Góc nhìn

TeamViewer và triết lý “miễn phí” cho người dùng | App Đảo

0

Với hầu hết người sử dụng máy tính xách tay thì TeamViewer có lẽ không phải là một cái tên quá xa lạ. Ra đời từ năm 2005, nhưng phải mãi tới những năm 2010 thì ứng dụng này mới thực sự nổi tiếng và được sử dụng trên toàn thế giới. Cho tới nay, ứng dụng này đã thực sự lớn mạnh và ghi nhận được nhiều thành công to lớn, vượt xa kỳ vọng của một ứng dụng máy tính đơn thuần.

Gần nhất, TeamViewer cũng có một bước tiến cực kỳ quan trọng bằng việc ký hợp đồng tài trợ cho Câu lạc bộ bóng đá Anh – Manchester United. Đội bóng nửa đỏ thành Manchester sẽ có diện mạo mới vào mùa giải mới sau khi đồng ý ký vào bản hợp đồng tài trợ của TeamViewer. Thoả thuận có trị giá 234 triệu bảng, kéo dài trong 5 năm, chấm dứt quãng thời gian 7 năm Manchester United gắn bó với thương hiệu ô tô Mỹ là Chevrolet. Để có mặt trên áo đấu của một câu lạc bộ lớn như Manchester United thì không phải là một điều dễ dàng. Qua đó phần nào chứng minh được thành công của TeamViewer trong gần 2 thập kỷ vừa qua. Trong bài viết này, hãy tìm hiểu xem TeamViewer đã thành công đến nhường nào nhé!

Paul Pogba và Harry Maguire mặc áo đấu mới của Manchester United

TeamViewer là?

TeamViewer là phần mềm dùng để điều khiển từ xa từ máy tính này sang máy tính khác, chia sẻ màn hình, chơi game trực tuyến, hội thảo trên web và truyền tập tin giữa các máy tính. TeamViewer đã phủ sóng ở hầu hết các hệ điều hành phổ biến, trong đó là: Microsoft Windows, macOS, Linux, Chrome OS, iOS, Android, Windows RT, Windows Phone 8 và hệ điều hành BlackBerry. Cũng có thể truy cập máy chạy TeamViewer với trình duyệt web.Trong khi mục tiêu chính của ứng dụng là điều khiển từ xa máy tính, tính năng cộng tác và trình bày cũng được hỗ trợ.

TeamViewer được sử dụng phổ biến ở rất nhiều hệ điều hành

TeamViewer có thể được người dùng phi thương mại sử dụng miễn phí, và các phiên bản Business, Premium và Corporate đều có sẵn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều biết tới phiên bản miễn phí, được dùng phổ biến trên toàn thế giới.

TeamViewer đi tiên phong cho một nhu cầu mới

Nhắc tới TeamViewer là chúng ta nhắc tới việc điều khiển máy tính của người khác từ xa. Đây thực sự là một nhu cầu rất lớn với hầu hết người dùng máy tính, đặc biệt là những người ít hiểu biết về các thiết bị công nghệ. TeamViewer ra đời và giải được bài toán đó bằng công nghệ giúp chúng ta có thể điều khiển, làm mọi thao tác với máy tính của người khác từ xa. Qua gần hai thập kỷ hoạt động, ứng dụng này đã giúp hàng trăm triệu người có thể nhờ người khác sửa máy tính của mình. Xa hơn thì còn giúp con người làm việc từ xa bằng chính chiếc PC của mình mà không phải tới văn phòng.

Trụ sở của TeamViewer

Thực sự, nhu cầu điều khiển máy tính từ xa là vô cùng lớn. Trước TeamViewer, trên thế giới chưa có ứng dụng nào thực sự được tối ưu để làm nhiệm vụ trên. Ở thời điểm đó, nghe tới việc mà ứng dụng này có thể làm được thì không ít người phải thán phục, rồi thét lên một câu: “Thật tuyệt vời!”. Đó chính là thứ mà ứng dụng này làm được. Lấy dữ liệu, hỗ trợ sửa máy tính,… thực sự những gì mà ứng dụng này mang lại cho ngành công nghệ là vô cùng lớn.

Trong khoảng 2 năm qua, nhu cầu làm việc tại nhà đã gia tăng rất nhiều do COVID-19. Đây cũng là thời điểm mà ứng dụng này được thoả sức phát huy thế mạnh, tính năng mà nó có. Laptop ở nhà bỗng dưng gặp vấn đề mà lại phải cách ly tại nhà? Phải làm sao đây? Chắc chắn TeamViewer sẽ hỗ trợ được bạn được phần nào trước khi phải gửi nó đến những cửa hàng sửa chữa.

Chiến lược phát triển đúng đắn

Có một sản phẩm tuyệt vời, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng thì sẽ cần một đường lối phát triển sáng suốt để đi tới thành công như ngày hôm nay. Nền tảng của TeamViewer bắt nguồn từ việc phát hành phiên bản đầu tiên vào năm 2005. Ngay từ đầu, ứng dụng này đã không hề tính phí tới người dùng, và cho phép người dùng tư nhân sử dụng một cách hoàn toàn miễn phí. Ứng dụng này sẽ chỉ thu phí với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên nghiệp hơn ở quy mô lớn hơn. Cho tới hiện tại, mô hình này vẫn được giữ lại hoàn toàn và không có bất cứ thay đổi nào.

