Nếu có trong tay 1,5 triệu và cần phải mua một chiếc điện thoại, đâu sẽ là lựa chọn của bạn? Một chiếc điện thoại mới, chính hãng với pin 5.000mAh cùng với thiết kế cổ điển? Hay là một chiếc iPhone cũ, nhỏ gọn nhưng chỉ với những tác vụ đơn giản đã khiến người dùng nóng bỏng tay?
Cá nhân mình không nghĩ vậy. Với chỉ với 1,5 triệu đồng, Google Pixel 3a sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên mình nghĩ đến. Và sau một thời gian trải nghiệm, mình đã phải thốt lên rằng: “Không phải iPhone 14 Pro hay Pro Max, đây mới chính là chiếc máy có “phần mềm gánh còng lưng phần cứng!””.
Pixel 3a ra mắt từ năm 2019, nên hiển nhiên việc tìm được một chiếc máy mới hay thậm chí là “nguyên seal” được xem như một nhiệm vụ bất khả thi. Chiếc máy mình đang sử dụng được mua qua tay người dùng trên nền tảng Facebook Marketplace, với giá chỉ 1,5 triệu. Bạn cũng có thể dễ dàng sở hữu chiếc máy này qua rất nhiều trang mua bán khác nhau như Shopee, Lazada hay Chợ Tốt chẳng hạn.
Điểm nhanh thông số trên Google Pixel 3a
Màn hình | 5,6 inch OLED, tần số quét 60Hz Độ phân giải: 1080 x 2220 pixels Kính bảo vệ: Corning Gorilla Glass 5 |
Hiệu năng | Qualcomm Snapdragon 670 (10nm) |
Hệ điều hành | Hỗ trợ: Android 12 (giao diện Pixel Experience) Có thể cài đặt: Android 13 (giao diện Pixel Experience) |
RAM/ROM | 4GB/64GB |
Dung lượng pin | 3000mAh Li-Po |
Sạc | 18W |
Camera | Camera sau: 12,2MP Camera trước: 8MP Hỗ trợ quay video 4K@30fps |
Thiết kế | Kích thước: 159.2 x 75.2 x 8.1 mm Khối lượng: 147 gram |
Snapdragon 670: đã xuống cấp, nhưng phần mềm lại quá tuyệt vời!
Thử xem, với một chiếc máy chạy chip Snapdragon 660, 665 hay 670, bạn sẽ làm được những gì?
Trên Pixel 3a, mình có thể tự tin làm mọi thứ! Từ việc sử dụng các ứng dụng hàng ngày, mạng xã hội, giải trí trên YouTube, TikTok hay kể cả chơi những tựa game nhẹ nhàng, máy đều thể hiện rất tròn vai.
Tất nhiên mình không đòi hỏi một con chip tầm trung đã 4 năm tuổi có thể hoạt động quá nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả như những Snapdragon 8+ Gen 1, Apple A16 Bionic hay Dimensity 9000 được. Hiện tượng khựng khung hình, giật lag khi sử dụng ứng dụng trên Pixel 3a vẫn xảy ra, đôi lúc khiến mình không thoải mái khi phải chờ các tác vụ mất quá nhiều thời gian để xử lý xong.
Về hiệu năng gaming, máy cũng bắt đầu tỏ rõ sự đuối thế. Khi trải nghiệm với tựa game LMHT: Tốc Chiến, máy có những khoảng giật lag rõ rệt, sự mượt mà cũng không duy trì đều trong suốt màn đấu, trong khi mức cài đặt đồ họa chỉ ở Thấp + 60FPS.
Sự yếu đuối của con chip thể hiện rõ nhất khi mình chụp ảnh. Thời gian trung bình để xử lý một bức ảnh được chụp trên máy dao động từ 4-5 giây, khi chụp đêm con số trên thậm chí còn lâu hơn thế. Trong khi với Pixel 3, 4XL hay 6, thời gian để máy hoàn tất việc xử lý nhanh hơn thế rất nhiều, chỉ rơi vào khoảng 1-1,5 giây. Điều này khiến mình không mấy thoải mái khi phải chờ quá lâu để có một bức ảnh hoàn chỉnh.
