Một khảo sát mới đây từ Ting Mobile chỉ ra rằng, hơn 50% số người dùng sử dụng điện thoại với vòng đời trên 3 năm, thậm chí có tới 8% số người dùng sử dụng trên 5 năm. Điều đó chỉ ra rằng người dùng ngày càng lười thay đổi điện thoại. Vậy, lí do của việc này đến từ đâu?
Giá điện thoại ngày càng tăng cao
Kể từ sau màn “chào sân” của Apple iPhone X, các hãng điện thoại liên tục tăng giá bán flagship của mình. Ở thời điểm hiện tại, những chiếc máy có giá lên tới 1000 – 1200 USD như iPhone 12, 13 Pro Max hay Galaxy S22 Ultra, vivo X80 Pro có lẽ đã không còn quá xa lạ. Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các mẫu flagship cao cấp nhất đều có giá niêm yết ở mức 28-30 triệu đồng. Sau một thời gian ra mắt, iPhone 13 Pro Max vẫn có giá lên tới 27,5 triệu đồng hay Galaxy S22 Ultra vẫn đang ở mức 24,5 triệu đồng. Trên thực tế, không thể phủ nhận những chiếc điện thoại này đều thể hiện rất tốt, tuy nhiên cần nhìn nhận một cách thực tế rằng: việc đặt một mức giá bán quá cao khiến nhiều người dùng rất e ngại để chi tiền mua máy.

Nhiều năm về trước, đại đa phần các mẫu flagship đều chỉ có khoảng giá khoảng 600-700 USD. Đây là một mức giá tương đối dễ chịu cho một sản phẩm hội tụ đầy đủ công nghệ cao cấp nhất của năm. Thậm chí, một số mẫu máy với những trang bị flagship nhưng mức giá chỉ tầm trung đến từ OnePlus hay Pocophone cũng được ưa chuộng, tiêu biểu nhất là OnePlus 7 Pro hay Pocophone F1. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, thuật ngữ “flagship killer” dành cho các mẫu máy này đã dần biến mất khi các hãng bắt đầu nâng giá bán để gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Các hãng ngày càng lười thay đổi
Minh chứng rõ ràng nhất cho việc này đến từ chính Apple. Chúng ta đã thấy một thiết kế được Apple dùng đi dùng lại từ iPhone 6 đến tận iPhone SE 2022, hay iPhone 11 Pro Max cho tới iPhone 13 Pro Max đều không có quá nhiều khác biệt về mặt thiết kế bên ngoài. Với Apple, hãng thường chỉ thay đổi thiết kế hoàn toàn sau từ 3 đến 4 năm.
Với các thương hiệu Android, sự khác biệt giữa các mẫu máy qua các năm là cũng không nhiều. Tiêu biểu là ở phần màn hình khi chúng vẫn giữ thiết kế chung qua nhiều năm, thậm chí các mẫu máy của OPPO và OnePlus còn có màn hình gần như giống hệt nhau. Theo từng năm, các con chip giữa các hãng cùng không có nhiều thay đổi, người dùng thông thường cũng không cần một con chip quá mạnh nếu không có nhu cầu quá nặng. Hiện tại, nhiều mẫu máy từ năm 2020 vẫn có thể đáp ứng nhu cầu chơi game giải trí một cách mượt mà, không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm tổng thể.
Nhìn chung, các hãng điện thoại giờ đây sẽ tập trung chủ yếu vào việc thay đổi nhẹ ở thiết kế mặt lưng, nâng cấp một chút ở camera. Những thay đổi nhỏ này có lẽ là chưa đủ để người dùng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu các mẫu máy mới nhất, cao cấp nhất.

Trong khi, nhiều năm về trước, chúng ta đã từng chứng kiến những “concept” điện thoại vô cùng độc đáo. Có thể kể đến BlackBerry với những chiếc máy trang bị bàn phím QWERTY trứ danh, LG AKA với mặt sau có thể thay đổi trạng thái cảm xúc hay LG V20 với hai màn hình mặt trước,… Tuy nhiên đặc điểm chung của những mẫu máy trên, đó là không nhận được quá nhiều sự quan tâm từ người dùng. Chúng nhanh chóng chết yểu do sức bán kém. Để rồi cuối cùng, các hãng sản xuất lại đưa những chiếc máy của mình về với lối thiết kế cũ, mặc dù trông chúng khá nhàm chán, nhưng giúp hãng có được doanh số và lợi nhuận tốt hơn.

