Tin tức

Sự thật thú vị về mã QR: Vô vàn màu sắc, lượng mã nhiều hơn số nguyên tử vũ trụ,…

0

Quick Response Code, hay còn được gọi dưới cái tên mã QR, là một dạng mã vạch hai chiều được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Chúng giúp người dùng tra cứu thông tin sản phẩm, chia sẻ ảnh, video cho bạn bè; thanh toán mua hàng, dịch vụ cho đến khai báo y tế trong đại dịch COVID-19. Vậy nhưng, liệu các bạn có biết những sự thật thú vị đằng sau mã QR? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Mã QR đã được ra đời gần 30 năm trước

Ngược dòng lịch sử, mã QR được tạo ra vào năm 1994 bởi kỹ sư Masahiro Hara khi ông còn làm việc ở công ty Denso Wave. Ban đầu mã QR được tạo ra nhằm theo dõi và quản lý việc chế tạo những chiếc xe thông qua việc quét các mã được gắn trên chi tiết máy với tốc độ rất cao.

Ông Masahiro, cha đẻ của mã QR.

Về sau, mã QR nhanh chóng phổ biến trên toàn cầu nhờ tính tiện lợi rất lớn. Những ô vuông trong mã QR chỉ có thể nhận hai màu đen hoặc trắng, giống như việc một bit có thể nhận hai giá trị 0 hoặc 1. Máy tính từ đó có thể dễ dàng giải mã và cung cấp thông tin tới người dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Mã QR không nhất thiết phải có hai màu đen – trắng

Mã QR mà chúng ta hay gặp thường có hai màu đen và trắng. Trên thực tế, những ô vuông trên mã chỉ cần sử dụng hai màu sắc có độ tương phản đủ lớn để các thiết bị giải mã có thể nhận dạng. Cặp màu đen – trắng được sử dụng phổ biến trong đời sống, cũng như có độ tương phản tốt hơn cả nên được áp dụng để tạo mã QR.

Một số mã QR với màu sắc khác nhau.

Số mã QR có thể tạo ra còn lớn hơn số nguyên tử trong vũ trụ

Mã QR có nhiều phiên bản cùng với kích thước khác nhau. Theo Wikipedia, phiên bản mã QR lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Phiên bản 40, với tổng cộng 177 chấm ô vuông mỗi chiều cùng khả năng chứa đựng lên tới 23.624 bit dữ liệu. Và vì mỗi bit có hai trạng thái: đóng và mở, số mã QR có thể tạo ra với phiên bản mã này lên đến 2^23.624. Đây là con số vô cùng lớn, lớn hơn nhiều so với số nguyên tử hiện đang tồn tại trong vũ trụ khả kiến (xấp xỉ 10^80 hay 2^265 nguyên tử).

Một số loại mã QR phổ biến, từ Version 1 đến Version 40.

Do đó, có thể khẳng định chúng ta sẽ không thể sử dụng hết, dù là chỉ một phần nhỏ số mã QR tối đa có thể tạo ra.

Chúng ta có thể quét mã QR theo nhiều hướng khác nhau?

Bạn có đang tự hỏi ba ô vuông lớn ở ba góc của mã QR có tác dụng gì hay không? Thực ra, chúng được thiết kế để phục vụ việc xác định hướng của mã gốc. Nhờ đó, thiết bị đọc có thể xác định đúng chiều của mã QR và dễ dàng nhận dạng nội dung bên trong. Điều này cũng đồng nghĩa, việc bạn quay mã QR sang trái, sang phải, lật ngược hoặc để nghiêng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nội dung truyền tải của mã.

Thử nghiệm với một mã QR quay 90 độ, điện thoại vẫn có thể quét một cách chính xác.

