Một thập kỷ qua, thị trường điện thoại thông minh đã thay đổi rất nhiều, từ nhu cầu, số lượng tới doanh số. Sự thay đổi đó tạo nên những sản phẩm khác biệt, phù hợp với người dùng. Tuy nhiên, song hành với đó cũng là “cái chết” của các thương hiệu lớn một thời, họ không chịu thay đổi để phù hợp với thị trường ngày nay.
Gần đây nhất, chúng ta có thể kể tới Nokia hay BlackBerry. Có thể chúng chưa thực sự ngừng hoạt động, tuy nhiên sức sống của các thương hiệu này đã lụi tàn và không thể so sánh với những ông lớn hiện tại như Apple, Samsung, Xiaomi,… Với Nokia hay BlackBerry, các đơn vị chủ quản đã cố gắng đưa chúng trở về thời hoàng kim một thời. Thế nhưng, theo mình thì họ không nên níu giữ và cũng không cần hồi sinh những thương hiệu này.
Thế mạnh của Nokia, BlackBerry không còn phù hợp với xu thế điện thoại thông minh
Để có được vị trí trong thị trường, tất cả thương hiệu phải có một lợi thế cạnh tranh để thu hút được người dùng. Với Nokia là độ bền, là thương hiệu lâu đời đã hằn sâu vào nhiều thế hệ người dùng điện thoại. Với BlackBerry, đây là thương hiệu mang đến các sản phẩm có vẻ ngoài nam tính, với bàn phím QWERTY độc đáo và hệ thống nhắn tin nội bộ BlackBerry Messenger.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, những điểm nổi bật đó của Nokia hay của BlackBerry đã không còn phù hợp nữa. Bây giờ, chúng ta cần một chiếc điện thoại đẹp, cấu hình tốt để chơi Game, có camera xịn xò với nhiều công nghệ. Điện thoại giờ đây nó khác ngày xưa lắm! Nó còn phải đảm nhiệm những tính năng của máy ảnh, máy chơi game. Do đó, bền như Nokia, bàn phím vật lý của BlackBerrry là không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Tất nhiên, không phải hai hãng này không thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi của Nokia hay BlackBerry là quá muộn màng. Trong khi các hãng đã dần thay đổi sang làm điện thoại thông minh với màn hình lớn, với camera chất lượng thì Nokia và BlackBerry lại vẫn “ngủ quên trong chiến thắng”. Họ vẫn tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu cũ, từ đó đánh mất đi lượng khách hàng muốn trải nghiệm các công nghệ mới lạ.
Thêm vào đó, việc “đổi chủ” nhiều lần đã khiến cả Nokia hay BlackBerry mất đi sự ổn định. Nếu bộ máy ban đầu vẫn hoạt động, biết đâu định hướng rõ ràng và nhất quán lại giúp họ trở lại thị trường?
Năm 2020, BlackBerry đã mất đi lợi thế cạnh tranh nổi bật nhất của mình, đó là BlackBerry Messenger. Ra mắt từ ngày 1/8/2005, BlackBerry Messenger từng là dịch vụ nhắn tin, trò chuyện trực tuyến phổ biến trên toàn cầu. Thời đó, Facebook Messenger, Telegram hay Whatsapp chưa ra mắt, do đó sự xuất hiện của BlackBerry Messenger là một “lợi thế cạnh tranh đặc biệt” khi so với các đối thủ. Dịch vụ này cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản, hình ảnh thông qua kết nối Internet, và không mất bất kỳ khoản phí. Đây chính là điểm “ăn tiền” nhất của hãng khi so với các thương hiệu còn lại, qua đó giúp giữ chân người dùng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại thì dịch vụ này không còn quá cần thiết, nhất là khi một loạt mạng xã hội ra đời.
Sau đó, lợi thế đó đã nhanh chóng bị lãng phí khi thương hiệu này mất quá nhiều thời gian để chuyển sang nền tảng BlackBerry 10 hiện đại. Trong một thế giới của iPhone và các thiết bị Android, BlackBerry OS cũ không có cơ hội bất chấp những nỗ lực cuối cùng của công ty để mở rộng BBM sang Android và iOS.
Còn với Nokia, sau khi về tay HMD thì hãng có cho ra mắt nhiều mây máy. Tuy nhiên, chúng không có bất cứ điểm nổi bật nào so với các mẫu máy trên thị trường. Hay thậm chí, yếu tốt “bền bỉ” đã ăn sâu vào tâm trí người dùng cũng không còn nữa. Những chiếc máy như Nokia 8.3, Nokia C30 có khác gì các mẫu máy trên thị trường đâu?
Linh kiện đặt hàng toàn bộ, Android thì chạy gốc của Google. Với cách làm như vậy, thì công ty nào cũng làm được điện thoại. Đặt hàng, thuê gia công, phần mềm dùng của Google. Nếu cứ mãi làm vậy thì Nokia sẽ không thể sống sót trên thị trường.
Thị trường điện thoại thông minh đã quá bão hoà với nhiều hãng nhưng sản phẩm không có gì mới lạ
Tiếp theo, hiện tại, thị trường điện thoại thông minh đã quá bão hoà với vô vàn sản phẩm khác nhau. Nếu bước vào thị trường mà không có một chiến lược cụ thể, những trang bị tính năng độc đáo thì Nokia hay BlackBerry sẽ không thể tồn tại được.
Phân khúc cao cấp giờ đây ngày càng chật chội với đại diện đến từ Samsung, Apple, OPPO hay cả Xiaomi và OnePlus. Tất cả những hãng này đều mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục người dùng bỏ ra một số tiền lớn để mua những sản phẩm cao cấp đó. Thử hỏi bây giờ, Nokia có làm ra một chiếc điện thoại giá 20-25 triệu đồng thì ai sẽ dám bỏ tiền ra mua?
Để bán được sản phẩm trong thời điểm hiện tại, các hãng cần chi rất nhiều tiền vào truyền thông, quảng cáo, khuyến mãi. Từ đó mới tiếp cận được người dùng. Nokia hay BlackBerry có cố gắng thì cũng rất khó có được độ phủ như Samsung, như OPPO tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Rõ ràng, quãng nghỉ trong nhiều năm qua đã khiến Nokia hay BlackBerry yếu thế về mọi mặt.
Không chỉ điện thoại, người dùng giờ đây còn cần nhiều sản phẩm cùng hệ sinh thái.
Để một thương hiệu sống sót tốt, hãng đó cũng cần có thêm nhiều sản phẩm khác đi kèm như tai nghe, máy tính bảng, laptop,… Có càng nhiều thì càng giữ chân được người dùng ở lại với một thương hiệu.
Thử hỏi giờ mà mua một cái điện thoại bàn phím BlackBerry thì chúng ta sẽ dùng với đồng hồ thông minh nào? Kết nối ra sao? Tiện lợi thế nào. Sau cùng, chúng hoạt động không hiệu quả thì người dùng sẽ chuyển hướng sang điện thoại của các hãng khác mà thôi. Năm 2022, làm điện thoại thôi là chưa đủ. Các hãng còn phải xây dựng cả một hệ sinh thái mới giữ chân được người dùng.
Tổng kết
Tóm lại, Nokia hay BlackBerry đều là những “huyền thoại” một thời của rất nhiều người yêu công nghệ. Tuy nhiên, những thứ tinh hoa, quý giá nhất của chúng đã không còn phù hợp với hiện tại. Do đó, việc hồi sinh những thương hiệu này không còn có ý nghĩa với người dùng nữa. Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ mang tính cách mạng, thì đừng hồi sinh nữa!
Comments