Đúng như nhiều tin đồn trước khi ra mắt, dòng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max đã được trang bị màn hình đục lỗ hoàn toàn mới với tên gọi: Dynamic Island. Về phần cứng, cảm biến hình dạng này không khiến người dùng bất ngờ, thay vào đó, Apple tập trung nhiều hơn về phần mềm để tối ưu cụm cảm biến này sao cho hữu ích nhất. Vô vàn tính năng, thông báo, trạng thái của iPhone đã được đưa về khu vực Dynamic Island để mang lại một cách sử dụng mới mẻ hoàn toàn.
Thay đổi là rất lơn, nhưng Dynamic Island trên iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max có thực sự hữu dụng, và có trở thành trào lưu để các hãng Android khác có thể học tập và làm theo hay không?
Bản chất của Dynamic Island
Thực chất, màn hình Dynamic Island trên iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max được thiết kế theo dạng đục lỗ chữ “i”, với một camera đặt bên phải và cảm biến FaceID dài hơn đặt bên trái. Để minh chứng, chúng mình đã chiếu màn hình trên iPhone 14 Pro Max trong điều kiện trời nắng gắt, và cụm cảm biến này bị lộ khá rõ ràng.
Khi có thông báo hay bất cứ cài đặt nhanh nào đang sử dụng, chẳng hạn như nghe nhạc qua Spotify, gọi thoại qua Telegram hay tra cứu bằng Google Maps, Dynamic Island sẽ phóng to ra và chiếm dụng một phần diện tích của thanh trạng thái. Nếu có nhiều hơn một ứng dụng hay cài đặt nhanh được sử dụng, Dynamic Island cũng sẽ phân bố hai bên của khu vực chiếm dụng, mỗi bên cho một tác vụ riêng biệt.
Về cơ bản, người dùng có hai thao tác khi dùng Dynamic Island. Khi chạm vào khu vực này, bạn sẽ truy cập vào ứng dụng đang sử dụng, ngược lại máy sẽ rung phản hồi để cho biết hiện đang không có tác vụ nào. Chạm và giữ vào thanh Dynamic Island, bạn sẽ mở ra thông báo nổi (pop-up) của ứng dụng đó, cho phép chỉnh sửa và thay đổi các cài đặt nhanh.
Đánh giá sự tối ưu trên Dynamic Island: mượt mà, nhưng sự tùy biến còn chưa nhiều!
Quá mượt mà!
Apple đã quá nổi tiếng về việc tối ưu trải nghiệm vuốt chạm của người dùng trên iOS. Dynamic Island cũng không phải ngoại lệ. Mọi hiệu ứng trên Dynamic Island đều cực kỳ trơn tru, từ việc mở rộng thông báo, hiện pop-up hay phản hồi lại trước thao tác của người dùng đều được xử lý rất tròn trịa.
Thậm chí, kênh The Verge đã làm thử nghiệm quay chậm lại hiệu ứng đóng mở của Dynamic Island. Và quả thực, chuyển động của khu vực này đã được Apple tối ưu quá tốt.
Vẫn bị chiếm dụng khi xem video toàn màn hình
Với đa phần video hiện có trên YouTube (tỷ lệ khung hình 16:9), người dùng có thể trải nghiệm bình thường mà không bị Dynamic Island chiếm dụng. Tuy nhiên, khi mở một video YouTube với tỷ lệ màn hình 18:9, ngay lập tức một phần video bị “lẹm” vào khu vực đục lỗ này.
Mặc dù vậy, điều này lại không xảy ra với một số ứng dụng hệ thống, như AppleTV chẳng hạn. Apple đã tối ưu hiển thị trên những ứng dụng này bằng cách thu hẹp lại chiều rộng của video. Do đó, kể cả những video tỷ lệ 21:9 được phát trên AppleTV cũng không bị “lẹm” vào, nhưng khi này diện tích hiển thị của video bị thu hẹp lại khá đáng kể.
Điều này từng diễn ra tương tự trên dòng iPhone 13, khi mà việc thay đổi kích thước tai thỏ khiến nhiều ứng dụng chia sẻ video như YouTube gặp vấn đề liên quan đến tối ưu hiển thị. Do đó, chúng ta nên chờ thời gian để những ứng dụng trên được cập nhật và thích ứng với thiết kế màn hình mới trên iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.
Tương thích ứng dụng bên thứ ba còn chưa tốt
Lấy ví dụ với Telegram. Khi sử dụng, dòng chữ tiêu đề Telegram luôn luôn bị che trong cụm Dynamic Island, trong khi phần tên nhóm chat và biểu tượng cài đặt nhanh thì bị làm nhỏ hơn, khiến các thao tác trở nên kém liền mạch.
Mặt khác, số lượng ứng dụng được Dynamic Island hỗ trợ còn chưa nhiều. Ngoài ứng dụng hệ thống ra, chưa có nhiều ứng dụng bên thứ ba được hỗ trợ và tối ưu. Dưới đây là danh sách những ứng dụng và cài đặt nhanh có thể được sử dụng trên Dynamic Island.
Ứng dụng và cài đặt nhanh sử dụng dạng Thông báo
- FaceID;
- AirDrop;
- Mở khóa với Apple Watch;
- Pin yếu và sạc pin;
- Phím tắt;
- Cần gạt rung;
- Tìm iPhone;
- Thông báo sử dụng GPS hay Microphone.
Ứng dụng và cài đặt nhanh sử dụng dạng động:
- Gọi điện (trình gọi mặc định hay Telegram, v.v…);
- Ứng dụng nghe nhạc (Spotify, Apple Music, v.v…);
- Đếm giờ;
- Bản đồ;
- Ghi âm;
- Ghi màn hình;
- Điểm truy cập di động.
Tất nhiên chúng ta cần thời gian để thiết kế màn hình mới này có thể tương thích và hỗ trợ nhiều tác vụ hơn. Và điều thú vị là, đã có nhiều ứng dụng được phát hành nhằm tận dụng một cách tối đa Dynamic Island, một trong số đó có thể kể tới Hit The Island, một tựa game lấy cảm hứng từ trò chơi ping-pong. Theo đó, người dùng sẽ điều khiển quả bóng của mình qua lại hai thanh ngang (một trong số đó là Dynamic Island) lâu nhất có thể. Điểm đặc biệt là Dynamic Island khi này sẽ tương tác với mỗi lần quả bóng đập vào thanh ngang phía trên, tạo ra sự thú vị cho người chơi.
Tạm kết
Tóm lại, màn hình Dynamic Island là một công nghệ vô cùng độc đáo mà Apple trang bị trên dòng flagship cao cấp nhất của hãng, nhằm tạo ra sự khác biệt trên thị trường điện thoại thông minh đã tiệm cận đến độ bão hòa, nhàm chán. Tuy nhiên, cũng giống như tai thỏ từng xuất hiện trên iPhone X năm 2017, chúng ta sẽ phải chờ một thời gian để các nhà lập trình cũng như chính Apple tối ưu, tùy biến Dynamic Island tốt hơn nữa, phù hợp hơn nữa với nhu cầu hiển thị của người dùng.