Tin tức

Windows 11 Moment 5 sắp phát hành: Bản cập nhật lớn cuối cùng dành cho Windows 11 sẽ có gì?

0

Bản cập nhật lớn thứ 5 (Moment 5) dành cho Windows 11 dự kiến sẽ được phát hành vào tháng 2 năm 2024. Bản cập nhật này sẽ mang đến ít tính năng hơn so với các bản cập nhật lớn trước đây dành cho Windows 11, thay vào đó Microsoft sẽ thực hiện một số điều chỉnh cần thiết cho Windows để tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA – Digital Markets Act).

Dưới đây là những thông tin được cập nhật mới nhất về bản cập nhật Windows 11 Moment 5.

Thời điểm phát hành

Theo trang tin Windows Central, bản cập nhật lớn tiếp theo dành cho Windows 11 dự kiến được hoàn thiện vào đầu tháng 2 và sẽ được triển khai vài tuần sau đó. Thông qua các nguồn tin nội bộ, bản cập nhật này được Microsoft đặt tên là “February 2024 Moment”, ẩn ý rằng nó sẽ được phát hành chính thức vào khoảng tháng 2 sắp tới.

Tương tự các bản cập nhật lớn trước đây, Moment 5 sẽ được phát hành thông qua Windows Update. Windows 11 Moment 5 có thể sẽ được đưa vào gói phát hành March 2024 (tháng 3/2024) sau khi cung cấp dưới dạng bản cập nhật xem trước (Preview) vào cuối tháng 2.

Bản cập nhật Moment 5 sẽ chỉ được phát hành tới người dùng đang chạy Windows 11 phiên bản 23H2, tức là người dùng buộc phải nâng cấp từ các phiên bản Windows 11 thấp hơn trước khi muốn cập nhật bản Moment 5. Dự kiến đây cũng là bản cập nhật lớn cuối cùng dành cho Windows 11 trong năm 2024 trước khi phiên bản hệ điều hành kế tiếp (được đồn đoán là Windows 12 với tên nội bộ là Hudson Valley) sẽ ra mắt vào cuối năm.

Cập nhật chung

Bản cập nhật Moment 5 dành cho Windows 11 mang đến một số cải tiến về khả năng tương tác, chẳng hạn như khả năng viết trực tiếp vào các thanh tìm kiếm bằng bút cảm ứng. Đây là tính năng mà các nền tảng khác đã sở hữu từ lâu và bây giờ mới được xuất hiện trên Windows. Điều này giúp cho quá trình sử dụng Windows với bút cảm ứng trở nên thân thiện hơn khi người dùng không còn phải nhập chữ thông qua bàn phím ảo trên màn hình nữa.

Là một phần trong những thay đổi để tuân thủ Đạo luật DMA, Microsoft dự kiến sẽ cho phép người dùng gỡ cài đặt nhiều ứng dụng tích hợp sẵn trong Windows hơn nữa. Các ứng dụng đó có thể bao gồm Cortana (Trợ lý ảo), Camera (Máy ảnh), Photos (Hình ảnh) và đặc biệt nhất là trình duyệt Edge. Đây có thể là lần đầu tiên Microsoft cho phép người dùng gỡ hoàn toàn trình duyệt mặc định Edge khỏi Windows.

Bên cạnh đó, giao diện Windows Search đang dần cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm bên thứ ba như Google hay Yahoo có thể phát triển một plug-in (tạm dịch: trình tích hợp) cho khung tìm kiếm của Windows. Nhờ đó, người dùng hoàn toàn có thể thay đổi công cụ tìm kiếm mặc định từ Bing sang Google, Yahoo,…

Windows 11 Moment 5 cho phép người dùng có thể thoải mái đặt tên PC hơn

Microsoft đang thực hiện một số tinh chỉnh nhỏ với tính năng Nearby Share (Chia sẻ lân cận) được tích hợp sẵn trên Windows. Theo đó, thay vì bị giới hạn một số ký tự như “[Phím cách]”, “.”…, Nearby Share dự kiến cho phép người dùng có thể đặt tên thiết bị một cách thoải mái hơn như “Laptop của tôi”. Microsoft hé lộ rằng tính năng Nearby Share sẽ được cải thiện về tốc độ nhận gửi với bản cập nhật Moment 5.

