Vật Vờ Đánh giá

Trên tay nhanh kính VR Meta Quest 3: một trải nghiệm độc đáo và thú vị

0

Meta Quest 3 là chiếc kính thực tế ảo mới nhất của thương hiệu Meta (công ty mẹ của Facebook, Messenger, Instagram…). Với thiết kế được tinh chỉnh, màn hình sắc nét hơn, khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ và bộ xử lý mạnh mẽ hơn, Quest 3 mang đến trải nghiệm thực tế ảo vượt trội hơn với thế hệ tiền nhiệm Quest 2.

Thông số chi tiết

Tên sản phẩmMeta Quest 3
Trọng lượng515 gram
Màn hìnhTấm nền: 2 x LCD (thấu kính Pancake)
Độ phân giải: 2.208 x 2.064
Tần số quét: 72 – 120Hz
Góc nhìn: 110° ngang – 96° dọc
Vi xử lýSnapdragon XR2 Gen 2
Bộ nhớ8/128GB, 8/512GB
Pin & SạcKhoảng 2h
Sạc 18W (có sẵn trong hộp)
KhácWi-Fi 6E

Trên tay nhanh Meta Quest 3

Meta Quest 3 mang đến ngoại hình đơn giản và khá thân thiện với 3 màu trắng, xanh và đen tương phản. Dù chỉ được làm từ chất liệu nhựa nhưng khả năng hoàn thiện của sản phẩm lại khá tốt; các mép nhựa được làm rất chỉn chu và không hề có bất kỳ chi tiết thừa nào. Ngoài ra, bề mặt nhựa được hoàn thiện dạng nhám sần giúp việc lau chùi khi có vết bẩn bám lên trở nên dễ dàng hơn.

Thiết bị AR này có khối lượng tương đối nặng là 515 gram. Bù lại, phần dây cố định được làm từ vải cho độ co giãn và thoáng khí rất tốt, giúp việc đeo chiếc Meta Quest 3 này trở nên thoải mái hơn. Khu vực tiếp xúc với da mặt được lót bằng một lớp đệm lưới, mang lại trải nghiệm khá êm ái và thoải mái. Tuy nhiên, về lâu dài phần đềm xốp này có thể thấm, hút mồ hôi trong quá trình sử dụng, có thể gây ra mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, phần đệm xốp này cũng không có khả năng tháo rời như chiếc Quest 2 được.

Dây đeo rất mềm, thân thiện với da và cho độ co giãn rất tốt

Ngoài ra, nếu đeo trong khoảng 30 phút trở lên phần đệm mắt của chiếc kính này sẽ gây ra vết hằn trên da. Do đó người dùng cũng cần cân nhắc sử dụng thiết bị này trong một khoảng thời gian nhất định.

Ở mặt trước, thiết bị có hàng loạt camera và cảm biến đo chiều sâu. Khác với phiên bản Quest 2 tiền nhiệm vốn chỉ sử dụng camera trắng đen, chiếc Meta Quest 3 đã được trang bị camera màu với độ phân giải được cải thiện đáng kể (2064×2208  so với 1832×1920 trên Quest 2). Điều này giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm thực tế ảo khi sử dụng ở chế độ Passthrough (Nhìn thấy môi trường xung quanh). Dù vẫn chỉ sử dụng tấm nền LCD cho mỗi thấu kính nhưng đây cũng là một nâng cấp đáng giá so với thế hệ tiền nhiệm

Mặt trước của Quest 3 với hệ thống camera và cảm biến

Điểm mới trong thiết kế của khu vực tiếp giáp với mặt trên Quest 3 đó là khả năng điều chỉnh được khoảng cách giữa khuôn mặt và thấu kính. Bên trong khoang kính, ta sẽ nhận thấy có 2 nút nhấn. Khi đó người dùng có thể nhấn giữ đồng thời 2 nút này và kéo ra hoặc vào nhằm điều chỉnh khoảng cách giữa thấu kính và mặt. Việc này không chỉ giúp điều chỉnh góc nhìn hẹp hay rộng mà còn giúp những người bị cận có thể dễ dàng đeo kèm kính trong quá trình sử dụng mà không lo chà xát vào thấu kính của thiết bị.

