Góc nhìn

Nên chọn Zalo hay Telegram để làm việc?

0

Gần đây, mạng xã hội Zalo đã công bố những thay đổi quan trọng về quá trình thu phí dịch vụ sau nhiều năm cung cấp miễn phí cho người dùng. Những cập nhật của ứng dụng này chủ yếu cải thiện tính cá nhân và quyền riêng tư trên mỗi tài khoản, cũng như ra mắt gói Premium dành cho doanh nghiệp. Trước đó, Telegram cũng đã công bố gói Telegram Premium, cung cấp thêm nhiều công cụ vượt trội mà vẫn giữ lại nhiều tính năng tuyệt vời tới người dùng.

Việc cả hai nền tảng phổ biến tại Việt Nam giới thiệu gói Premium khiến cuộc cạnh tranh giữa những ứng dụng nhắn tin ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Vậy trong năm 2022, giữa Telegram và Zalo, đâu sẽ là ứng dụng nhắn tin phù hợp hơn cho công việc?

Bạn thích ứng dụng nào hơn?

Zalo: phổ biến, khả năng gọi điện tiện lợi

Ra mắt vào mùa thu năm 2012, Zalo không nhận được quá nhiều sự hưởng ứng từ người dùng, khi phải đăng nhập bằng ZingID hay phải sử dụng trên nền tảng web trên điện thoại di động. Tuy nhiên sau này, Zalo dần chiếm được lòng người dùng, bởi nhiều tính năng ưu việt so với các hình thức nhắn tin truyền thống khác. Ứng dung đạt 10 triệu lượt người dùng vào tháng 3/2014, và chỉ mất 8 tháng để cán mốc 20 triệu người dùng – một con số khổng lồ đáng mơ ước đối với rất nhiều mạng xã hội nhắn tin thời bấy giờ.

Là một ứng dụng nhắn tin của người Việt, Zalo tích hợp khá nhiều tính năng và tiện ích đi kèm. Cùng với đó, so với những Messenger, WhatsApps hay Telegram, Zalo tỏ ra vượt trội hơn nhờ những điểm nhấn sau:

  • Nhờ việc đặt server trực tiếp tại Việt Nam, Zalo cung cấp tốc độ nhắn tin nhanh chóng cũng như sự ổn định đến tuyệt vời. Người dùng có thể thoải mái nhắn tin mà ít gặp tình trạng chậm, không gửi được tin nhắn. Điều này có được do Zalo tối ưu rất tốt trên mọi hạ tầng mạng kém từ 2G, 3G đến Wifi.
  • Tính năng gọi thoại và Video Call vượt trội: Đây có thể coi là hai tính năng “ăn tiền” của ứng dụng này. Ưu điểm của hai tính năng này đó là sự ổn định trong cuộc gọi, cũng như chúng miễn phí, người dùng không phải trả tiền như cuộc gọi truyền thống. Họ có thể tương tác, trò chuyện thoải mái trong cuộc gọi mà không gặp phải tình trạng giật lag, vỡ hình hay mất tín hiệu giữa chừng. Điều này một phần giúp Zalo trở nên rất phổ biến trong các trường học, công sở và đặc biệt hữu dụng trong thời kỳ giãn cách do dịch bệnh, khi mà mọi người có thể tương tác, trao đổi một cách dễ dàng qua tính năng này.
  • Ngoài ra, Zalo cũng cung cấp một số tính năng khác như giao việc, livestream, gửi trực tiếp nhạc từ Zing MP3 trong tin nhắn, hỗ trợ upload file lên tới 1GB trong mục Cloud của tôi, kho Sticker độc quyền cũng như giúp người dùng có thể chia sẻ trạng thái trên trang cá nhân.

Tuy nhiên, Zalo vẫn tồn tại nhiều điểm trừ, những thứ mà Messenger, Telegram đều đang làm rất tốt:

  • Không lưu trữ tin nhắn trên hệ thống đám mây, vì thế trước khi chuyển thiết bị, bạn nên sao lưu ảnh và tin nhắn. Nhiều người dùng Zalo phản ánh việc họ mất sạch tin nhắn sau khi chuyển thiết bị, trong khi hầu hết các ứng dụng khác đều đã đưa dữ liệu người dùng lên nền tảng đám mây, tránh được tình trạng này.
  • Việc lưu trữ của Zalo cũng thiếu ổn định. Nhiều người dùng cũng đã phản ánh tình trạng bỗng dưng họ mất toàn bộ ảnh và tài liệu, trong khi họ không hề can thiệp gì đến phần mềm. Điều này ảnh hưởng đến rất nhiều người dùng khi họ thường chia sẻ ảnh, kỉ niệm của họ lên Zalo.
  • Chỉ hỗ trợ một thiết bị di động: Một tài khoản Zalo chỉ có thể sử dụng trên duy nhất một thiết bị di động; việc này rất bất tiện với những người dùng hai hay nhiều điện thoại để phục vụ công việc.

Dẫu vậy, với sự phổ biến cũng như nhiều tính năng tiện lợi, Zalo vẫn sẽ là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Việt Nam, phục vụ tốt nhiều mục đích, đặc biệt là trong môi trường công việc, trường học.

