Xiaomi đã chính thức công bố Xiaomi 15 với nhiều nâng cấp mới về hiệu năng, dung lượng pin cho đến hệ thống camera. Bên cạnh đó, có một thay đổi khác liên quan đến cảm biến vân tay mà nhiều người dùng không để ý. Theo đó, vân tay trên Xiaomi 15 đã chuyển sang dạng siêu âm, cho tốc độ và khả năng nhận dạng tốt hơn so với trước kia.
Cảm ơn cửa hàng Hậu Store đã hỗ trợ Vật Vờ Studio thực hiện bài viết này.
Xiaomi 15 trang bị vân tay siêu âm
Trước đây, các dòng flagship của Xiaomi như Xiaomi 12, Xiaomi 13 hay Xiaomi 14 được trang bị cảm biến vân tay quang học. Khi ngón tay chạm vào vị trí cảm biến, thiết bị sẽ phát ra một lượng ánh sáng nhỏ. Cảm biến sẽ thu thập hình ảnh 2D của vân tay người dùng, sau đó đối chiếu với cơ sở dữ liệu bên trong hệ thống. Mặc dù cho tốc độ khá tốt, song cảm biến quang học trên Xiaomi 13 hay Xiaomi 14 có những điểm yếu như khó nhận dạng khi chạm nhanh hay ngón tay bị ướt.
Đến Xiaomi 15, hãng cuối cùng đã trang bị cảm biến vân tay siêu âm (ultrasonic fingerprint reader). Theo công bố của hãng, cảm biến này cho tốc độ mở khoá nhanh hơn 25% khi mở sáng và lên đến 50% khi tắt màn hình.
So sánh vân tay giữa Xiaomi 15 và Xiaomi 13
Để kiểm chứng, mình có thử thiết lập và so sánh vân tay giữa Xiaomi 15 (cảm biến vân tay siêu âm) và Xiaomi 13 (cảm biến vân tay quang học).
Trước hết, vân tay trên Xiaomi 15 cho tốc độ nhận dạng nhanh hơn so với Xiaomi 13. Tuy nhiên, mình chỉ nhận ra sự khác biệt rõ rệt khi quét vân tay ở trạng thái tắt màn hình. Còn khi mở sáng, tốc độ cả hai không chênh lệch nhiều. Về cơ bản, cảm biến quang học trên Xiaomi 13 đã cho tốc độ mở khoá tương đối nhanh.
Tuy nhiên, khoảng cách bắt đầu nới rộng khi thử nghiệm trong những điều kiện phức tạp hơn. Đầu tiên, mình có thử chạm ngón tay rất nhẹ vào cảm biến trên hai chiếc máy. Với Xiaomi 15, thiết bị lập tức nhận dạng và tiến hành mở khoá. Trong khi đó, Xiaomi 13 liên tục báo lỗi và yêu cầu mình chạm tay trong thời gian lâu hơn.
Tiếp đến, mình tiến hành đổ một ít nước vào cảm biến trên hai thiết bị cũng như đầu ngón tay. Với Xiaomi 15, máy vẫn cho tốc độ nhận dạng rất nhanh, không khác biệt so với trường hợp sử dụng thông thường. Trên Xiaomi 13, cảm biến vẫn có thể nhận dạng khi ngón tay ướt, tuy nhiên xác suất thành công sẽ thấp hơn. Thực tế với mỗi 5 lần chạm, thiết bị sẽ nhận dạng thành công từ 2 – 3 lần.
Một khác biệt nữa giữa hai thiết bị đến từ vị trí đặt cảm biến. Như bức hình dưới đây, có thể thấy vân tay trên Xiaomi 15 được đặt ở vị trí khá cao, chiếm đến một phần tư chiều dài máy. Theo chia sẻ của CEO Lei Jun, khu vực vân tay trên chiếc máy này nằm ở “vị trí vàng” vì vừa dễ thao tác, vừa tạo cảm giác công thái học. Trong khi đó, vân tay trên Xiaomi 13 được đặt thấp hơn, chiếm khoảng một phần tám chiều dài thiết bị.
Điều này dẫn đến những sự khác biệt khi mở khoá vân tay trên hai chiếc điện thoại này. Nếu dùng bằng một tay, Xiaomi 15 cho thao tác chạm tiện hơn đáng kể, vị trí đủ cao để mình không phải “rướn” ngón tay. Trong khi đó, khi sử dụng Xiaomi 13, mình thường xuyên phải bẻ cong ngón tay cái mới có thể tiếp cận được cảm biến.
Thế nhưng, trong những trường hợp phải mở khoá bằng mã PIN, thao tác trên Xiaomi 13 lại có lợi hơn. Thật vậy, hàng phím số trên chiếc máy này có vị trí khá vừa vặn, ngón tay của mình có thể với đến những chữ số ở góc như 3 hay 9 mà không gặp khó khăn. Trong khi đó, việc đặt cảm biến vân tay cao vô tình đẩy hàng phím số trên Xiaomi 15 lên một vị trí khá khó thao tác. Trên thực tế, vẫn có những trường hợp người dùng phải nhập mã PIN để mở khoá, chẳng hạn như sau khi mở khoá vân tay sai nhiều lần, khởi động lại thiết bị hay sau mỗi 72 giờ.
Đây là điều người dùng phải đánh đổi nếu muốn sở hữu cảm biến vân tay với “vị trí vàng”. Thế nhưng, Xiaomi hoàn toàn có thể bố trí lại màn hình mở khoá theo cách tốt hơn. Chẳng hạn, trên những mẫu máy vivo xách tay chạy OriginOS, màn hình mở khoá bằng PIN và vân tay được đặt độc lập với nhau. Trong một số trường hợp, người dùng có thể nhập mã PIN một cách tiện lợi mà không sợ hàng phím số bị đẩy lên quá cao.
Tạm kết
Nhìn chung, việc chuyển từ cảm biến vân tay từ quang học sang siêu âm là một trong những nâng cấp đáng chú ý trên Xiaomi 15 series. Nhờ đó, việc mở khoá thiết bị trở nên nhanh chóng và chính xác hơn ngay cả khi ngón tay bị ướt, dính bẩn. Chưa kể, công nghệ vân tay siêu âm còn giúp tăng độ bảo mật vì nó tạo ra hình ảnh 3D chi tiết của vân tay thay vì chỉ chụp ảnh 2D như cảm biến quang học thông thường.
Trên thực tế, cảm biến vân tay siêu âm đã xuất hiện từ những năm 2019 trên Galaxy S10 series. Thế nhưng, phải đến năm 2024, công nghệ này mới được “phổ cập” tới nhiều flagship khác nhau trên thị trường. Tháng 8 năm nay, Pixel 9 series ra mắt và là dòng điện thoại đầu tiên của Google trang bị vân tay siêu âm. Và đến tháng 10/2024, hàng loạt flagship Trung Quốc như Xiaomi 15 series, OnePlus 13, HONOR Magic 7 series hay vivo X200 Pro cũng đã trình làng và tích hợp công nghệ mới mẻ này.
Hi vọng, trong thời gian sắp tới, các hãng điện thoại sẽ đưa cảm biến vân tay siêu âm xuống các dòng máy thấp cấp hơn. Nhờ đó, người dùng có thể trải nghiệm công nghệ hứa hẹn này mà không cần phải chi quá nhiều tiền cho một chiếc flagship.
Comments