Theo Nikkei Asia, Apple đã buộc phải ngừng sản xuất iPhone và iPad trong vài ngày. Nguyên nhân chắc chắn là không phải do Táo Khuyết không bán được hàng, mà là vì thiếu hụt linh kiện. Đây được cho là lần đầu tiên trong suốt một thập kỷ qua mà các nhà máy của Apple phải dừng hoạt động trong những tháng cuối năm – giai đoạn sôi động để chuẩn bị hàng cho dịp mua sắm Năm mới.
Apple và tất cả các thương hiệu công nghệ trên toàn cầu đều không tránh khỏi sự thiếu hụt linh kiện điện tử, cụ thể là các linh kiện bán dẫn. Đây là một phần không thể thiếu trong mọi thiết bị điện tử mà chúng ta đang sử dụng hằng ngày. Trước đó, Táo Khuyết đã hạ mục tiêu sản lượng của iPhone 13 trong năm nay. Thậm chí, gã khổng lồ này còn phải cắt giảm sản lượng của iPad để dồn toàn lực để dành linh kiện cho iPhone.
Thông thường ở giai đoạn này, các nhà máy của Apple tại Trung Quốc luôn phải làm tăng ca, đặc biệt là từ tháng 10 cho tới hết năm .Các nhân viên sẽ thay ca để đảm bảo nhà máy phải hoạt động 24 giờ trong ngày. Tất cả là để đảm bảo nhu cầu trong dịp mua sắm Tết Nguyên Đán và năm mới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, năm nay các nhà máy này đã phải cho công nhân nghỉ bất đắc dĩ trong một thời gian dài.
Nói về nguyên nhân, Nikkei Asia cho rằng, sự thiếu hụt nguồn cung bắt đầu từ trước đại dịch khi hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại. Thêm vào đó, biến thể Delta của COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tại Malaysia và Việt Nam cũng khiến việc vận hành các nhà máy sản xuất nhiều linh kiện điện và chip tại 2 nước bị ảnh hưởng rất nhiều. Trước đó, hồi tháng 5 thì nhà máy Foxconn và Luxshare (đối tác của Apple) đã phải ngừng hoạt động do dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Tim Cook – Giám đốc điều hành của Apple đã khẳng định rằng, thương hiệu này đã mất tới 6 tỷ USD trong tháng 9 do những hạn chế về chuỗi cung ứng. Và trong những tháng cuối năm, con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều so với con số của tháng 9 trước đó.
Giá iPhone, iPad sẽ tiếp tục tăng mạnh
Cung ít, cầu ắt sẽ tăng. Hiện tại, sức ảnh hưởng của đà thiếu linh kiện này đã được thể hiện rất rõ tại thị trường Việt Nam. Đầu tiên là iPhone 13 series vẫn còn khan hàng tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng mua những chiếc iPhone 13 xách tay, mặc cho hàng đã được bán chính hãng tại Việt Nam. Tận cuối tháng 11, iPhone xách tay vẫn vô cùng đắt hàng tại nước ta. VnExpress dẫn nguồn tin cho biết “iPhone 13 xách tay đang tăng 2-6 triệu đồng tuỳ phiên bản, cao hơn so với sản phẩm chính hãng nhưng vẫn thu hút nhiều người mua.”
Không chỉ các đời iPhone 13 series mới nhất, mà các thế hệ iPhone như iPhone 11, iPhone 12 vẫn tăng giá rất mạnh. iPhone 11 mới chính hãng tại Việt Nam có thời điểm chỉ khoảng 13,9 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại thì rất nhiều đơn vị bán lẻ niêm yết mức giá iPhone 11 bản 64GB ở mức 18 triệu đồng. Đây thực sự là một mức giá rất cao với một sản phẩm đã ra mắt được 2 năm.
Ngoài ra, iPhone 12 cũng đã tăng 2 triệu đồng so với hồi tháng 5 và hiện giá khoảng 20-21 triệu đồng cho bản 64GB. Thậm chí những máy đời cũ hơn như iPhone SE 2020, iPhone XR cũng tăng nhẹ 200-500 nghìn đồng với giá lần lượt 10,8 và 11,5 triệu đồng. Rất nhiều chủ cửa hàng khẳng định rằng, đà tăng giá này là do thị trường quyết định khi cung không đủ cầu.
Ngoài ra, iPad cũng là sản phẩm đang chịu đà tăng giá, điển hình là iPad Air 4 2020. Những chiếc iPad Air 4 đã có thời điểm chỉ ở khoảng 14 triệu đồng, tuy nhiên hiện nay mức giá đã lên tới gần 17 triệu đồng cho bản 64GB.