Ra mắt đầu năm 2019, Redmi Note 7 từng “làm mưa làm gió” trong phân khúc điện thoại giá rẻ. Thậm chí, nhiều người còn đặt cho chiếc máy này danh hiệu “smartphone quốc dân” nhờ có cấu hình quá tốt, viên pin lớn cùng mức giá rất dễ tiếp cận. Sau 5 năm ra mắt, Redmi Note 7 vẫn giữ lại những nét nổi bật ngày ấy. Với mức giá khoảng 1 triệu đồng, đây vẫn là lựa chọn tốt dành cho những người đang tìm kiếm một chiếc máy phụ, nghe gọi cơ bản và phát 4G.
Nhiều yếu tố hoài niệm trên Redmi Note 7
Cá nhân mình đã có thời gian khá dài sử dụng Redmi Note 7 như một chiếc máy chính. Thời đó, mình thật sự ấn tượng khi những gì sản phẩm đem lại quá xứng đáng với mức giá 4 triệu, từ mặt lưng kính, camera 48MP cho đến con chip Snapdragon 660. Đến nay, khi trên tay lại chiếc máy này, những ấn tượng vẫn còn vẹn nguyên. Thậm chí, nếu so với các phiên bản kế nhiệm như Redmi Note 12 hay Redmi Note 13, Redmi Note 7 vẫn có những điểm tốt hơn.
Mặt lưng kính: Vào thời kỳ 2018, 2019, các nhà sản xuất Android rất “hào phóng” khi trang bị những chất liệu cao cấp cho các sản phẩm giá rẻ, tầm trung của mình. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những Galaxy A8+ (2018) hay OPPO Reno2 F (2019) với mặt lưng kính cùng khung viền kim loại. Ngay cả một chiếc điện thoại chỉ có 4 triệu đồng như Redmi Note 7 cũng được trang bị mặt lưng từ kính.
Khoan bàn về khả năng tản nhiệt hay vẻ đẹp, mặt lưng kính hay kim loại tạo cảm giác chắc chắn và bền bỉ hơn nhiều so với nhựa. Trở lại Redmi Note 7, máy vẫn đem đến cảm giác khá sang, khả năng cầm nắm cũng rất thoải mái, không hề khó chịu. Thậm chí, mình thích cách bố trí camera cũng như cảm biến vân tay trên chiếc máy này hơn nhiều so với những chiếc điện thoại giá rẻ hiện tại.
Dù vậy, phải thừa nhận thực tế rằng chất liệu kính dần biến mất trên smartphone giá rẻ, tầm trung ngày nay. Những sản phẩm như Redmi Note 12 hay Redmi Note 13 đều dùng lưng nhựa, kém đẹp và sang hơn so với kính trên Redmi Note 7. Chuyển lên phân khúc tầm trung, Galaxy A55 5G là thiết bị hiếm hoi còn sở hữu khung viền kim loại. Còn lại, phần lớn thiết bị đều dùng khung viền nhựa nhằm tiết kiệm chi phí.
Camera 48MP: Redmi Note 7 là thiết bị đầu tiên trong dòng Redmi Note sở hữu camera chính 48MP. Sản phẩm cũng đánh dấu trào lưu camera độ phân giải cao, một trang bị vẫn được các hãng điện thoại duy trì cho đến tận ngày nay. Mặc định, ảnh cho ra sẽ không có độ phân giải 48MP, thay vào đó các hãng sử dụng thuật toán gộp điểm ảnh, ghép nhiều pixel nhỏ để tạo một pixel lớn hơn. Vì thế, ảnh cho ra có chất lượng tốt hơn, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng.
Hiện tại, hầu hết các mẫu điện thoại thông minh đều đã trang bị camera chính với độ phân giải cao (từ 48MP trở lên). Cả ống kính chính và góc rộng trên iPhone 16 Pro đều đã có độ phân giải 48MP. Thậm chí, camera chính trên Galaxy S24 Ultra còn lên đến 200MP. Ngay cả một chiếc smartphone giá rẻ như Redmi Note 13 cũng được trang bị camera độ phân giải 108MP.
