Gần đây, Google đã hợp tác cùng Samsung để tạo nên một con chip riêng dành cho những thiết bị của mình. Và vi xử lý đó mang tên Google Tensor được trang bị trên chiếc điện thoại cao cấp nhất của hãng là Google Pixel 6 Pro.
Và không chỉ Google, rất nhiều các hãng công nghệ khác cũng đang nghiên cứu để tự phát triển nên một nền tảng chip riêng dành cho những thiết bị của mình và điều này sẽ sớm trở thành xu hướng. Vậy tại sao các hãng lại muốn tự phát triển một con chip riêng và lợi ích của việc này là gì thì hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay.
Với mong muốn làm chủ về mọi mặt các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung, Huawei hay mới đây là Google đã tự phát triển chip bán dẫn để trang bị trên các sản phẩm của mình. Con chip của các hãng trên sử dụng cùng một cấu trúc ARM với đặc tính nhỏ gọn, tiết kiệm năng lượng và cho hiệu năng cao.
Với con chip riêng do chính các hãng sản xuất còn đem lại một hiệu năng tốt hơn rất nhiều trên các thiết bị của họ. Không đâu xa, như Apple năm ngoái đã ngừng sử dụng chip Intel để tự sản xuất và trang bị con chip M1 trên những chiếc MacBook của mình. Kết quả là con chip M1 được nhận nhiều lời khen từ hiệu suất cho đến khả năng tiết kiệm. Rõ ràng với cấu trúc ARM trên Apple M1 đã cho hiệu năng sử dụng mạnh hơn hẳn so với cấu trúc x86 của những con chip Intel được trang bị trên MacBook. Và năm nay Apple đã có thể đường hoàng tuyên bố ngừng sử dụng những con chip Intel trên MacBook của mình và thay vào đó là M1 Pro, M1 Max.
Với thiết bị do chính mình tự sản xuất thì các hãng cũng hoàn toàn có khả năng để học hỏi theo Apple, phát triển nên những nền tảng chip riêng cho hiệu năng cũng như khả năng tiết kiệm pin là tốt hơn so với những con chip mua từ các bên sản xuất.
Việc tự sản xuất chip cũng mang lại khả năng tối ưu được về phần cứng lẫn phần mềm. Ví dụ với những chiếc Google Pixel, lâu nay ta đã được biết đến với khả năng chụp ảnh đẹp. Những bức ảnh của Google Pixel luôn làm hài lòng người dùng với chi tiết ảnh tốt, trung thực cũng như cho khả năng chụp đêm bá đạo. Tuy nhiên, hãng lại gặp phải vấn đề về khả năng quay video khi cho chất lượng quay video trái ngược với chụp hình. Lý do của việc này là do sự tối ưu không được đồng đều giữa nền tảng chip (phần cứng) với phần mềm (thuật toán camera) nên sau nhiều đời Pixel khả năng quay video trên Pixel vẫn chưa được cải thiện quá nhiều.
Do phần mềm phát triển nhưng phần cứng không phù hợp, lạc hậu nên Google Pixel muốn tự tạo ra riêng một con chip riêng. Với vi xử lý riêng, phần cứng và phần mềm của máy sẽ được tối ưu với nhau, từ đó mà máy vận hành tốt hơn về mọi mặt từ hiệu năng đến camera, pin…
Một lý do nữa cũng cực kỳ quan trọng là về chi phí. Gần đây các con chip Snapdragon đến từ Qualcomm đang càng ngày càng tăng giá, đặc biệt là trên những con chip cao cấp như Snapdragon 888. Và chính vì điều này các hãng không hề muốn bị rơi vào tính thế bị động, giá cả chip cao nhưng vẫn bắt buộc phải mua.
Việc tự sản xuất chip tuy sẽ mất khá nhiều vốn, thời gian, công sức cũng như nhân lực nhưng sau khi đã tự sản xuất được vi xử lý cho riêng mình thì vấn đề phải phụ thuộc vào các bên cung ứng chip sẽ không còn nữa. Với việc tự chủ được linh kiện, thiết bị các hãng công nghệ sẽ tối được giá cả từ đó mang đến cho người dũng những sản phẩm mới với mức giá hợp lý hơn.
Ngoài ra với việc tự chủ, các hãng sẽ không còn phải quá lo lắng về vấn đề thiếu hụt chip từ các bên cung ứng, nhà sản xuất chip trong thời điểm dịch bệnh phức tạp những năm gần đây.
Comments