chuẩn kết nối USB phổ biến
Chuẩn USB | Tốc độ truyền tải |
---|---|
USB 2.0 | 480Mbps |
USB 3.0 | 5Gbps |
USB 3.1 | 5 – 10Gbps |
USB 3.2 | 5 – 20Gbps |
USB 4 | 10 – 80Gbps |
Thunderbolt 3/4 | Tối đa 40Gbps |
Sở hữu tốc độ nhanh hơn đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn khi truyền tệp tin, ảnh hay video từ điện thoại sang các thiết bị ngoại vi. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người có nhu cầu quay phim, chụp ảnh cao, vốn thường xuyên truyền những file có dung lượng lớn để chỉnh sửa.
Hỗ trợ nhiều công nghệ sạc hơn
Những chuẩn kết nối cao hơn sẽ hỗ trợ dòng điện đầu vào cao hơn. Chẳng hạn, USB 4 có dòng điện tối đa 5A, cao gấp 10 lần so với chỉ 0,5 A trên USB 2.0. Điều này gián tiếp giúp chuẩn kết nối hỗ trợ nhiều công nghệ sạc hơn. Ví dụ, USB 4 hỗ trợ cấu hình PowerDelivery 3.1 với công suất tối đa 240W, cao hơn so với chỉ 100W trên cấu hình PowerDelivery hiện nay.
Xuất màn hình với chuẩn cao hơn
Những tiêu chuẩn kết nối như USB 4 hay Thunderbolt sẽ hỗ trợ xuất hình với định dạng cao hơn. Chẳng hạn, 1 chiếc máy tính hỗ trợ Thunderbolt 4 có thể xuất ra tới 2 màn hình rời 4K.
Trên điện thoại điều này khá quan trọng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều điện thoại có tính năng xuất màn hình rời và làm việc như 1 chiếc PC. Nổi tiếng nhất trong số đó có thể kể đến Samsung DeX. Nhờ Samsung DeX, chúng ta có thể biến 1 chiếc điện thoại Samsung thành một chiếc “máy tính” di động, phục vụ nhu cầu làm việc, giải trí hay thậm chí là chơi game. Đây có lẽ là lý do vì sao ngay từ khi đổi sang giao thức Type-C trên Galaxy Note 7, Samsung đã trang bị luôn tiêu chuẩn USB 3.1 rồi.
USB tốc độ cao nên là tiêu chuẩn bắt buộc trên flagship?
Câu trả lời là có.
Thứ nhất, flagship là mẫu máy hội tụ những trang bị đỉnh cao, đáng giá nhất. Việc giữ lại chuẩn kết nối thấp (như USB 2.0) bị coi là lỗi thời và là điều khó có thể chấp nhận được.
Thứ hai, với một bộ phận người dùng chuyên biệt, chuẩn USB tốc độ cao đóng vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, một bộ phận các nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) đang có xu hướng quay video trực tiếp trên điện thoại, sau đó truyền file sang máy tính thay vì trên máy ảnh.
Thế nhưng, điều này lại đặt ra một nghịch lý. iPhone thường xuyên là sự lựa chọn của các TikToker, YouTuber khi tìm kiếm một mẫu máy quay phim tốt. Apple cũng rất “hiểu ý” khi tung ra các phiên bản dung lượng bộ nhớ cao với tối đa lên đến 1TB.
Tuy nhiên, việc vẫn chỉ sử dụng chuẩn USB 2.0 khiến người dùng iPhone gặp rất nhiều trở ngại khi xuất video từ điện thoại sang máy tính hay laptop để chỉnh sửa. Kể cả khi truyền file thông qua AirDrop, tốc độ nhìn chung vẫn rất hạn chế và phụ thuộc rất nhiều vào đường truyền cũng như độ ổn định giữa các thiết bị kết nối.
Đó là còn chưa kể việc những thế hệ iPhone gần đây được bổ sung tính năng chụp ảnh ProRAW hay quay phim ProRes. Những video ProRes có dung lượng lên đến hàng trăm GB, thử hỏi người dùng sẽ mất bao lâu để chuyển chúng từ iPhone sang máy tính với chuẩn USB 2.0?
Tuy nhiên, cần phải lật lại vấn đề rằng: Việc truyền file lớn là nhu cầu của rất, rất ít người. Một số YouTuber, TikToker lựa chọn cách chỉnh sửa và đăng tải video trực tiếp trên iPhone mà không cần phải chuyển và xử lý trên máy tính. Thêm vào đó, AirDrop hay Nearby Share vẫn quá hữu dụng nếu bạn chỉ có nhu cầu chuyển những tệp tin có kích thước nhỏ. Chúng tiện, nhanh và đặc biệt chẳng cần một sợi dây kết nối nào.
Thêm vào đó, người dùng đang có xu hướng lưu trữ thông qua các nền tảng bên thứ ba như Google Photos hay iCloud Photos. Những dịch vụ này cho tốc độ truyền tải nhanh, tự động và đặc biệt không cần thông qua các thiết bị ngoại vi.
Comments