Thông tin trên mã QR hoàn toàn có thể thay đổi

Hầu hết mã QR mà chúng ta quét hằng ngày là loại mã chỉ dùng một lần. Chúng không thể thay đổi nội dung bên trong, và được gọi là QR tĩnh. Một loại khác, ít phổ biến và khởi tạo phức tạp hơn có tên QR động. Về bản chất, mã QR động giúp bạn có thể chỉnh sửa thông tin theo thời gian mà không cần can thiệp vào mã. Khi quét, kết quả vẫn sẽ được hiển thị trên máy chủ, nơi cơ sở dữ liệu đã được lập trình để tương tác cụ thể với hình ảnh được quét.

Sơ lược cách hoạt động của mã QR động.

So với mã QR tĩnh, QR động có kích cỡ nhỏ gọn, có thể dễ dàng thay đổi thông tin bên trong trong khi vẫn có thể truy cập cũng như quét dữ liệu một cách bình thường. Do đó, chúng thường được sử dụng trong môi trường doanh nghiệp, kinh doanh hay một số cơ quan Nhà nước. Và không giống như QR tĩnh có thể khởi tạo và chia sẻ miễn phí, chi phí tạo một QR động thường rất cao.

Bạn có thể tìm hiểu cách tạo và chia sẻ mã QR tĩnh tại bài viết dưới đây.

Có thể quét mã QR mà không cần Internet

Trên lý thuyết, hầu hết mã QR bạn thường sử dụng đều không cần Internet để hoạt động. Mỗi một ô vuông trên mã đều được sắp xếp để lưu trữ một lượng dữ liệu nhất định, do đó toàn bộ nội dung muốn truyền tải đều đã được mã hóa và lưu trữ trên một mã QR duy nhất. Các thiết bị như điện thoại hay máy quét chỉ cần quét và giải mã những thông tin trên.

Tuy nhiên, với một số mã QR chứa đường dẫn hoặc yêu cầu trích xuất dữ liệu lên máy chủ như PC-Covid sẽ cần đến mạng Internet để hoạt động một cách ổn định nhất. Ngoài ra, mã QR động, vốn chứa một đường dẫn được nhúng và có thể thay đổi, cũng yêu cầu phải có mạng Internet để có thể hiển thị được những thông tin được mã hóa.

Mã QR không phải lúc nào cũng an toàn

Giống như mọi nội dung được chia sẻ công khai trên môi trường mạng, mã QR không phải lúc nào cũng an toàn. Kẻ xấu có thể truyền tải những nội dung đồi trụy, không lành mạnh và có thể ảnh hưởng xấu đến nạn nhân, đặc biệt là với trẻ em vốn hiếu kỳ và chưa nhận thức đầy đủ.

Ngoài ra, mã QR hoàn toàn có thể ẩn chứa mã độc, virus hay phần mềm gián điệp. Kẻ xấu có thể tạo ra một mã QR liên kết với các trang web ngân hàng giả mạo. Chúng có giao diện gần giống như trang web thật, dụ dỗ nạn nhân điền email và mật khẩu nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, một số mã QR có thể can thiệp và tùy chỉnh một số cài đặt trong hệ thống. Thông tin cá nhân, dữ liệu về hoạt động sử dụng và lịch sử vị trí của nạn nhân hoàn toàn có thể lộ ra và bị thu thập bởi các công ty bên thứ ba.

Do vậy, chúng ta nên nâng cao cảnh giác; không quét hay chia sẻ bất kỳ mã QR nào không rõ nguồn gốc, hoặc đến từ những trang web không chính thống. Một số tính năng giúp bảo vệ và diệt virus cũng nên được kích hoạt trên điện thoại. Ngoài ra, bạn cũng nên cài đặt hệ thống bảo mật 2 bước xác minh với tài khoản mạng xã hội và vô hiệu hóa tính năng chia sẻ vị trí để tránh kẻ xấu có thể lợi dụng để chiếm đoạt hay khai thác thông tin cá nhân.

Google và Apple gỡ tới 592,000 ứng dụng trong Q2/2022

Previous article

Giá dự kiến của Galaxy Z Fold4 và Z Flip4: Châu Âu tăng giá, Việt Nam bằng thế hệ trước?

Next article