TeamViewer có một chiến lược phát triển đúng đắn

Chính quyết định này đã giúp TeamViewer lan toả nhanh hơn với người dùng. Miễn phí – đó là thứ bất kỳ ai cũng thích! Mất công nghiên cứu và phát triển nhưng công ty này không ngần ngại cung cấp miễn phí cho người dùng cá nhân, và cũng chính họ là những “nhân viên marketing” miễn phí cho ứng dụng. Họ nhờ nhau sửa, họ truyền miệng cho nhau về TeamViewer và những gì nó mang lại được. Ở đây, cả phía TeamViewer và người dùng đều có lợi. Công ty được người dùng marketing giúp, đổi lại đó là việc cung cấp sử dụng miễn phí. Cứ như vậy, danh tiếng của TeamViewer sẽ bước ra khỏi biên giới nước Đức để tới với hơn 200 quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tới năm 2010, TeamViewer GmbH đã được mua lại bởi GFI Software. Sau đó, tới năm 2014, công ty cổ phần  nhân Permira của Anh đã mua lại TeamViewer để giúp công ty phát triển, mở rộng phạm vi khách hàng quốc tế. Ở thời điểm đó, TeamViewer được định giá khoảng một tỷ đô la Mỹ, và cũng được coi là “kỳ lân” công nghệ. Đứng trên vai người khổng lồ, TeamViewer đã tốt nay lại càng thêm mạnh để thực sự trở thành một ứng dụng toàn cầu.

Bên trong trụ sở của TeamViewer

Tình hình kinh doanh hiện tại

Sau rất nhiều biến động, TeamViewer cuối cùng cũng được niêm yết trên sàn chứng khoán. Giai đoạn năm 2020 là thời điểm cổ phiếu của công ty này đạt đỉnh với mức vốn hoá đạt 12 tỷ USD. Sau đó, cổ phiếu của tập đoàn này cũng đã ổn định và không có nhiều biến động quá lớn. Thời điểm này là lúc đại dịch COVID-19 hoành hành mạnh nhất trên toàn thế giới, và khiến không ít tập đoàn phải lao đao. Tuy nhiên, TeamViewer vẫn đứng vững để liên tục duy trì mức vốn hoá khoảng 10 tỷ USD cho đến tháng 2 năm 2021.

Mãi tới tháng 4 năm 2021, cổ phiếu của TeamViewer xuống giá trầm trọng và hiện tại chỉ còn ở ngưỡng 7 tỷ USD. Tuy nhiên theo các chuyên gia nhận định, sức tăng trưởng của ứng dụng này là vẫn còn và đà giảm này chỉ là chu kỳ giảm chung của thị trường chứng khoán. TeamViewer vẫn hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa và lập thêm các đỉnh khác với mô hình kinh doanh hiện tại.

Biến động cổ phiếu của TeamViewer

Giá cổ phiếu giảm nhưng TeamViewer vẫn là một cái tên cực kỳ uy tín trên thị trường. Đầu tháng 7 vừa qua, tập đoàn này đã ký kết thành công thoả thuận hợp tác với CLB Manchester United. Với bản hợp đồng này, Man Utd sẽ bỏ túi 326 triệu USD trong nửa thập kỷ tới, nhờ ký hợp đồng tài trợ áo đấu với đối tác TeamViewer hôm 19/3. Đây cũng là hợp đồng tài trợ áo đấu có giá trị lớn nhất lịch sử Ngoại hạng Anh. Qua đó phần nào khẳng định tham vọng của TeamViewer, muốn đưa cái tên của họ đến xa hơn với người dùng toàn cầu.

Theo truyền thông Anh, logo của TeamViewer sẽ đổi từ màu xanh sang màu trắng khi gắn trên áo Man Utd mùa tới. “Sự hợp tác này dựa trên niềm đam mê chung”, CEO TeamViewer – Oliver Steil chia sẻ. “Chúng tôi tin thương hiệu sẽ mở rộng ra toàn thế giới khi gắn liền với Man Utd. Quá trình tiếp thị được đẩy nhanh hơn. TeamViewer sẽ đưa người hâm mộ tới gần Man Utd hơn nhờ các công nghệ vượt trội”.

Đội ngũ lãnh đạo của TeamViewer trong ngày IPO thành công

Nhìn chung, sau 16 năm phát triển, TeamViewer đã khẳng định được thành công của mô hình kinh doanh cũng như sản phẩm họ có. 2,5 tỷ thiết bị đã cài đặt ứng dụng, 45 triệu thiết bị trực tuyến hoạt động cùng lúc: Đó là những con số phản ánh chỉnh xác nhất thành công của TeamViewer, thành công của một huyền thoại.

iPhone 13 có thể sẽ trang bị màn hình Always on Display như Apple Watch

Previous article

Realme đăng ký thương hiệu “MagDart”: Sao giống MagSafe thế @@

Next article

Comments

Comments are closed.