Telegram: đơn giản, mượt mà, khả năng tương tác tốt và bảo mật cao.

Được ra mắt vào đầu năm 2013, Telegram được định hình là một ứng dụng nhắn tin đơn giản, thuận tiện và đặc biệt không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Ứng dụng nhanh chóng chiếm được lòng người dùng, sớm đạt 50 triệu người dùng thường xuyên trong năm 2014, và 400 triệu người dùng trong năm 2020.

So với Zalo nói riêng hay những ứng dụng nhắn tin khác, Telegram tỏ ra khá vượt trội trong việc:

  • Giao diện thân thiện, đơn giản. Trong khi Zalo hay Messenger đang cố gắng nhồi nhét những tính năng không cần thiết, thì Telegram chỉ tập trung trải nghiệm nhắn tin và tương tác của người dùng. Điều này khiến trải nghiệm nhắn tin trên Telegram là đồng nhất; người dùng sẽ không bị làm phiền bởi những tính năng khác, mà nếu họ có nhu cầu sử dụng, họ sẽ tìm đến những nền tảng khác chuyên nghiệp hơn.
  • Mọi tin nhắn trên Telegram đều được mã hóa qua nền tảng MTProto do chính họ phát triển. Tất cả tin nhắn của người dùng được mã hóa giữa ứng dụng và máy chủ, điều này khiến các ứng dụng và nhà phát triển bên thứ ba không thể truy cập được dữ liệu của người dùng, trong khi chính Telegram vẫn có quyền kiểm soát mọi thứ. Điều này khiến tin nhắn của người dùng được bảo mật gần như tuyệt đối, do đó tại Việt Nam, trong môi trường doanh nghiệp và các cơ quan lớn, Telegram thường được ưu tiên hơn mọi ứng dụng nhắn tin khác. 
  • Người dùng Telegram cũng có thể nhắn tin, gọi thoại và video call một cách dễ dàng, ngoài ra, họ có thể tự tạo và chia sẻ sticker, emoji theo phong cách của riêng mình. 
  • Telegram cũng cung cấp nhiều tính năng khác mà không nhiều ứng dụng nhắn tin khác có như: tạo và quản lý các channel – nơi cung cấp, chia sẻ thông tin tới những người tham gia, hỗ trợ upload và lưu trữ file lên tới 2GB (trên phiên bản Premium là 4GB), cung cấp bots tự động hóa nhiều quy trình trong nhóm chat giúp tối ưu và tiết kiệm thời gian hơn trong công việc. Ngoài ra còn có Telegraph – nơi mà người dùng tạo ra những bài báo dạng ngắn cung cấp thông tin ngay trong chính ứng dụng.

Tuy nhiên chính những tính năng trên mà Telegram cũng đôi khi đem lại nhiều phiền toái cho người dùng:

  • Việc đặt máy chủ ở nước ngoài khiến tốc độ nhắn tin của Telegram không ổn định. Vào mùa đứt cáp người dùng dễ dàng gặp tình trạng ứng dụng này không thể gửi tin nhắn hay tải tài liệu.
  • Người dùng phải có số điện thoại để đăng ký Telegram, và số điện thoại này sẽ được hiển thị công khai trên trang cá nhân của họ. Việc này giảm tính bảo mật của chính ứng dụng này, và dễ dàng bị các hội nhóm xấu mời vào, ảnh hưởng đến công việc của chính họ.

Vậy, nên chọn Zalo hay Telegram?

Hai ứng dụng này đều rất phổ biến cũng như phục vụ rất tốt cho nhu cầu công việc nói riêng, cũng như nhu cầu nhắn tin nói chung. Mỗi ứng dụng đều có những ưu nhược riêng của mình do đó cũng hướng đến những đối tượng người dùng riêng biệt.

  • Zalo phổ biến và phủ sóng hầu như tất cả mọi người. Ứng dụng này phục vụ rất tốt cho công việc trường học, việc trao đổi và cung cấp tin tức giữa giáo viên và học sinh, cũng như tại công sở, công ty nhỏ.
  • Telegram kém phổ biến hơn song lại có những tính năng vượt trội hơn, như tạo bot, tạo và quản lý các channels, kênh tin tức; cũng như đem đến tính bảo mật tốt. Hơn nữa Telegram rất nhẹ và dễ dùng, giao diện đẹp và đơn giản, có thể truy cập từ mọi thiết bị, do đó sẽ phù hợp với những người thích sự gọn nhẹ, tập trung vào công việc nhắn tin, hoặc trong môi trường chuyên nghiệp, các doanh nghiệp lớn nhờ sự bảo mật thông tin tuyệt vời.

Tương tự như iOS và Android, mỗi ứng dụng đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng người. Do đó, bạn hoàn toàn có thể dùng song song cả hai ứng dụng để có thể trải nghiệm được những điểm mạnh của cả hai ứng dụng trên.

Samsung từng trang bị camera lên cả đồng hồ thông minh để chụp ảnh, quay video

Previous article

Doanh số của Tesla sụt giảm nghiêm trọng

Next article

Comments

Comments are closed.