Tin tức

Google âm thầm khắc phục vấn đề rất lớn của Quick Share trên Windows

0

Quick Share là một trong những công cụ tốt nhất để truyền tải tập tin giữa điện thoại Android và máy tính Windows. Việc cài đặt và sử dụng đều dễ dàng, tốc độ truyền tải cũng rất nhanh. Tuy nhiên, một vấn đề lớn trước đây của ứng dụng Quick Share trên Windows là tốc độ truyền tải rất chậm nếu máy tính Windows và điện thoại Android không cùng mạng Wi-Fi. May mắn thay, vấn đề này đã được Google lặng lẽ khắc phục.

Khi ra mắt Quick Share cho Windows vào năm 2023, Google nhấn mạnh rằng cả điện thoại Android và máy tính Windows cần phải kết nối cùng một mạng để đạt được tốc độ truyền tải tốt nhất. Nếu không, Quick Share sẽ truyền tập tin qua kết nối Bluetooth, chậm hơn đáng kể so với Wi-Fi. Ví dụ, khi thử nghiệm truyền tải tập tin 5.4GB từ điện thoại Android sang máy tính Windows qua Bluetooth, tốc độ chỉ khoảng 60KB/s, đồng nghĩa là người dùng sẽ phải mất gần một ngày thì mới có thể truyền xong tệp.

Tốc độ của Quick Share sẽ rất chậm nếu cả hai thiết bị không được kết nối chung 1 điểm Wi-Fi, ảnh: Mishaal Rahman

Ngược lại, khi truyền tải cùng một tập tin qua Wi-Fi, tốc độ tăng vọt lên khoảng 30MB/s, rút ngắn thời gian truyền xuống chỉ còn vài phút.

Tốc độ của Quick Share được cải thiện đáng kể khi bật Wi-Fi, ảnh: Mishaal Rahman

Điều thú vị là hiện tại, ngay cả khi máy tính Windows không kết nối với mạng Wi-Fi nào, tốc độ truyền tải vẫn đạt mức ~30MB/s. Mặc dù trang hỗ trợ của Google và ứng dụng Quick Share trên Windows vẫn ghi rằng hai thiết bị cần phải kết nối cùng một mạng để đạt tốc độ tối ưu, nhưng hiện tại thì điều này đã không còn đúng nữa. Thông tin này được chuyên gia Mishaal Rahman phát hiện, cho biết Quick Share trên Windows đã có thể nhận và gửi tập tin với tốc độ khá tốt chỉ cần bật Wi-Fi trên máy tính, không cần thiết phải kết nối với mạng nào.

Trong quá trình thử nghiệm truyền tập tin từ hai điện thoại (Xiaomi 14T Pro và OnePlus 12) sang hai máy tính Windows, quá trình bắt đầu bằng kết nối Bluetooth với tốc độ 60-80KB/s, sau vài giây chuyển sang kết nối Wi-Fi với tốc độ 30-40MB/s. Lúc này, điện thoại tự động ngắt kết nối Wi-Fi mạng nhà và tạo một điểm phát Wi-Fi (hotspot) với tên dạng “DIRECT-XXXXX”, cho thấy kết nối được thực hiện qua Wi-Fi Direct. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Nearby library hiện chưa hỗ trợ Wi-Fi Direct trên Windows, nên phương thức kết nối chính xác vẫn chưa được xác định rõ.

Khi truyền tải file qua Quick Share, thiết bị sẽ kết nối với điểm Wi-Fi với tên dạng “DIRECT-XXXXX”, ảnh: Mishaal Rahman

Mặc dù vậy, thay đổi này đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của Quick Share trên Windows. Việc không cần phải kết nối cùng mạng Wi-Fi giúp Quick Share trở nên tiện dụng hơn rất nhiều, đặc biệt khi đang di chuyển. Tốc độ truyền tải thực tế sẽ phụ thuộc vào môi trường và chất lượng card Wi-Fi của thiết bị. Thử nghiệm giữa Xiaomi 14T Pro và Samsung Galaxy Book5 Pro 360 cho thấy tốc độ có thể đạt tới 90-110MB/s, nhưng thường dao động quanh mức 30-40MB/s.

Nếu chưa từng sử dụng Quick Share (trước đây là Nearby Share) trên cả điện thoại và máy tính, bạn có thể đọc bài viết dưới đây của Vật Vờ Studio để biết cách sử dụng.

Theo: Android Authority

Apple xác nhận thời điểm ra mắt iOS 18.2 với loạt tính năng AI mới

Previous article

Indonesia ban hành lệnh cấm iPhone 16: Ai đang dùng sẽ bị coi là bất hợp pháp

Next article

Comments

Comments are closed.