Góc nhìn

Cùng bán xách tay như Pixel, realme, nhưng sao người Việt ít dùng Nothing Phone thế?

0

Tại Việt Nam, người dùng chỉ có thể mua điện thoại của Nothing Phone thông qua con đường xách tay. Tuy nhiên, không giống với Google Pixel hay realme, sức hút của các sản phẩm Nothing kém hơn khá nhiều. Chưa kể, cộng đồng người dùng tại Việt Nam của thương hiệu này khá nhỏ, gây khó khăn cho việc bảo hành, sửa chữa về sau. Vậy, tại sao cùng bán xách tay như Pixel, realme, các mẫu điện thoại của Nothing lại kém chuộng tại Việt Nam vậy?

Không nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam

Những thông tin về Nothing đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2020. Đó là thời điểm mà nhà đồng sáng lập OnePlus, ông Carl Pei, từ chức để thành lập công ty riêng. Một thời gian sau, hãng mua lại Essential, úp mở khả năng trình làng một chiếc điện thoại mới mang tên Nothing.

Nothing Phone (1) chính thức ra mắt vào tháng 6/2022. Thời điểm đó, sản phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý với mặt lưng phát sáng “không giống ai cả”. Ngoài ra, giao diện NothingOS mượt mà cùng bốn viền màn hình mỏng đều cũng là một số yếu tố được người dùng quan tâm.

Sức hút của Nothing Phone (1) chỉ duy trì trong 2 tháng đầu, lúc sản phẩm mới xách tay về Việt Nam

Thế nhưng, sự chú ý về chiếc điện thoại này nhanh chóng sụt giảm. Dữ liệu từ Google Trends cho thấy lượng tìm kiếm về từ khoá Nothing Phone (1) chỉ duy trì tốt trong vòng 1 tháng, sau đó giảm nhanh và gần như không có sự phục hồi. Ngoài ra, các video đánh giá về sản phẩm này tại Việt Nam cũng không có số lượt xem quá cao.

Vào giữa năm 2023, Nothing tiếp tục trình làng phiên bản kế nhiệm mang tên Nothing Phone (2). Thế nhưng, máy đã không còn duy trì sức hút của sản phẩm này khi so sánh với thế hệ đầu tiên. Số lượng bài viết trên tay Nothing Phone (2) tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi các bài viết khác chủ yếu dịch từ nước ngoài.

Các hội nhóm Nothing Phone trên Facebook chỉ có khoảng 1 – 2 nghìn thành viên.

Đáng buồn thay, sau 2 năm xuất hiện trên thị trường, các cộng đồng người dùng Nothing Việt Nam trên Facebook chỉ có khoảng 1.000 – 2.000 người dùng. Dữ liệu từ Google Trends cũng chỉ ra, lượng tìm kiếm về Nothing Phone trên Google còn thấp hơn cả Motorola hay Meizu, hai thương hiệu điện thoại nhỏ của Trung Quốc. Chỉ hai yếu tố trên cũng đủ chứng minh chỗ đứng của Nothing tại thị trường nước ta.

Tại sao người Việt không chuộng Nothing Phone?

Sự lép vế của Nothing Phone tại Việt Nam có thể chỉ ra từ ba nguyên nhân chính gồm:

Không bán chính hãng tại Việt Nam: Khi mới ra mắt, Nothing Phone (1) được mở bán tại một số nước châu Á, thế nhưng đáng tiếc không bao gồm Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc vì nước ta là một trong những thị trường tiêu thụ điện thoại lớn. Bản thân OnePlus, nơi Carl Pei từng làm việc, cũng được bán chính hãng tại Việt Nam. Đây là lý do lớn nhất dẫn đến sự lép vế của Nothing tại nước ta.

Giá cao, cấu hình không mạnh: Đặt cạnh các sản phẩm cùng tầm giá, Nothing Phone (1) thua thiệt hoàn toàn về thông số. Cùng với giá 13 triệu thời điểm đó, người dùng có thể sở hữu Redmi K50 Pro với con chip Dimensity 9000 vô cùng mạnh mẽ. Chưa kể, ở phân khúc chính hãng, họ cũng có vivo T1 5G, một mẫu máy sở hữu cấu hình tương đương trong khi giá chỉ bằng một nửa. Ngay đến Nothing Phone (2) cũng nhận phải nhiều phàn nàn về việc giá cao, trong khi không đem đến trải nghiệm sử dụng khác biệt.

vivo T1 5G, một sản phẩm cấu hình cao, giá rẻ hiếm hoi của vivo

Không có điểm nổi bật, không mang nhiều giá trị thực tiễn: Cuối cùng, hãy đi thẳng vào vấn đề trên những chiếc Nothing Phone, đó là thiếu nổi bật.

Thoạt nghe, nhiều người sẽ phản đối điều này. Rõ ràng, Nothing Phone có mặt lưng đặc sắc đến thế cơ mà! Làm sao có thể tìm được một mẫu máy có gần 1.000 bóng LED phía sau và có thể phát sáng tuỳ theo sở thích của người dùng? Nghe thật hấp dẫn, thế nhưng, tất cả điều đó sẽ trở nên vô nghĩa khi người dùng đeo ốp, đặc biệt là những chiếc ốp tối màu hoặc có hình vẽ bên trên.

Chưa kể, thiết kế trên Nothing Phone cũng đi ngược lại theo thói quen sử dụng điện thoại của người dùng. Thông thường, họ sẽ đặt ngửa thiết bị lên bàn để tránh màn hình máy bị xước. Tất nhiên, toàn bộ tinh tuý trên mặt lưng Nothing Phone sẽ bị ẩn đi. Nếu muốn để lộ mặt lưng, người dùng buộc phải đánh đổi độ bền của màn hình.

Ở một khía cạnh khác, NothingOS cũng là điểm nhấn được Carl Pei đề cập tại các sự kiện ra mắt điện thoại. Thế nhưng, bản chất hệ điều hành này này vẫn rất giống so với Android thuần, chưa thể vượt ra ngoài như One UI hay ColorOS được. Trong khi đó, giao diện màn hình chính hay font chữ mới đều có thể tuỳ biến dễ dàng thông qua launcher bên thứ ba. Đã có thời điểm launcher của NothingOS được trích xuất và phát hành rộng rãi cho người dùng Samsung, Xiaomi hay OPPO.

NothingOS có giao diện phần mềm lạ mắt, thế nhưng chưa thật sự nổi bật

Tạm kết

Điện thoại xách tay thường hướng đến hai đối tượng người dùng chính: một là cần hiệu năng cao, giá rẻ và hai là cần trải nghiệm cao cấp trong mức giá tốt. Rõ ràng, cả Nothing Phone (1) và Nothing Phone (2) đều không thoả mãn hai điều kiện trên. Kết hợp với cộng đồng người dùng hạn chế, đó là lý do vì sao sức hút của hãng điện thoại này thua xa so với Google Pixel hay Xiaomi, realme, mặc dù cùng bán xách tay.

Microsoft đang buộc người dùng các phiên bản Windows 11 cũ lên 23H2 mới

Previous article

Windows 11 sắp tới có thể cập nhật bảo mật mà không cần khởi động lại máy tính

Next article