Ngoài ra, Microsoft cũng cho biết rằng Windows Spotlight (tính năng lấy hình nền trong ngày từ Bing) sẽ được đặt làm cài đặt hình nền mặc định kể từ bản cập nhật Moment 5. Tính năng này chỉ có hiệu lực nếu người dùng đang sử dụng một trong các hình nền Windows được tích hợp sẵn. Nếu đang sử dụng hình nền tùy biến, tùy chọn Windows Spotlight sẽ không được tự động bật.

Windows Copilot hiện đang là trình trợ lý ảo tiên tiến nhất của Microsoft trên Windows

Với Copilot, Microsoft sẽ thực hiện một số cải tiến để tối ưu trải nghiệm sử dụng. Đầu tiên, Copilot sẽ trở thành một thành phần độc lập trong Windows, hoạt động tương tự như một ứng dụng bình thường thay vì chỉ tích hợp vào các thanh bên trong một số ứng dụng. Nhờ đó, người dùng hoàn toàn có thể truy cập vào Copilot ngay qua menu Windows ALT + TAB, giúp việc chuyển trang bằng phím tắt trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn. Copilot giờ đây cũng hoạt động trên nhiều màn hình khác nhau, giúp người dùng có thể truy cập trợ lý ảo này ở bất kỳ màn hình làm việc nào.

Cuối cùng, Microsoft đang thực hiện những thay đổi nhỏ đối với tính năng Cast (chiếu màn hình) trong giao diện Quick Setting (Cài đặt nhanh). Theo đó, giao diện mới của Cast sẽ được mô tả rõ hơn về tính năng và cách hoạt động cho người mới sử dụng. Windows cũng sẽ tự động đề xuất sử dụng tính năng Cast bất cứ khi nào phát hiện người dùng đang đa nhiệm giữa nhiều cửa sổ và màn hình làm việc khác nhau.

Bảng Widget

Giao diện Widget hiện nay của Windows

Với tính năng Widget, Microsoft đang cố gắng chỉnh sửa lại giao diện và tính năng để tuân thủ đạo luật DMA. Thay đổi đáng kể nhất chính là việc Microsoft sẽ vô hiệu hóa tích hợp trình thông tin Microsoft News, cho phép người dùng có thể hoàn toàn tắt tính năng này trong giao diện của Widget. Đây cũng là lần đầu tiên Microsoft cho phép người dùng được tùy chỉnh hoàn toàn giao diện Widget theo nhu cầu hay sở thích cá nhân.

Ngoài việc vô hiệu hóa trình thông tin, Microsoft cũng đang làm cho các khối Widget có thể tương tác được, đồng nghĩa với việc các dịch vụ tin tức bên thứ 3 có thể phát triển một plug-in (tạm dịch: trình tích hợp) dành riêng cho giao diện Widget. Chẳng hạn như việc Google News hay Apple News hoàn toàn có thể phát triển một plug-in riêng dành cho Windows Widget và người dùng có thể cài đặt các trình tin tức đó nếu họ ưa chuộng chúng hơn các dịch vụ có sẵn của Microsoft News.

Cập nhật ứng dụng

Notepad giờ đây đã có trình đếm ký tự

Một số ứng dụng mặc định trên Windows cũng sẽ nhận được một số thay đổi thông qua bản cập nhật Windows 11 Moment 5. Đầu tiên là Notepad, ứng dụng này sẽ được bổ sung thêm khả năng đếm số lượng ký tự và hiển thị ở góc dưới của giao diện. Hơn nữa, phím tắt “Chỉnh sửa bằng Notepad” cũng sẽ được xuất hiện nhiều hơn trong menu chuột phải đối với các loại tài liệu hoặc văn bản được hỗ trợ.

