Những thuật ngữ như IP53, IP67, IP68 hay IP69K đã khá quen thuộc với hầu hết người dùng các thiết bị công nghệ. Chúng được gọi là tiêu chuẩn biểu thị cho khả năng kháng nước, kháng bụi bẩn của thiết bị điện tử, thường được áp dụng phổ biến trên điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh và một số thiết bị khác. Tuy nhiên, có một tiêu chuẩn khác ít thông dụng hơn, được gọi là tiêu chuẩn độ bền quân đội (MIL-STD-810), thường được trang bị trên một số thiết bị điện tử siêu bền. Vậy tiêu chuẩn này là gì? Chúng có thực sự mang lại lợi ích như tên gọi hay không?
MIL-STD (viết tắt của Military Standard) là một tiêu chuẩn chung về độ bền kỹ thuật được quân đội Mỹ thiết lập vào năm 1960 cho các trang thiết bị của họ. Để một thiết bị được cấp chứng chỉ MIL-STD, chúng phải trải qua tổng cộng 29 bài kiểm tra trong nhiều điều kiện vô cùng khắc nghiệt của môi trường. Cụ thể, chúng bao gồm:
- Test Method 500.6: Áp suất thấp;
- Test Method 501.6: Nhiệt độ cao;
- Test Method 502.6: Nhiệt độ thấp;
- Test Method 503.6: Sốc nhiệt;
- Test Method 504.2: Dung dịch có tính dễ cháy;
- Test Method 505.6: Giả lập bức xạ mặt trời;
- Test Method 506.6: Mưa;
- Test Method 507.6: Làm ẩm;
- Test Method 508.7: Nhiểm khuẩn bởi nấm;
- Test Method 509.6: Tạo sương muối;
- Test Method 510.6: Cát và bụi;
- Test Method 511.6: Giả lập trong môi trường dễ gây nổ;
- Test Method 512.6: Ngâm nước;
- Test Method 513.7: Thử nghiệm gia tốc;
- Test Method 514.7: Rung;
- Test Method 515.7: Nhiễm tạp âm;
- Test Method 516.7: Sốc;
- Test Method 517.2: Sốc pháo hoa;
- Test Method 518.2: Nhiễm axit;
- Test Method 519.7: Khả năng chịu đựng chấn động từ súng;
- Test Method 520.4: Kiểm tra lại nhiệt độ, làm ẩm, rung, rơi tự do;
- Test Method 521.4: Đóng băng, giả lập mưa băng;
- Test Method 522.2: Sốc bởi đạn bắn ra;
- Test Method 523.4: Rung ồn, tạp âm;
- Test Method 524.1: Đóng băng và để tan;
- Test Method 525.1: Kiểm tra tính toàn vẹn tín hiệu;
- Test Method 526.1: Va chạm trên đường ray xe lửa;
- Test Method 527.1: Kiểm tra rung, sốc, trong nhiều trường hợp thêm một lần nữa;
- Test Method 528.1: Kiểm tra rung bên trong thiết bị đặc biệt của tàu Hải Quân theo 2 trường hợp bên trong và bên ngoài môi trường thực tế.
Tuy nhiên, những bài kiểm tra trên chỉ dành cho các thiết bị, dụng cụ, vũ khí, máy móc,… phục vụ trong môi trường quân đội. Còn với những thiết bị công nghệ thông dụng hơn như máy tính xách tay, điện thoại, chúng chỉ cần vượt qua được một số bài kiểm tra cơ bản cần có như chống sốc, rơi, cát bụi, nước, nhiệt độ, áp suất, nấm mốc, muối, acid, v.v… là đã có thể vượt qua cuộc thử nghiệm và được cấp chứng chỉ độ bền quân đội.
MIL-STD-810G hiện là tiêu chuẩn độ bền quân đội được sử dụng phổ biến cho nhiều thiết bị công nghệ. Vào năm 2019, MIL-STD-810H được phát hành với những tiêu chuẩn khắt khe hơn so với MIL-STD-810G, tuy nhiên sự khác biệt giữa hai chuẩn này trên các thiết bị thông minh lại không quá rõ ràng, do đó một chiếc điện thoại đạt được tiêu chuẩn MIL-STD-810G hoàn toàn có khả năng vượt qua bài kiểm tra MIL-STD-810H.
Hiện nay, tiêu chuẩn độ bền quân đội MIL-STD-810G được áp dụng trên một số dòng điện thoại siêu bền như Doogee S88 Pro/ S97/ S97 Pro, Cat S62/ S62 Pro, dòng flagship của LG như G7, V40, G8, V50,… hay dòng Galaxy S Active của Samsung. Một số mẫu laptop Dell Latitude hay Lenovo ThinkPad cũng được trang bị thông số cao cấp này.
Một chiếc điện thoại hỗ trợ chuẩn độ bền quân đội sẽ thật sự cần thiết đối với một số người dùng có nhu cầu đặc thù, như làm việc tại các công trường xây dựng, phượt thủ hay một số hoạt động thể thao ngoài trời. Chúng có thể hoạt động bền bỉ trong nhiều môi trường khắc nghiệt như nóng ẩm, bụi bẩn hay sương muối,… trong một khoảng thời gian dài và có thể chịu đựng được những cú va đập với lực rất lớn. Tuy nhiên, một điểm trừ là những thiết bị trên thường rất to và nặng. Chúng khó cầm nắm, sử dụng và di chuyển một cách thoải mái, do đó những chiếc điện thoại như vậy thường không quá phổ biến với người tiêu dùng.
Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng điện thoại là thiết bị điện tử và chúng hoàn toàn có xác suất xảy ra hỏng hóc nếu chúng ta lạm dụng các tiêu chuẩn trên. Tiêu chuẩn kháng nước, kháng bụi hay độ bền quân đội chỉ thực sự hoạt động hiệu quả khi người dùng sử dụng máy móc một cách thông minh, tránh lạm dụng mức để rồi dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Một số thiết bị đạt tiêu chuẩn độ bền MIL-STD-810G bạn có thể tham khảo:
- Nokia 800 Tough
- Doogee S95 Pro
- Tablet Dell Latitude 7212
Comments