Nhưng, thứ lực vô hình đã “kéo” Snapdragon 670 trên chiếc máy lên một tầm cao mới, đó chính là sức mạnh phần mềm – với giao diện Pixel. Nếu như các bạn chưa biết, thì giao diện gần như thuần Google này được các nhà phát triển trích xuất lại từ những chiếc máy Google Pixel, đem lên các thiết bị khác dưới dạng ROM Cook mang tên Pixel Experience. Bản ROM này có nguyên một trang web được cập nhật hàng ngày cũng như thu hút hàng trăm nghìn lượt người dùng hàng tháng. Giao diện Pixel đã quá nổi tiếng với sự mượt mà, các biểu tượng và cử chỉ được làm rất tròn trịa và có đôi chút vui nhộn, tinh nghịch nữa.
Và giao diện này đã phát huy tác dụng trên những chiếc máy như Pixel 3a. Cùng với một cấu hình được cho là “yếu”, trong khi các hãng khác cố gắng làm mọi hiệu ứng thật nhanh để che giấu đi khuyết điểm cấu hình thì trên Google Pixel, chúng được làm chậm rãi hơn, từ từ hơn, y như trên iOS vậy. Điều này khiến những cử chỉ nặng về đồ họa, điển hình như khi vuốt về màn hình chính từ giao diện toàn màn hình của YouTube – trên các những chiếc máy khác trở nên khựng, lag và thiếu tự nhiên. Trong khi trên Pixel, chúng vẫn được xử lý rất trơn tru.
Hiếm khi trên Pixel 3a, mình nhận ra sự giật lag trong các hiệu ứng chuyển cảnh, vuốt chạm hay mở ứng dụng – điều mà hầu như không có một chiếc điện thoại nào cùng tầm giá làm được. Việc tùy biến gần như thuần Google, ít ứng dụng rác khiến Pixel 3a luôn luôn ổn định kể cả khi thực hiện vuốt chạm trên tác vụ nặng. Mặt khác, những tính năng được xem là “linh hồn” trên Google Pixel vẫn được giữ lại, như Active Edge giúp kích hoạt trợ lý ảo chỉ với việc bóp hai cạnh viền máy, vuốt cảm biến vân tay để mở thanh thông báo hay Now Playing – phát hiện các bài hát phát gần đó ngay cả khi đang tắt máy.
Nhìn chung, phần mềm là điểm khiến mình hài lòng nhất trên mẫu máy này, và cũng là lý do chính khiến mình quyết định sở hữu Pixel 3a, chứ không phải bất kỳ một chiếc flagship cũ hay giá rẻ nào khác.
Camera: cảm biến lỗi thời nhưng Google Camera lại làm quá tốt!
Một sự thật thú vị rằng Google đã sử dụng chung một cảm biến camera kể từ Pixel 3 cho đến tận Pixel 5a. Mặc dù chung một cảm biến, nhưng những nâng cấp về thuật toán giúp chất lượng hình ảnh mỗi đời Pixel lại được cải thiện hơn. Và chúng có một điểm chung: đều cho chất lượng ảnh rất tốt.
Sẽ chẳng sai khi mình có thể tự tin cho rằng Pixel 3a là mẫu máy chụp ảnh tốt nhất trong phân khúc dưới 2 triệu. Khi chụp, thoạt nhìn chúng ta có thể thấy ảnh trong khung xem trước trông rất tệ, nhưng sau khi bấm chụp và xử lý xong, chất lượng ảnh thay đổi một trời một vực. Mức độ chi tiết được tái tạo cực kỳ rõ ràng, ảnh sáng, dải nhạy sáng, độ tương phản hay mức độ bão hòa được thể hiện tương đối tốt.
Dưới đây là hai ảnh – ảnh bên trái được mình chụp màn hình xem trước, ảnh bên phải là ảnh sau khi đã được xử lý. Các bạn nghĩ sao về sự khác biệt giữa chúng?
Khi chuyển sang điều kiện thiếu sáng, Pixel 3a tiếp tục thể hiện sức mạnh phần mềm. Sự khác biệt giữa khung xem trước và ảnh chụp ra là rất rõ ràng, từ độ sáng, độ tương phản hay mức độ chi tiết đều có sự chênh lệch rất lớn.