Một lý do có thể lý giải cho sự lười thay đổi của các hãng, là do thị trường smartphone nói riêng và công nghệ nói chung đã đạt tới trạng thái bão hòa. Những chiếc flagship cao cấp nhất như iPhone 13 Pro Max hay Galaxy S22 Ultra đều không có nhiều đột phá về thiết kế, khi chúng tuân theo một phong cách điện thoại dạng thanh đã quá an toàn. Việc làm cụm camera to ra như Xiaomi 12S Ultra hay trang bị màn hình thác nước, vát phẳng,… thực chất chỉ là những cố gắng của các hãng trong việc làm mới thiết kế, nhằm tạo ra sự khác biệt về tính nhận diện thương hiệu, chứ thực chất chưa hề thay đổi hoàn toàn trải nghiệm sử dụng của người dùng.

Dẫu vậy, việc tạo ra một chiếc smartphone đột phá chưa bao giờ được coi là ý hay. Chúng được xem là một quyết định đầy tính mạo hiểm, đôi khi dẫn đến sự thất bại của cả một dòng máy. Hãy lấy ví dụ từ Project Ara – một ý tưởng điện thoại thú vị của Google khi mà bạn có thể tự lắp ráp và thay thế các linh kiện điện thoại y hệt như một mô hình LEGO. Trên thực tế, đây được coi là một “concept” vô cùng sáng tạo và đột phá; nhưng những khó khăn trong việc gia công, sản xuất; cũng như việc người dùng không quá mặn mà khiến ý tưởng điên rồ này của Google nhanh chóng thất bại.
Tóm lại, việc tạo ra một chiếc điện thoại với lối thiết kế “an toàn” phần nào tạo cảm giác yên tâm cho người dùng. Dẫu vậy, điều này một mặt khiến nhiều tín đồ công nghệ mất đi sự hứng thú; từ đó khiến họ không quá mặn mà trong việc đầu tư cho một chiếc máy mới.
Hỗ trợ phần mềm ngày càng lâu
Một lý do nữa khiến người dùng ngại thay đổi điện thoại đến từ việc các nhà sản xuất ngày càng chăm chút cho phần mềm của mình, đặc biệt là khoản cập nhật lâu dài. Người dùng iPhone hiện tại đang được hỗ trợ phần mềm từ 4-5 năm sau khi máy ra mắt. Ở phiên bản iOS 16 mới nhất, iPhone 8 vẫn được hỗ trợ cập nhật dù đã ra mắt 5 năm trước đó. Đồng thời, hiệu năng của các mẫu máy này cũng ngày một cải thiện, vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của mẫu người dùng cơ bản. Đây có lẽ là lý do khiến người dùng ngày càng ít thay đổi điện thoại bởi mẫu máy của họ vẫn đang được hỗ trợ phần mềm liên tục.

Ngoài ra, mới đây Galaxy S10 Series hay A53, A73 cũng là những chiếc máy đầu tiên được Samsung hỗ trợ lên tới 4 bản cập nhật Android lớn và 5 bản cập nhật bảo mật. Đây có thể coi là một quãng thời gian đủ dài để người dùng có thể nghĩ đến việc đổi máy. Những mẫu máy khác thì hầu như đều đã được hãng hỗ trợ ít nhất là 2 năm nâng cấp phần mềm. Hơn thế nữa, sau những bản cập nhật chính thức, bạn hoàn toàn có thể cài các bản ROM Cook mới hơn, nhằm tối ưu hiệu năng cũng như đem trải nghiệm của những bản Android cao hơn trên một số dòng máy như Xiaomi hay OnePlus.
Tạm kết

Người dùng ngày nay thường có xu hướng chọn những sản phẩm thiên về sự ổn định và lâu dài, không chỉ về công nghệ mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Điều này khiến cho sự trung thành của người dùng với một hãng smartphone ngày càng cao; một mặt khác khiến cho cảm xúc được cầm, được trải nghiệm những chiếc máy mới trở nên dần phai nhòa. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ là sự lên ngôi của những chiếc điện thoại dạng gập. Chúng đột phá, làm mới hoàn toàn trải nghiệm người dùng và chắc chắn sẽ thay đổi sự nhàm chán của những chiếc điện thoại dạng thanh đang có.
Comments