Anh em có thấy sự kiện công nghệ đang ngày càng nhàm chán không? Hàng năm có biết bao nhiêu là sự kiện công nghệ hay ho ra mắt nhưng sức hút của chúng lại ngày càng giảm. Như mình, ngày trước mình hay đón xem sự kiện đến từ Samsung với Unpacked, hay là Huawei khi những chiếc điện thoại dòng P hay dòng Mate ra mắt và đương nhiên rồi đó là sự kiện thường niên của Apple. Nhưng mà cho đến 2 năm gần đây, mình gần như chỉ theo dõi sự kiện thường niên của Apple và sự kiện ra mắt những chiếc điện thoại gập mới của Samsung. Lý do tại sao? Chắc nhiều anh em khác cũng sẽ cùng đưa ra một lý do như mình đó là việc sự kiện chưa diễn ra nhưng cái gì anh em cũng đã biết đến 90% rồi.
Vâng, mình đang đề cập đến một vấn đề đó là những thông tin của sản phẩm bị lộ ra (leak) trước ngày ra mắt.
Không có gì quá lạ lẫm với những tin leak này. Nó thực sự quá phổ biến và thường xuyên được các trang báo công nghệ đưa tin hay xuất hiện trên Twitter của những “nhà tiên tri” công nghệ nổi tiếng như Ming-Chi Kuo chẳng hạn,… Thậm chí với những tin leak về các sản phẩm của Apple, còn có hẳn một trang tên AppleTrack chuyên kiểm chứng độ uy tín của mỗi tin leak ra có liên quan… Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây là những thông tin lộ ra ngày càng nhiều và nó đang thực sự ảnh hưởng đến những sản phẩm bị lộ ra thông tin trước ngày ra mắt.
Trong năm 2021,chúng ta đã chứng kiến việc Apple rất mạnh tay với các leaker đến từ Trung Quốc. Hãng nhấn mạnh những leaker này vì họ đưa quá nhiều thông tin dự đoán. Họ “dự đoán” quá đúng, đúng y hệt những gì khi sản phẩm mới ra mắt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của Apple và hãng đã quyết định mạnh tay cảnh cáo những leaker này.
Không chỉ Apple, Samsung cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Cũng trong năm nay, Samsung đã sử dụng các biện pháp khiếu nại về bản quyền để gỡ bỏ hình ảnh và video từ các leaker trên toàn thế giới.
Những động thái này của Apple hay Samsung không có gì quá ngạc nhiên bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh và sản phẩm của các thương hiệu. Tất cả những người đưa thông tin dự đoán không chính thống đều là vi phạm pháp luật và các hãng có thể kiện họ bất cứ lúc nào. Những thông tin đó có thể là tích cực, cũng có thể là tiêu cực nên ảnh hưởng tới nhãn hàng là không hề nhỏ. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm khi người dùng hiểu sai về sản phẩm, đặc biệt là giai đoạn truyền thông bùng nổ như hiện nay.
Các sự kiện ra mắt không còn thú vị nữa
Khi anh em đã biết được hết thông tin của một sản phẩm thì liệu anh em có đó chờ sự kiện đó nữa? Với mình câu trả lời là không. Ví dụ việc mình đã biết được hầu hết những thứ sẽ có trong Unpacked lần này của Samsung, vậy tại sao chúng ta phải theo dõi sự kiện và những sản phẩm có trong đó chứ? Mình chỉ việc sáng hôm sau đọc một bài tổng hợp trên Vật Vờ Studio thôi, vậy là xong!
Với mình hiện tại sự kiện của Apple vẫn còn hấp dẫn là bởi vì những tin leak về sản phẩm của hãng đa số chỉ là thông số phần cứng, nếu có tính năng cũng chỉ là giới thiệu qua loa. Tại các buổi sự kiện ra mắt của Apple hãng vẫn thu hút người theo dõi với những tính năng mới trên iOS mà họ phát hành, thể hiện được sự phối hợp nhịp nhàng giữa cả phần cứng và phần mềm của họ. Mình cũng phải thừa nhận một số bản iOS gần đây của Apple là có lỗi nhưng về cơ bản, trên sân khấu khi ra mắt đây vẫn là một trong những điểm thu hút người xem.
Kết luận
Như mình đã đề cập ở trên, tin leak có tin tốt cũng có tin không hề tốt, nhưng dù tốt hay không tốt thì nó đều ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các hãng. Những tin leak cũng “giảm bớt” đi phần nào sự hứng thú của người dùng với sản phẩm tại buổi ra mắt của nó. Mặc dù, việc đưa “tin leak”, “tin rò rỉ” lên các trang mạng xã hội dần trở thành thói quen, món ăn không thể thiếu trước mỗi sự kiện ra mắt sản phẩm mới. Nhưng tuy nhiên khi mà chính các ông lớn công nghệ cũng đang rất gay gắt trong vấn đề này thì chúng ta cũng nên có một góc nhìn khác đi về việc này.