Nhìn chung, mình có thể tự tin chụp ảnh với Pixel 3a trong hầu hết mọi điều kiện hằng ngày và có thể chia sẻ trực tiếp luôn. Để có được những bức ảnh tốt đến vậy với một cảm biến đã cũ kỹ, chắc chắn kẻ đứng sau chính là phần mềm, cụ thể ở đây là Google Camera. Theo đó, sau khi chụp ảnh, ứng dụng này sử dụng hàng loạt thuật toán phức tạp, phân tích chủ thể kỹ càng từ dữ liệu của hàng tỷ bức ảnh trên nền tảng lưu trữ Google Photo, làm sao cho ra bức ảnh được tốt nhất. Đó là lý do vì sao ứng dụng Google Camera cũng đã được trích xuất và chia sẻ sang nhiều dòng máy khác nhau như Xiaomi hay Samsung, với cảm biến cao cấp cùng phần cứng mạnh mẽ hơn, giúp tối ưu quá trình chụp ảnh.
Một số bức ảnh khác cho ra từ Pixel 3a.
Tóm lại, mình có thể tự tin khẳng định không có bất kỳ chiếc máy nào trong phân khúc có thể đánh bại được khả năng chụp ảnh trên Pixel 3a.
Còn những thứ khác thì sao? Ổn.
Màn hình và loa
Thiết kế màn hình mặt trước trên Pixel 3a làm mình liên tưởng đến dòng Xiaomi Redmi 6 và 6A đã ra mắt trước đó, với viền các bên dày và màn hình tỷ lệ dài. Máy vẫn sở hữu một màn hình ổn với tấm nền OLED 5,6 inch, độ phân giải FullHD+ và tần số quét 60Hz. Cá nhân mình đánh giá chất lượng màn hình ở mức khá, chi tiết, độ sáng hay góc nhìn ở mức đủ dùng, nhưng so với những chiếc flagship cũ khác như Xperia XZ1 thì vẫn thua kém về cân chỉnh màu sắc hay các công nghệ kèm theo.
Pixel 3a vẫn sẽ trang bị bộ đôi loa kép. Một bên được đặt ở cạnh dưới, bên còn lại được tích hợp trực tiếp vào mic thoại. Chất âm khá ổn, âm lượng lớn, không có hiện tượng rè khi để âm lượng tối đa, tuy nhiên các dải âm lại khá rời rạc và không được tách bạch.
Pin và sạc
Viên pin chỉ 3.000mAh không cho phép mình có thời lượng sử dụng quá tốt trên Pixel 3a. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày gồm lướt mạng xã hội, làm việc qua Telegram và giải trí nhẹ, mình có trung bình 4 giờ sáng màn hình với 4G. Máy cũng hỗ trợ sạc nhanh 18W qua cổng USB Type-C, tuy nhiên khi sạc, các bạn nên sử dụng chuẩn sạc PD (Power Delivery) với hai đầu dây là cổng USB Type-C để tránh tình trạng loạn cảm ứng, chết nguồn do sử dụng cổng sạc USB như thông thường.
Hệ điều hành và hỗ trợ cập nhật
Pixel 3a được cam kết hỗ trợ 3 bản cập nhật Android lớn. Tức là Android 12 sẽ là phiên bản Android lớn cuối cùng còn được hỗ trợ chính thức trên chiếc máy này. Mặc dù vậy, một điều may mắn là cộng đồng người dùng “vọc vạch” trên các thiết bị Pixel lại khá đông đảo. Bạn có thể dễ dàng mở khóa bootloader và cài những bản ROM Cook (có thể tìm kiếm trên cộng đồng XDA tại đường link dưới đây) nhằm tối ưu tốc độ và thêm nhiều tính năng đi kèm.
Tổng kết
Vậy, xét cho cùng, Google Pixel 3a phủ hợp với ai? Nếu bạn đang có một chiếc iPhone làm máy chính, đây là chiếc máy phụ hoàn hảo bạn có thể tìm được trong phân khúc giá rẻ. Hoặc nếu bạn là học sinh, sinh viên, không có tài chính dư dả mà vẫn muốn một chiếc máy nhỏ gọn, mượt mà và camera sau phải thật tốt, thì đây là lựa chọn cho bạn.
Các bạn nghĩ sao về chiếc máy này?
Comments