HyperOS được xem như sự thay đổi về phần mềm lớn nhất của Xiaomi trong nhiều năm qua. Không chỉ tích hợp tính năng thú vị, hệ điều hành này còn mở ra hướng đi mới trong việc liên kết các thiết bị thông minh như đèn, máy lọc không khí cho đến ô tô điện. Mặt khác, khi đi sâu vào HyperOS, người dùng có thể nhận ra một số tính năng mới trên hệ điều hành này có phần giống với iOS 17 của Apple.
Hệ sinh thái HyperOS và iOS
HyperOS mở ra một bước nhảy vọt đáng kể trong việc tạo ra một hệ sinh thái toàn diện của Xiaomi. Tại sự kiện ra mắt, hãng đặt mục tiêu rõ ràng trong việc kết nối tất cả các sản phẩm thông minh như đồng hồ thông minh, TV, đồ gia dụng cho đến ô tô điện vào cùng một hệ sinh thái. Tất nhiên, thiết bị nằm trung tâm trong mạng lưới đó là điện thoại.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng tới Apple. Sẽ không sai khi nói Táo khuyết luôn muốn “trói chặt” người dùng trong hệ sinh thái của hãng với những thiết bị như iPad, AirPods, MacBook cho đến Apple TV và AirTag. Ở trong đó, các thiết bị có thể liên kết với nhau thông qua những tính năng gồm AirDrop hay Handoff. Quay sang Xiaomi, hãng cũng giới thiệu các tính năng tương tự như HyperConnect hay Interconnectivity.
Màn hình khoá
Quay trở lại phần mềm, sự tương đồng giữa HyperOS và iOS 17 đến ngay từ giao diện chỉnh sửa màn hình khoá. Khi nhấn giữ vào một vùng bất kỳ trên màn hình, người dùng có thể truy cập vào trình chỉnh sửa với hàng loạt hình nền khác nhau.
Cả HyperOS lẫn iOS 17 đều cho phép lưu nhiều hồ sơ hình nền khác nhau hay thêm widget nhanh trên màn hình khoá. Tuy nhiên, Xiaomi vẫn biết cách để tạo ra khác biệt. Trong giao diện chỉnh sửa, HyperOS cung cấp rất nhiều mẫu hình nền khác nhau với các chủ đề như Cổ điển (Classic), Hình thoi (Rhombus) cho đến Tạp chí (Magazine).
Tất nhiên, iOS vẫn cung cấp nhiều bộ hình nền khác nhau như Thiên văn (Astronomy) hay Kính vạn hoa (Kaleidoscope). Tuy nhiên, chúng không thể đẹp và ấn tượng được như HyperOS.
Trung tâm Điều khiển (Control Center)
Một trong những thay đổi lớn trên HyperOS đến từ giao diện Trung tâm Điều khiển (Control Center). Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, người dùng dễ dàng nhận thấy các ô vuông có bố cục khá giống iOS. Bên trên, cả hai đều cung cấp các tuỳ chỉnh cho phép bật – tắt Wi-Fi, dữ liệu di động và trình phát nhạc. Các thanh điều chỉnh độ sáng và âm lượng trên cả hai đều được làm dọc. Phía dưới, các cài đặt nhanh Đèn pin hay Quay phim màn hình trên HyperOS đều được ẩn toàn bộ nhãn (label), chỉ giữ lại biểu tượng giống iOS.
Chỉ báo sạc pin
Trên các mẫu iPhone có Dynamic Island như iPhone 14 Pro Max hay iPhone 15 Pro Max, Apple tích hợp một chỉ báo cho phép hiển thị tình trạng sạc pin. Đây cũng là tính năng mới có trên giao diện HyperOS.
Khác biệt một chút là chỉ báo sạc pin trên HyperOS có thể hoạt động với rất nhiều thiết bị khác nhau, ngay cả khi “nốt ruồi” không được đặt ở giữa. Chẳng hạn, với chiếc Xiaomi Mi 10S của mình, HyperOS vẫn hỗ trợ báo pin ngay cả khi camera trước trên thiết bị này được đặt ở cạnh trái.
Bố cục của ứng dụng hệ thống
Với các ứng dụng hệ thống như Tin nhắn, Danh bạ hay File của tôi, các tiểu mục trên HyperOS sẽ được đầy toàn bộ xuống dưới. Trong khi đó, MIUI đặt tất cả lên trên và chỉ hiển thị dưới dạng chữ, không có biểu tượng.
Trên thực tế, bố cục này đã được Apple áp dụng trên iOS từ lâu. Các tiểu mục đã được Táo khuyết bố trí phía dưới trong hầu hết ứng dụng hệ thống như Điện thoại, Tệp cho đến Ảnh. Điều này giúp giao diện ứng dụng trở nên trực quan và dễ nhìn hơn; nguồi dùng cũng không cần với tay quá cao nếu muốn chuyển một tiểu mục khác.
Tự động tách chủ thể khỏi bức ảnh
Ngoài những nâng cấp như Control Center hay màn hình khoá, HyperOS cũng có nâng cấp mới trong ứng dụng Ảnh. Tương tự iOS, người dùng có thể tạo, sao chép nhãn dán bằng cách nhấn và giữ chủ thể nằm trong bức ảnh. Tất nhiên, tính năng này còn có khả năng trích xuất các đối tượng từ nền, tạo ra hình ảnh PNG và chia sẻ lên Messenger hay Telegram.