Vài năm qua, công nghệ điện thoại chứng kiến rất nhiều sự đột phá về con chip, màn hình cho đến phần cứng camera. Tuy nhiên, có một yếu tố mà rất ít khi được nâng cấp, đó chính là viên pin. Do giới hạn về phần cứng, các hãng không thể trang bị một viên pin quá lớn so với ô tô hay xe máy điện. Vậy nên, việc nắm bắt phương pháp sử dụng pin là cần thiết để cải thiện thời lượng pin trên chiếc điện thoại Android của bạn.
Tắt các cài đặt không cần thiết
Những chiếc điện thoại Android khi xuất xưởng thường được kích hoạt một số cài đặt không cần thiết như đồng bộ hay NFC. Chúng không phải lúc nào cũng cần thiết trong khi lại tiêu tốn quá nhiều pin của bạn. Trừ khi nhu cầu sử dụng là thường xuyên, bạn nên tắt các cài đặt dưới đây để đảm bảo quá trình sử dụng là tốt nhất.
- NFC: Trên thực tế, nhu cầu sử dụng NFC tại Việt Nam là không nhiều, đặc biệt khi người dùng thường có xu hướng chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng thay vì sử dụng thanh toán không chạm.
- Tự động đồng bộ tài khoản: Đây được xem là quá trình rất tốn pin khi thường xuyên chạy ngầm để trao đổi thông tin qua tài khoản của bạn. Để tắt chúng, bạn có thể truy cập Cài đặt > Tài khoản > Tự động đồng bộ dữ liệu.
- Google Assistant: Trang MakeUseOf cho rằng đây là một tính năng nên vô hiệu hoá trên điện thoại Android. Trợ lý ảo sẽ luôn chạy ngầm để nhận dạng khi nào bạn ra lệnh “OK Google!”. Để tắt Google Assistant, bạn có thể truy cập ứng dụng Google > Cài đặt > Google Assistant > Tổng quan và tắt Google Assistant.
Kích hoạt chế độ tiết kiệm pin
Tiết kiệm pin là chế độ mặc định trên những chiếc điện thoại Android. Tính năng này sẽ hạn chế một số kết nối như Vị trí hay Bluetooth; tắt tự động đồng bộ hay giảm hiệu suất nhằm duy trì thời lượng pin sử dụng lâu dài nhất.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên kích hoạt tính năng này khi pin đã yếu và bạn vẫn muốn sử dụng thêm. Việc kích hoạt tiết kiệm pin khi vừa sạc đầy trở nên thật thừa thãi và bạn đang tự giới hạn hiệu suất cao nhất trên chiếc điện thoại của mình.
Vô hiệu hoá hoặc xoá ứng dụng chạy ngầm
Tương tự như trên, một chiếc điện thoại Android mới thường được cài sẵn rất nhiều ứng dụng không cần thiết. Chúng chạy ngầm liên tục, thậm chí gây hao pin một cách mất kiểm soát. Bạn có thể theo dõi mức sử dụng pin của chúng bằng cách truy cập Cài đặt > Pin, sau đó mở biểu đồ pin chi tiết và xem ứng dụng nào đang tiêu tốn pin nhiều nhất.
Một số ứng dụng bạn có thể vô hiệu hoá hoặc xoá bao gồm:
- Ứng dụng rác, bloatware: Điều này xảy ra phổ biến trên điện thoại xách tay, đặc biệt là những mẫu máy realme, Xiaomi hay Sony nội địa.
- Ứng dụng “dọn rác”: Nghe thật vô lý, thế nhưng trên thực tế chúng không hiệu quả như bạn nghĩ. Những ứng dụng kiểu này chạy ngầm liên tục, hiện rất nhiều quảng cáo đôi khi ngay ở trên màn hình chính. Trong khi đó, việc dọn rác trên đây thực chất là xoá file cache hay bộ nhớ đệm – điều bạn hoàn toàn có thể làm thủ công ngay trong phần cài đặt thiết bị.
Ngoài ra, với những ứng dụng như Facebook, TikTok hay Instagram, bạn có thể hạn chế việc chúng chạy ngầm bằng cách như sau:
- Tại màn hình chính, nhấn giữ biểu tượng ứng dụng cần giới hạn. Chọn Thông tin Ứng dụng.
- Tại mục Pin (hoặc Tiết kiệm pin), chọn Hạn chế (hoặc Hạn chế hoạt động nền).
Bạn cũng có thể sử dụng một số phần mềm quản lý pin bên thứ ba như Greenify. Ứng dụng sẽ nhận dạng những ứng dụng chạy ngầm hoặc thường xuyên tiêu hao pin, từ đó giới hạn hoạt động của chúng trong nền.
Giảm xung CPU theo cách thủ công
Một cách nữa bạn có thể áp dụng là giảm xung nhịp theo cách thủ công. Việc CPU hoạt động ở mức xung thấp hơn giúp mát mát, tránh bị quá nhiệt và cải thiện thời lượng pin, tuy nhiên cũng cần đánh đổi rằng hiệu năng máy sẽ giảm một chút so với mức tối đa.
Bạn có thể giảm xung CPU bằng cách cài đặt một bản kernel tuỳ chỉnh (custom kernel) hoặc sử dụng các phần mềm hạ xung như FKM hay EX Kernel Manager. Cần lưu ý rằng đây là những công cụ yêu cầu quyền root, và chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến hỏng hóc hay xung đột phần mềm.