Góc nhìn

Đứng top 5 thị trường điện thoại toàn cầu, Transsion là hãng nào mà mạnh vậy?

0

Ngoài những ông lớn quen thuộc như Samsung, Apple thì trong top 5 thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới xuất hiện một cái tên mới: Transsion. Thoạt nghe, Transsion có thể xa lạ với nhiều người Việt, thế nhưng thương hiệu này đã hoạt động trong lĩnh vực smartphone từ rất nhiều năm trước với các thương hiệu con là: Tecno, Itel và Infinix. Với đà phát triển này, Transsion được kỳ vọng sẽ bay cao hơn nữa trên thị trường điện thoại thông minh, bám sát những cái tên khác như Xiaomi, OPPO hay vivo.

Sự vươn lên ấn tượng của Transsion

Transsion là một tập đoàn công nghệ di động có trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Công ty được thành lập vào năm 2006 bởi ông Zhu Zhaojiang, một kỹ sư có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực di động. Transsion sở hữu tới 7 thương hiệu con khác nhau, tuy nhiên nổi bật hơn cả có thể kể đến Infinix, Tecno và iTel.

Thực tế, thị phần của Transsion luôn duy trì ổn định từ năm 2021, ngay cả khi dịch COVID-19 đang tung hoành khắp thế giới. Song, đến năm 2023, thương hiệu này vươn lên nhanh trong với mức tăng trưởng tới 48% so với cùng kỳ. Trong bảng xếp hạng thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới của Canalys, Transsion xếp vị trí thứ 5, vượt trên vivo và bám sát OPPO.

Tại châu Phi, Transsion thống trị hoàn toàn với thị phần 48%. Tức là khi ra đường, cứ 2 người dân châu Phi là có 1 người dùng điện thoại của Infinix, TECNO hay iTel. Còn ở Đông Nam Á, Transsion cũng thể hiện sức mạnh đáng gờm khi đứng thứ 4 về thị phần, có cùng 15% như Xiaomi. Thậm chí, tại Philippines, thương hiệu này chiếm thị phần cao nhất với hơn 30%.

Lợi thế của Transsion

Rõ ràng, đây là “những số liệu biết nói”, phản ánh vị thế đáng gờm của Transsion trong thị trường điện thoại thông minh thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á. Vậy, đâu là lý do dẫn tới sự phát triển ấn tượng này?

Tại nước ngoài, Transsion lựa chọn hướng đi thông minh khi đánh thẳng vào châu Phi, Ấn Độ hay Philippines. Đây đều là những thị trường đông dân, thu nhập không quá cao cùng tỉ lệ người dùng sở hữu điện thoại chưa cao. Transsion đánh trúng nhu cầu người dùng khi tung ra những chiếc điện thoại chỉ có giá 3 – 4 triệu đồng mà vừa có màn hình lớn, pin tốt cho đến hiệu năng cao.

Tại Việt Nam, Transsion phủ rộng nguồn cầu bằng cách bán trên cả các đại lý chính thống cũng như sàn thương mại điện tử. Với người dùng phổ thông, họ chỉ cần ra các cửa hàng như Thế Giới Di Động, CellphoneS hay Hoàng Hà Mobile để chọn máy. Trong khi đó, các bạn trẻ có thể tìm mua điện thoại của Infinix, Tecno trên Shopee hay TikTok Shop với giá tốt hơn, nhiều ưu đãi hơn. Tất nhiên, hầu hết sản phẩm của Transsion bán tại Việt Nam đều là hàng chính hãng, do đó người dùng yên tâm hơn khi sử dụng.

Infinix Note 30

Tất nhiên, không thể phủ nhận việc các sản phẩm đến từ Infinix, Tecno hay iTel đều có chất lượng rất tốt. Lấy ví dụ, trong tầm giá 4 triệu đồng, Infinix Note 30 sở hữu loạt thông số ấn tượng từ chipset Helio G99, 8GB RAM, 256GB ROM, màn hình 120Hz cùng sạc nhanh 45W. Với các thương hiệu khác, một chiếc điện thoại có thông số như vậy thường có giá ít nhất từ 6 triệu đồng.

Cùng có phân khúc giá như Infinix Note 30, Tecno POVA 5 cũng là chiếc máy rất đáng cân nhắc. Máy cũng sử dụng con chip Helio G99, màn hình 120Hz hay sạc 45W, thế nhưng dung lượng pin đã được nâng lên 6.000mAh. Đây là lựa chọn hàng đầu cho những ai cần một mẫu máy có pin tốt, màn hình lớn, phù hợp để xem phim, giải trí hay chạy xe dịch vụ.

Tecno POVA 5

Nhận định: Transsion sẽ vươn lên trong tương lai

Tóm lại, với hướng đi này, Transsion được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Không chỉ các quốc gia thu nhập trung bình thấp như châu Phi, Đông Nam Á, thương hiệu này còn có thể chạm tới những thị trường khó tính như châu Âu, Đông Á hay kể cả Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, Transsion đang đứng trước cơ hội lớn. Khi những ông lớn đang chật vật và có xu hướng rút khỏi thị trường nước ta thì Infinix, Tecno hay iTel hoàn toàn có thể chiếm lấy “mảnh đất” còn dang dở này. Bằng cách phát triển các mẫu máy giá tốt và phù hợp với nhu cầu của người Việt, Transsion có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu Trung Quốc khác như realme, vivo hay OPPO.

Tuy nhiên, cá nhân mình vẫn muốn Transsion có những nước đi mới lạ hơn. Các sản phẩm đến từ Infinix, Tecno hay iTel vẫn đi theo lối mòn là cấu hình cao, giá rẻ. Nếu cứ bảo thủ mãi như vậy, thương hiệu sẽ rất khó phát triển vì lãi mỏng, không đủ bù vào chi phí sản xuất. Cần nhớ rằng, Vsmart từng có hướng đi tương tự như trên, và rồi phải rút lui do rất khó phát triển.

Transsion cũng cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa. Các mẫu điện thoại của thương hiệu này phần lớn tiếp cận người dùng trẻ thông qua Internet. Do đó, để đạt được sự phát triển bền vững, Transsion cần hướng đến đối tượng người đi làm thông qua các chiến dịch quảng cáo, marketing.

So sánh giá cước Data của FPT và các nhà mạng ảo khác: iTel, Wintel, VNSKY

Previous article

Đánh giá SIM iTel VIP: 40.000đ/tháng có 1GB tốc độ cao mỗi ngày, không giới hạn Facebook và YouTube

Next article