Tab “Arcade” sắp sửa được tích hợp vào Microsoft Store thông qua bản cập nhật Moment 5

Bên cạnh đó, Microsoft Store sẽ được cập nhật với tab “Arcade” hoàn toàn mới, cho phép người dùng truy cập nhanh vào một số trò chơi mà không cần phải tải xuống. Các tựa game được tích hợp hầu hết đều khá đơn giản, phù hợp để người dùng Windows có thể giải trí nhanh trong lúc đợi ứng dụng của mình hoàn tất quá trình tải về. Microsoft Store cũng sẽ được tối ưu lại giao diện và tốc độ truy xuất, giúp cho người dùng có thể truy cập cũng như tải về ứng dụng nhanh hơn so với trước đây.

Windows 365

Giao diện đăng nhập vào Windows Cloud PC

Trong thời gian qua, Microsoft đang cho thấy nỗ lực tích hợp Windows 365 vào hệ điều hành Windows 11. Với bản cập nhật Moment 5 sắp tới, Microsoft sẽ tiếp tục cải thiện trải nghiệm người dùng với Windows 365 như khả năng cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tùy chỉnh trang đăng nhập vào Cloud PC bằng logo của riêng họ. Microsoft cũng sẽ bổ sung thêm một nút truy cập ngay trong giao diện Task View để ngắt kết nối nhanh khỏi Cloud PC và quay trở về Windows 11 cục bộ của cá nhân người dùng.

Cuối cùng, Microsoft sắp ra mắt một chế độ mới cho Windows 365 Boot mang tên Dedicated Mode (Chế độ chuyên dụng), cho phép khởi động nhanh vào Windows 365 Cloud PC ngay từ thiết bị cục bộ mà công ty cấp cho người dùng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể đăng nhập một cách liên tục và liền mạch vào Windows 11 với các phương thức xác thực không cần mật khẩu như Windows Hello for Business (Windows Hello dành cho doanh nghiệp). Chế độ này cũng mang đến trải nghiệm chuyển đổi nhanh giữa các hồ sơ hoặc tài khoản khác nhau; cá nhân hóa với tên người dùng (Username), mật khẩu và ảnh đại diện cho từng hồ sơ khác nhau.

Trợ năng

Windows 11 Moment 5 sẽ cho phép người dùng tạo thêm các phím tắt trợ năng mới

Cuối cùng, Microsoft đang thực hiện nhiều cải tiến đối với một số tính năng liên quan đến trợ năng được tích hợp sẵn trong Windows 11. Voice Access (Quyền truy cập giọng nói) sẽ hỗ trợ ở nhiều màn hình, giúp cho người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói ở nhiều màn hình khác nhau thay vì chỉ có màn hình chính như trước đây. Hơn nữa, Voice Access dự kiến sẽ bổ sung hỗ trợ thêm các ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha (Tây Ban Nha, Mexico).

Voice Access cũng sở hữu một tính năng mới mang tên “phím tắt giọng nói”, cho phép người dùng tạo ra các lệnh tùy chỉnh sử dụng giọng nói để kích hoạt. Chẳng hạn như việc người dùng có thể thiết lập một phím tắt bằng giọng nói để mở một tập tin bất kỳ trong Windows theo nhu cầu cá nhân.

Narrator (Tạm dịch: Trình tường thuật, giúp người gặp khiếm khuyết có thể sử dụng Windows dễ dàng hơn) cũng sẽ nhận được một số thay đổi bao gồm khả năng xem trước giọng nói của trình hỗ trợ. Ngoài ra, Narrator sẽ sử dụng quyền truy cập giọng nói (Voice Access) để mở ứng dụng, kiểm tra chính tả và tương tác với các thành phần khác trên màn hình thông qua giọng nói. Các lệnh như “speak faster” (nói nhanh hơn) hay “read the next lineS” (đọc dòng tiếp theo) sẽ hoạt động với quyền truy cập giọng nói.

Theo: Windows Central

10 công cụ AI được sử dụng nhiều nhất 2023: ChatGPT dẫn đầu, Google Bard xịn nhưng không vào top 5

Previous article

Xiaomi công bố biểu tượng chính thức cho HyperOS

Next article