Vật Vờ Đánh giá

So sánh HyperOS và MIUI 14: Bản nâng tuyệt vời cho người dùng Xiaomi

0

HyperOS là giao diện người dùng mới nhất của Xiaomi được trình làng vào cuối tháng 10 vừa qua. Hiện tại, chỉ có người dùng Xiaomi 14 và Xiaomi 14 Pro mới được trải nghiệm loạt tính năng mới mà giao diện này đem lại. Đặt cạnh MIUI 14, HyperOS tỏ ra vượt trội hoàn toàn khi vừa chiếm ít bộ nhớ hơn, vừa mượt hơn mà vừa mang đến rất nhiều tinh chỉnh mới về màn hình khoá hay thanh Control Center.

Một số lưu ý về HyperOS

Thứ nhất, bản chất của HyperOS vẫn là Android. Sự khác biệt giữa HyperOS với MIUI là giao diện người dùng này có can thiệp sâu hơn vào phần lõi bên trong. Bên trên lớp nền là Android, Xiaomi bổ sung một nền tảng mới mang tên Vela. Nhờ đó, các thiết bị chạy HyperOS có khả năng tương thích ứng dụng tốt hơn, dễ đồng bộ với hệ sinh thái và thời lượng pin cũng tốt hơn.

Thứ hai, HyperOS trên chiếc Xiaomi 14 Pro này vẫn là bản nội địa và không có tiếng Việt. Những lỗi vặt khi sử dụng như chậm thông báo, văng ứng dụng vẫn diễn ra tương tự MIUI 14. Đổi lại, người dùng dễ dàng cài đặt Play Store, các tệp tin APK hay thậm chí là mở khoá bootloader để cài một bản ROM quốc tế.

Thứ ba, HyperOS sẽ có bản quốc tế chứ không độc quyền tại thị trường Trung Quốc như OriginOS. Giao diện dự kiến ra mắt toàn cầu vào đầu năm sau, cùng thời điểm với Xiaomi 14, Xiaomi 14 Pro chính hãng.

Màn hình khoá

Màn hình khoá cũng là một thay đổi đáng giá trên HyperOS. Sau một thời gian trải nghiệm, mình có thể khẳng định đây là giao diện người dùng được tuỳ biến màn hình khoá sâu nhất, mạnh mẽ nhất trên điện thoại.

Với hình nền, HyperOS cho người dùng rất nhiều bộ sưu tập khác nhau từ Classic, Rhombus hay thậm chí là Magazine. Mình rất ấn tượng với Magazine vì bộ sưu tập này biến màn hình khoá trở nên độc đáo hơn nhiều, tựa như trang bìa của những tờ báo lớn vậy. Ngược lại, MIUI 14 chỉ cho chúng ta thay đổi màn hình khoá từ một vài hình nền có sẵn hoặc ảnh chụp từ camera.

Với mỗi bộ sưu tập, HyperOS cho phép tuỳ chỉnh rất nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, với bộ sưu tập Classic mình có thể chỉnh font chữ, màu sắc, chữ ký cho đến hàng chục widget khác nhau. Thậm chí, với Magazine, mình còn thay đổi được cả chữ trên màn hình hay căn lề làm sao cho đẹp nhất.

Mình đánh giá rất cao cách làm này trên HyperOS. Người dùng có rất nhiều bố cục hình nền khác nhau chứ không bị giới hạn ở một vài mẫu đồng hồ hay font chữ có sẵn như iOS 17 hay Android 14 gốc. Ngoài ra, hình nền mới trên HyperOS còn có thể tương tác với Always-on Display. Khi tắt máy thì widget giờ và ngày tháng chuyển về giữa màn hình, trông đẹp và rất ấn tượng.

Giao diện

Giao diện màn hình chính trên cả hai hệ điều hành gần như tương đồng với nhau. Khác biệt lớn nhất mình nhận ra được là biểu tượng trên HyperOS được làm “3D hoá” hơn một chút, còn MIUI 14 thì phẳng hơn.

Với những ứng dụng hệ thống như Tin nhắn, Điện thoại hay File của tôi, các tiểu mục trên HyperOS sẽ được đẩy xuống dưới, trong khi MIUI 14 lại đặt bên trên. Ngoài ra, ứng dụng Thời tiết trên HyperOS cũng làm trực quan, các bảng thông tin nhìn rõ ràng và đẹp hơn MIUI 14.

Thanh Control Center mới trên HyperOS khá tương đồng so với iOS 17. Những cài đặt thường dùng như Wi-Fi hay 4G đẩy lên trên, trong khi những cài đặt ít dùng như Bluetooth hay Đèn pin thì được chuyển xuống dưới và ẩn tên nhãn (label).

Biểu tượng Wi-Fi, Bluetooth hay Màn hình trên HyperOS có giao diện khác một chút so với MIUI 14. Trong mục Pin, tất cả cài đặt như bảo vệ pin, số lần sạc đều được đặt chung trong cùng 1 màn hình. Trong khi đó, MIUI sắp xếp khá lộn xộn, khiến người dùng mất thêm thời gian nếu muốn bật sạc ngược không dây hay siêu tiết kiệm pin.

Một số tính năng khác

HyperOS có thêm tính năng hiển thị pop-up trạng thái khá giống với iPhone 14 Pro Max hay iPhone 15. Pop-up xuất hiện khi người dùng cắm sạc, chuyển chế độ âm thanh hay bật chia sẻ dữ liệu di động. Tuy nhiên, hiệu ứng trên HyperOS khá rời rạc, trông không được đẹp mắt.

Giao diện người dùng này cũng tích hợp thêm tính năng có tên Interconnectivity. Khi kết nối điện thoại với máy tính bảng hay laptop, người dùng có thể nghe gọi, đồng bộ thông báo hay chia sẻ ứng dụng giữa các thiết bị trên với nhau. Ngoài ra, HyperOS còn cho phép tách chủ thể, loại bỏ nền tương tự iOS 17.

Hoạt ảnh và độ mượt

Nhiều năm trở lại đây, MIUI thường xuyên nhận phải phàn nàn vì giật, lag và tối ưu hoạt ảnh không tốt. Kể cả với flagship cao cấp như Xiaomi 13 series thì tình trạng này vẫn xuất hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, lên HyperOS, mọi vấn đề gần như được giải quyết.

Với HyperOS, mình có thể tự tin đóng, mở một ứng dụng liên tục mà không sợ tình trạng khựng như MIUI. Hoạt ảnh trên giao diện này hoạt động cực kỳ nhanh và mượt. Thậm chí, ứng dụng khi chưa đóng hoàn toàn đã có thể phản hồi ngay lập tức với thao tác tay của người dùng. Đây là điều mà MIUI không thể làm được.

Xem chi tiết tại đây

Trên thực tế, hoạt ảnh của HyperOS có phần chậm hơn một chút so với MIUI 14. Nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy HyperOS mượt hơn, chuyển động của ứng dụng trông chỉn chu và gọn gàng hơn MIUI đáng kể. Có vẻ như HyperOS đang đi theo lối mòn của iOS: không cần nhanh nhưng phải mượt, phải tối ưu nhất có thể.

Trên tay OPPO Pad 2 chính hãng: Thiết kế thân thiện và hệ điều hành siêu mượt!

Previous article

watchOS 10.1 khiến Apple Watch của bạn tốn pin hơn? Apple xác nhận sắp khắc phục!

Next article