Theo thông tin mới từ chuyên trang Windows Central, các mẫu máy tính chạy Windows 11 sắp tới sẽ không cần khởi động lại máy để hoàn tất cập nhật bảo mật. Được biết, Microsoft hiện đang thử nghiệm tính năng này trên phiên bản Windows 11 mới nhất có trong kênh Dev Channel.
Cụ thể, Microsoft đang thử nghiệm phương pháp cập nhật “Hot Patching” trên phiên bản Windows 11 mới nhất trong kênh Dev Channel. Đây là phương pháp cho phép máy tính Windows cập nhật các bản sửa lỗi, bảo mật mà không cần khởi động lại máy tính. Trước đó, phương pháp Hot Patching đã được Microsoft áp dụng trên một số phiên bản Windows Server và các máy chơi game Xbox.
Windows Central cho biết, Microsoft đang muốn áp dụng phương pháp Hot Patching cho Windows 11 để cung cấp các bản cập nhật bảo mật hàng tháng mà không yêu cầu người dùng khởi động lại máy tính. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dùng sẽ không bao giờ phải khởi động lại máy mỗi khi cập nhật hoàn tất. Về cơ bản, phương pháp Hot Patching dựa trên các bản cập nhật cơ bản (baseline update), yêu cầu người dùng phải khởi động lại vài tháng một lần.
Nếu so với phương pháp cập nhật hiện tại, Hot Patching sẽ giảm thiểu số lần khởi động lại máy tính một cách đáng kể. Ví dụ, nếu có 12 bản cập nhật hàng tháng, phương pháp cập nhật hiện tại sẽ yêu cầu người dùng phải khởi động lại máy 12 lần. Tuy nhiên, với Hot Patching, số lần khởi động lại có thể giảm xuống chỉ còn 3-4 lần mỗi năm, giúp người dùng tiết kiệm được thời gian.
Theo nguồn tin của Windows Central, Microsoft dự kiến áp dụng phương pháp Hot Patching vào cuối năm nay cùng với phiên bản Windows 11 24H2 trên các máy x86-64. Đối với các thiết bị ARM64, chúng sẽ được hỗ trợ phương pháp này vào năm 2025 (thời gian có thể lâu hơn nếu xảy ra nhiều lỗi nghiêm trọng trong quá trình thử nghiệm). Hiện tại, vẫn chưa rõ phương pháp Hot Patching có hỗ trợ cho tất cả người dùng Windows 11 không, hay nó sẽ chỉ hỗ trợ cho các phiên bản Windows thương mại như Enterprise, Education hay Windows 365.
Theo: Windows Central