Năm 2024 vừa qua, thị trường công nghệ tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tháng 10/2024, Viettel chính thức là nhà mạng đầu tiên thương mại hoá 5G tại nước ta. Đặc biệt, chuyến thăm của những CEO công nghệ lớn trên thế giới như Tim Cook hay Jensen Huang đã khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Tắt sóng 2G, chính thức thương mại hoá 5G
Những thông tin đầu tiên về 5G đã xuất hiện tại nước ta từ những năm 2018, tức 6 năm về trước. Đến tháng 5/2019, Viettel thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sớm nhất trên thế giới thử nghiệm mạng di động này.
Thế nhưng, phải đến tháng 10/2024, Việt Nam mới chính thức thương mại hoá mạng di động này. Điều này có nghĩa người dùng đã phải chờ hơn 5 năm để có thể đăng ký và sử dụng các gói cước 5G một cách đại trà. Dù thử nghiệm từ rất sớm, thế nhưng tốc độ thương mại hoá mạng 5G tại nước ta hiện chậm hơn một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Singapore.
Tuy nhiên, sau khi thương mại hoá, tốc độ tăng trưởng người dùng 5G tại nước ta tăng nhanh rõ rệt. theo VNExpress, chỉ sau nửa tháng triển khai, Việt Nam đã có 3 triệu người dùng mạng 5G của Viettel. Tốc độ tăng trưởng này hiện cao gấp đôi so với mạng 4G, triển khai cách đây 7 năm trước.
Ngoài Viettel thì một nhà mạng lớn khác của Việt Nam là VinaPhone đã thương mại hoá mạng 5G vào tháng 12/2024. Đáng chú ý, các thiết bị đang sử dụng gói cước 4G của nhà mạng này sẽ được tự động nâng cấp lên 5G miễn phí. Bên cạnh đó, nhờ hoạt động trên dải băng tần cao hơn, VinaPhone cũng được kỳ vọng đem lại tốc độ truyền tải và độ trễ ấn tượng hơn so với Viettel.
5G cũng đã mang lại những lợi ích đầu tiên đến người dùng nước ta. Theo VNExpress, sau khi triển khai 5G, tốc độ Internet di động trụng bình tại Việt Nam đã tăng tới 30%, xếp thứ 43 toàn cầu. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của một mạng di động tại Việt Nam, đồng thời cũng là tốc độ lớn nhất ghi nhận đối với mạng di động trong nước. Trong tương lai, 5G cũng sẽ mở ra rất nhiều tiềm năng khác nhau như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things) hay xe tự lái.
Song song với việc triển khai 5G thì, có một sự kiện đáng chú ý khác là Việt Nam chính thức tắt sóng mạng 2G. Trên thực tế, đây chỉ là một phần trong lộ trình dài khi hiện nước ta mới chỉ dừng dịch vụ cho các thiết bị dùng mạng 2G Only. Đến năm 2026, dự kiến sóng 2G sẽ bị tắt hoàn toàn.
Sau một thời gian triển khai, việc tắt sóng 2G đã mang đến nhiều lợi ích. Theo Znews, việc chuyển các thiết bị di động từ 2G lên 4G đã cải thiện doanh thu trung bình mỗi người dùng cho các nhà mạng. Về phía nhà bán lẻ, doanh thu smartphone giá rẻ tăng 30 – 40% mỗi tháng. Còn về phía người dùng, họ có cơ hội tiếp cận với các mẫu điện thoại đời cao hơn, hỗ trợ các mạng di động và dịch vụ tốt hơn trước.
Smartphone, laptop AI
Không thể phủ nhận trí tuệ nhân tạo đã trở thành xu hướng và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực trong tương lai. Xét về lĩnh vực AI tạo sinh (Generative AI), trào lưu này đã xuất hiện từ năm 2022 với các chatbot như ChatGPT hay Bard (sau này là Google Gemini). Thế nhưng, phải đến 2024 thì AI tạo sinh mới “nở rộ” trên điện thoại và máy tính.
Trên điện thoại, Samsung là một trong những cái tên đi tiên phong với Galaxy AI trên Galaxy S24 series. Sau đó, hãng tiếp tục phủ sóng trí tuệ nhân tạo tới nhiều dòng sản phẩm khác như Galaxy S23 series hay Galaxy Z Fold6.
Đến tháng 6/2024, Apple cũng bước chân vào cuộc đua AI với Apple Intelligence. Tại Việt Nam, người dùng sẽ được trải nghiệm bộ công cụ này với ngôn ngữ tiếng Việt, dự kiến trong năm 2025.