Snapdragon 660: Có thể coi đây là một con chip “huyền thoại” của phân khúc giá rẻ. Thời điểm ấy, Qualcomm nổi lên như một thế lực khi sở hữu những chipset có mức P/P (Hiệu năng / Giá thành) rất tốt, trong đó bao gồm Snapdragon 660. Dù ra mắt từ 2017, thế nhưng sức hút của Snapdragon 660 lớn tới mức con chip này được trang bị trên cả những smartphone ra mắt năm 2019 (Redmi Note 7 hay Nokia 7.2).
Sức hút của Snapdragon 660 có thể so sánh với Helio G99 ở thời điểm hiện tại. Con chip đến từ MediaTek hiện được sử dụng trên rất nhiều mẫu máy khác nhau, chẳng hạn như Tecno POVA 6, Galaxy A15 4G, itel RS4 hay Infinix Hot 40 Pro. Cả hai con chip đều có điểm chung là hiệu năng rất tốt, khả năng tối ưu pin, nhiệt độ ổn cùng mức giá dễ tiếp cận.
Vẫn chạy được HyperOS!
Việc chạy một con chip Snapdragon còn giúp Redmi Note 7 hưởng lợi từ sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng người dùng cũng như nhà phát triển. Tại diễn đàn XDA Developers, thiết bị hiện có hơn 200 bản ROM tuỳ chỉnh (custom ROM) khác nhau và vẫn được cập nhật từng ngày.
Người dùng có thể dễ dàng tải xuống và cài đặt các bản ROM chạy Android 13, Android 14 lên Redmi Note 7. Thậm chí, một nhà phát triển đã phát hành bản ROM Android 15 cho thiết bị ngay cả khi hệ điều hành này chưa được Google phát hành chính thức.
Trong khi đó, mình đã cài đặt thành công HyperOS cho chiếc máy này. Bản ROM thiết bị sử dụng tên HyperUI Lite Stable, chạy trên nền Android 14. Nhìn chung, trải nghiệm HyperOS trên Redmi Note 7 vẫn khá ổn. Máy cho độ mượt ở mức trung bình, đổi lại được tích hợp nhiều tính năng và giao diện mới. Thậm chí, mình có thể cài đặt Magazine, một bộ hình nền nghệ thuật vốn chỉ hỗ trợ các mẫu máy Xiaomi đời cao.
Dùng hiện tại còn ổn không?
Nhờ lợi thế phần mềm, người dùng có thể cài đặt các bản ROM hay kernel từ bên thứ ba, qua đó cải thiện độ mượt so với MIUI mặc định. Thậm chí, các bản dựng này còn bổ sung thêm tính năng hữu ích, chẳng hạn như sao lưu ảnh không giới hạn qua Google Photos.
Về màn hình, Redmi Note 7 đáp ứng đủ hai tiêu chí gồm kích thước lớn (6,3 inch) và độ phân giải cao (Full HD+). Còn lại, thiết bị thiếu sót nhiều trang bị của năm 2024 như tần số quét cao hay tấm nền OLED. Tất nhiên, xét trên mức giá người dùng có thể mua, đây là điều không khó hiểu.
Về camera, Redmi Note 7 chỉ đủ dùng cho các nhu cầu chụp hình, quay video ở mức cơ bản. Người dùng có thể sử dụng các bản Google Camera từ bên thứ ba (chẳng hạn như GCam BSG) để cải thiện chất lượng so với ứng dụng gốc.
Nhìn chung, Redmi Note 7 là sự lựa chọn phù hợp cho các bạn học sinh, sinh viên chỉ dùng cơ bản hay những người đang tìm kiếm một chiếc máy phụ. Do đã ra mắt lâu, hiệu năng hay chất lượng màn hình trên thiết bị chỉ đủ đáp ứng ở mức vừa đủ, khó lòng phục vụ việc chơi game hay chụp ảnh lâu dài.
Comments