Trước đây, khi chụp ảnh bằng các mẫu flagship như Xiaomi 13 Pro hay Xiaomi 14 Pro, người dùng chỉ có các bộ lọc màu của LEICA. Tất nhiên, không phải ai cũng thích LEICA vì chất ảnh có phần quá đậm đà, nghệ thuật và đôi khi sai lệch so với thực tế. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi trên Xiaomi 14 Ultra, hãng bổ sung thêm bộ lọc màu Master Portrait trong chế độ chụp chân dung. Vậy, thực tế bộ lọc màu này hoạt động ra sao?
Master Portrait trên Xiaomi 14 Ultra
Trên thực tế, Xiaomi không quảng cáo quá nhiều về Master Portrait. Hãng chỉ dành đúng 1 phút để đề cập đến tính năng này trong sự kiện ra mắt Xiaomi 14 Ultra.
Song, đây lại là tính năng mình mong chờ nhất trên chiếc máy này. Là một người sử dụng Xiaomi 13 Pro suốt một năm qua, mình đủ trải nghiệm để nhận ra LEICA là “con dao hai lưỡi” trên chiếc máy này. Nếu chụp trong môi trường tốt, đủ sáng, ảnh chân dung (LEICA Portrait) trên Xiaomi 13 Pro lên màu rất đẹp và gần như không cần chỉnh sửa.
Ngược lại, khi vào môi trường thiếu sáng hay có chi tiết phức tạp hơn một chút, ảnh chân dung trên chiếc máy này sẽ trở nên rất tệ: màu quá đậm, da người bị vàng và rất khó để hậu kỳ. Trước những khung cảnh như vậy, mình không còn cách nào khác vì vốn Xiaomi 13 Pro chỉ cung cấp duy nhất bộ lọc màu LEICA Portrait khi chụp chân dung.
Và rồi, khi lên Xiaomi 14 Ultra, hãng đã phần nào khắc phục được tình trạng trên. Theo quảng cáo, Master Portrait giúp ảnh chân dung cải thiện độ sâu, mức độ chi tiết cùng hiệu ứng tách nền tự nhiên hơn. Về cơ bản, Master Portrait giúp ảnh chân dung có màu sắc chân thực hơn, sát với thực tế hơn, khác với trường phái đậm, nghệ thuật của LEICA Portrait.
Khác biệt dễ thấy nhất giữa hai chế độ đến từ cách xử lý da người. Theo đó, LEICA Portrait cố gắng đẩy cao mức chênh lệch giữa hai vùng sáng – tối trên khuôn mặt. Ngược lại, Master Portrait lại chuyển các vùng này cân bằng và ít chênh lệch nhất có thể.
Điều này diễn ra tương tự với các khu vực khác, đặc biệt đối với chi tiết có màu đen. Điển hình, tại bức ảnh dưới đây, màu đen của tóc và áo sơ mi được LEICA Portrait đẩy tương phản mạnh hơn hẳn. Bức ảnh khi này trở nên vô cùng nổi bật, đổi lại màu sắc sẽ bị sai lệch so với thực tế.
Còn lại, cả hai chế độ ảnh không có sự khác biệt quá nhiều về xử lý ánh sáng hay bão hoà màu. LEICA Portrait tái tạo hậu cảnh sáng hơn một chút, đổi lại tổng thể bức ảnh thiên hướng ám xanh lá nhẹ. Ảnh trên Master Portrait tối hơn, ngược lại sắc thái màu có phần dịu và giống thật hơn.
Với mình, mỗi bộ lọc màu sẽ có ưu điểm khác nhau, kéo theo đó là mục đích sử dụng khác nhau. Nếu chụp trong điều kiện khó như ban đêm hay ánh sáng không thuận lợi, mình ưu tiên Master Portrait để bức ảnh có màu sắc chuẩn nhất, nhìn giống với thực tế nhất. Còn nếu đứng trước khung cảnh hùng vĩ, rộng lớn và cần một bức ảnh khác biệt, mình sẽ không ngần ngại kích hoạt LEICA Portrait để tạo nổi bật giữa đám đông. Trên hết, việc có nhiều bộ lọc màu cho phép người chủ động hơn khi chụp ảnh chân dung.
Ngoài ra, trước khi kích hoạt Master Portrait, người dùng cần nắm bắt một số lưu ý sau:
- Bộ lọc màu Master Portrait chỉ khả dụng với chế độ chụp chân dung. Khi chuyển về chụp thường, máy vẫn giới hạn ở LEICA Vibrant và LEICA Authentic.
- Master Portrait chỉ dùng được với các tiêu cự ống kính: 23mm, 35mm, 50mm và 75mm.
Ngoài ra, camera Xiaomi 14 Ultra cũng có một tính năng “Master” khác, đó chính là Master Cinema. Theo Xiaomi, Master Cinema cho phép quay video với gam màu rộng Rec.2020 cùng độ sâu màu 10-bit. Nhờ đó, thước phim hứa hẹn đem lại nhiều chi tiết hơn ở cả vùng sáng và tối, phục vụ mục đích hậu kỳ chuyên nghiệp. Để dễ hình dung sự khác biệt khi quay Master Cinema, bạn có thể tham khảo video dưới đây.
Xem nhanh một số bài viết trên tay, so sánh khác về Xiaomi 14 Ultra khác tại đây.