Meta Platforms Inc. (Công ty mẹ của Facebook) mới đây đã thông báo tiến hành thay đổi nguồn cấp dữ liệu, từ đó các nội dung hiển thị trên nền tảng cũng sẽ được thay đổi. Theo Meta, nguồn cấp dữ liệu mới sẽ tập trung tối đa vào sở thích của người dùng, Facebook sẽ chỉ hiển thị những nội dung mà người dùng ưa thích. Ngoài ra, các bài đăng và video trên Facebook cũng sẽ được thay đổi cách hiển thị để thu hút người dùng đến tiếp cận được với nhiều nội dung hơn.
Cụ thể, nguồn cấp dữ liệu chính trên Facebook giờ đây sẽ được gọi là “Home”, đây sẽ là nơi để người dùng khám phá những nội dung mới phù hợp với sở thích của họ. Các bài đăng và video sẽ được thuật toán chọn lọc từ cả tài khoản người dùng theo dõi và không theo dõi, từ đó thuật toán sẽ tiến hành hiển thị những nội dung phù hợp với sở thích của người dùng.
Facebook cũng sẽ có thêm một tab mới với tên gọi là “Feeds”. Mục này sẽ chỉ hiển thị các bài đăng từ bạn bè, người thân và những trang cũng như hội nhóm mà bạn theo dõi, tham gia. Những nội dung mới nhất sẽ được ưu tiên hiển thị ở trên cùng.
Cuối cùng, Facebook sẽ có một tab riêng với tên gọi là “Home”. Đúng với ý nghĩa tên gọi của nó, mục này sẽ tập trung mạnh mẽ vào cá nhân hóa các nội dung hiển thị cho bạn. Thuật toán sẽ dựa trên một loạt các dữ liệu để loại bỏ những nội dung không phù hợp và sắp xếp các nội dung theo sở thích của bạn một cách phù hợp.
Bloomberg đánh giá rằng đây là một nỗ lực của Meta trong việc tối ưu hóa nội dung hiển thị cho người dùng, đồng thời hành động này của Meta còn được cho là để tăng tính cạnh tranh với mạng xã hội đang phát triển như vũ bão – TikTok.
TikTok có nguồn cấp dữ liệu chính mang tên “For You” để hiển thị các nội dung cho người dùng dựa trên lượt thích của họ trên nền tảng. Cách tiếp cận khôn ngoan này đã giúp họ sở hữu tới 1 tỷ người dùng hàng tháng chỉ trong 4 năm. Dù số tài khoản người dùng chỉ bằng 1/3 so với Facebook (khoảng 2,9 tỷ người). Tuy nhiên, theo thống kê số người dùng tại Mỹ lại dành ra trung bình tới 29 giờ/tháng để theo dõi TikTok, tức gần gấp đôi thời gian mà họ dành cho Facebook. Do đó, không khó hiểu khi Meta phải có những thay đổi cũng như “học tập” đối thủ để tránh việc bị bỏ lại phía sau cuộc đua này.