Trước khi sử các nội dung thực tế ảo, việc thiết lập không gian an toàn là vô cùng cần thiết để tránh va vào đồ xung quanh khi di chuyển. Quest 3 có 2 cách thiết lập vùng an toàn bao gồm lựa chọn ranh giới cố định và thiết lập theo quy mô phòng, trong đó Cách thiết lập 2 là phương pháp mới khi chiếc Quest 3 sẽ tự động nhận diện căn phòng khi mình đi lại xung quanh.

Thông qua hệ thống cảm biến mới, người dùng giờ đây đã có thể sử dụng chính bàn tay và các cử chi như chạm hai đầu ngón tay, kéo, giữ để thực hiện một số chức năng mà không cần đến bộ điều khiển. Các cảm biến này cũng hoạt động tương đối nhạy khi có thể nhận diện bàn tay đang ở vị trí nào, ngửa tay hay úp tay,… Nhưng để tận dụng tối đa khả năng mà chiếc Quest 3 này mang lại, bộ đôi tay cầm vẫn là lựa chọn ưu tiên.

Tay cầm của Meta Quest 3
Tay cầm của Meta Quest 3
Tay cầm của Meta Quest 3
Tay cầm của Meta Quest 2
Tay cầm của Meta Quest 2
Bộ tay cầm trên Meta Quest 3

Một điểm đáng khen trên nữa trên Quest 3 chính là bộ điều khiển của thiết bị này bởi nó đã loạt được bỏ hoàn toàn các vòng cảm biến thường thấy ở các phiên bản tiền nhiệm. Nhờ đó, nó cũng hạn chế được các hư hỏng cảm biến do va chạm hoặc rơi rớt trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, thay vì phải sử dụng thao tác trượt trên tay cầm của Quest 2, người dùng giờ đây chỉ cần nhấn nhẹ vào nút ấn nhỏ để bật nắp đậy và thay pin. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng mình thấy rất tinh tế và đáng giá.

Hộp đựng của Meta Quest 3 (tặng kèm cả củ và cáp sạc C-to-C 18W)

Về dung lượng pin, theo chia của người dùng trên mạng xã hội thì chiếc Quest 3 có thời gian sử dụng và sạc pin đều vào khoảng 2 giờ. Đây là khoảng thời gian vừa phải để người dùng sử dụng chiếc kính này và nghỉ ngơi, tránh các tác hại liên quan đến mắt khi phải tiếp xúc trong thời gian dài. Ngoài ra, nếu có nhu cầu buộc phải sử dụng lâu hơn, người dùng có thể trang bị thêm bộ Strap (dây) kèm pin đến từ các thương hiệu bên thứ 3 để gia tăng thời gian sử dụng.

Một số ảnh chụp màn hình từ Meta Quest 3

Tạm kết

Meta Quest 3

Meta Quest 3 hiện đang được bán với giá niêm yết từ 499,99$ cho bản 128GB (khoảng 12 triệu đồng) và 649,99$ cho bản 512GB (khoảng 15,7 triệu đồng). So với chiếc Quest 2 tiền nhiệm, Meta Quest 3 rõ ràng là một bản nâng cấp vượt trội với màn hình màu sắc nét hơn, vi xử lý mạnh mẽ hơn và hàng loạt trang bị hiện đại khác. Nhìn chung đây là một sản phẩm phù hợp với nhóm người muốn tìm đến những trải nghiệm độc đáo, thú vị và mang nhiều hướng tương lai hơn.

1 năm dùng bàn phím WIWU Mag Touch cho iPad Pro: Chỉ 1,2 triệu mà đa dụng hơn Magic Keyboard

Previous article

Trải nghiệm Trozk Beeper: Sạc dự phòng mà có thể gửi và nhận tin nhắn

Next article

Comments

Comments are closed.