Các hãng Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Tại thị trường nước ta, OPPO Reno12 series và Xiaomi 14T là một trong những dòng máy đầu tiên trang bị các tính năng AI. Còn tại thị trường nội địa, hầu hết các thương hiệu như vivo hay HONOR đã giới thiệu các công cụ trí tuệ nhân tạo trên phiên bản hệ điều hành mới.
Trào lưu AI tạo sinh cũng xuất hiện trên laptop. Thậm chí, Microsoft còn giới thiệu một tiêu chuẩn riêng mang tên Copilot+ PC dành cho các mẫu laptop được thiết kế với trí tuệ nhân tạo.
Việc trang bị AI tạo sinh trên smartphone giúp các thương hiệu có hướng cạnh tranh mới khi cấu hình đã bão hoà. Song, ở thời điểm hiện tại, người dùng chưa thật sự hào hứng với trào lưu này. Theo khảo sát từ CNET, chỉ có 18% người dùng nâng cấp smartphone vì trí tuệ nhân tạo. Thay vào đó, họ vẫn đề cao các yếu tố khác như pin hay camera.
CEO nhiều tập đoàn công nghệ lớn đến Việt Nam
Ngày 5/12 vừa qua, Jensen Huang, CEO tập đoàn NVIDIA trở lại Việt Nam sau gần một năm. Tại đây, ông đã công bố hàng loạt quyết định mới như cam kết đầu tư 4 tỷ USD vào VN, mua lại công ty VinBrain và mở 2 trung tâm nghiên cứu và dữ liệu AI.
Đáng chú ý, NVIDIA chỉ là một trong số rất nhiều tập đoàn công nghệ khác đang có xu hướng đầu tư và chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam.
- Google mới đây đã xác nhận việc thành lập Google Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại nước ta.
- Theo VNExpress, Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triêu USD vào hoạt động sản xuất chip tại Bắc Giang. Trong khi đó, Meta có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo và SpaceX đã bày tỏ dự định đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam.
- Việt Nam đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, Lam Research, Qorvo, AlChip và có các công ty có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang nước ta.
Điều này chắc chắn sẽ thay đổi nước ta ở nhiều mặt khác nhau. Hai trong số những lợi ích bao gồm:
- Việc đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu trực tiếp tại VN sẽ làm giảm chi phí vận chuyển, tối ưu chuỗi cung ứng. Các sản phẩm được bán tại nước ta sẽ có giá rẻ hơn, dễ cạnh tranh và dễ bảo hành hơn.
- Với người dân, việc mở nhiều công ty, nhà máy sẽ giúp họ có thêm việc làm. Sâu xa hơn, Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Một trong những công ty lớn khác ngoài NVIDIA đã ghé thăm Việt Nam trong năm qua là Apple. Tháng 4/2024, CEO Tim Cook lần đầu tới nước ta và có sáu cuộc gặp gỡ với quan chức chính phủ, nhà phát triển phần mềm, nhà sáng tạo nội dung và nghệ sĩ. Ông cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư chất lượng cao tại nước ta.
Chuyến thăm của CEO Tim Cook cho thấy Apple đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm của Táo khuyết đã được sản xuất tại nước ta, chẳng hạn như AirPods hay MacBook.
Với Apple, một trong những điều người dùng nước ta kỳ vọng nhất là mở cửa hàng Apple Store vật lý. Ngoài ra, Táo khuyết cũng được kỳ vọng sẽ nâng thị trường Việt Nam lên mức (tier) cao nhất, giúp người dùng có thể mua iPhone cùng thời điểm với các quốc gia lớn như Mỹ hay Singapore.
Tham gia Record 2024 hoạt động bình chọn các sản phẩm được yêu thích nhất năm 2024 do Vật Vờ Studio và VT MEDIA tổ chức. Qua các phần bình chọn, người dùng có cơ hội nhận được những phần quà rất hấp dẫn. Bên cạnh các hạng mục bình chọn, người dùng có thể tham gia Minigame “Ông Hoàng Công Nghệ” diễn ra từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần với nhiều phần quà rất hấp dẫn. Ngoài ra còn các phiên đấu giá ngược diễn ra hàng tuần giúp các bạn có cơ hội mua được những món đồ công nghệ với mức giá bất ngờ. Truy cập Record 2024 tại đây. |
Comments