Vật Vờ Đánh giá

Đánh giá iQOO 12 Pro sau 1 tuần: Giá 18 triệu thì có ngon bằng vivo X100 Pro, Xiaomi 14 Pro?

0

Một tuần vừa qua, mình đã được sử dụng iQOO 12 Pro, chiếc flagship mới nhất của iQOO, thương hiệu con của vivo. Đây cũng là lần đầu mình sử dụng và tận hưởng những tính năng mới nhất của OriginOS 4. Vậy thì sau một tuần, iQOO 12 Pro có những điểm nhấn nào đáng chú ý? Trong tầm giá 18 triệu đồng, liệu đây có phải chiếc điện thoại đáng mua nhất khi so với vivo X100 Pro hay Xiaomi 14 Pro hay không?

Hiệu năng iQOO 12 Pro siêu mạnh, nhiều tính năng chơi game hay

Snapdragon 8 Gen 3 là con chip được trang bị trên iQOO 12 Pro. Trên thực tế, những con chip của Qualcomm từ Snapdragon 8 Gen 2 đã dần tiến đến sự ổn định về cả mặt nhiệt độ lẫn hiệu năng.

Những tựa game phổ biến hiện tại như Liên Quân Mobile, LMHT: Tốc Chiến hay PUBG Mobile đều không thể làm khó được Snapdragon 8 Gen 3. Kể cả với Genshin Impact đồ hoạ cao nhất, iQOO 12 Pro có thể chơi ổn định nếu kích hoạt chế độ Hiệu năng cao (Chế độ Monster).

Bên cạnh đó, iQOO 12 Pro cũng tối ưu rất tốt về mặt nhiệt độ khi chơi game. Sau 20 phút chơi Genshin Impact, mức nhiệt tối đa ghi nhận được trên máy chỉ từ 40 – 41 độ C. Để dễ hình dung, con số này với Snapdragon 8 Gen 1 trên những Galaxy S22 Ultra hay Redmi K50 Gaming có thể lên đến 46 – 48 độ C. Còn với những tựa game LMHT: Tốc Chiến hay PUBG Mobile, nhiệt độ cao nhất trên iQOO 12 Pro chỉ dao động từ 36 – 38 độ C.

Không chỉ có hiệu năng mạnh mẽ, iQOO 12 Pro còn đem đến rất nhiều tính năng chuyên biệt cho việc chơi game. Trong mục Cài đặt, vivo để riêng một mục có tên “Chế độ Siêu trò chơi” (Ultra Game Mode) với vô vàn tuỳ biến, cài đặt khác nhau liên quan đến việc chơi game. Đáng giá nhất trong số đó phải kể đến tính năng “Độ phân giải trò chơi siêu cao” cho phép tăng độ nét của hình ảnh một cách rõ rệt. Tuy nhiên, đáng tiếc khi phần lớn tính năng trong này chỉ hỗ trợ các tựa game được phát hành tại nội địa Trung Quốc.

Chi tiết về hiệu năng Snapdragon 8 Gen 3 trên iQOO 12 Pro, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

OriginOS cực mượt, song vẫn có vấn đề

iQOO 12 Pro cũng là một trong những chiếc máy đầu tiên chạy trên giao diện OriginOS 4. Không kèn trống rầm rộ như những One UI 6 hay iOS 17, song OriginOS 4 vẫn mang đến trải nghiệm rất tốt mà ít không nhiều đối thủ trong phân khúc làm được.

Ấn tượng lớn nhất về OriginOS 4 là giao diện người dùng này rất mượt và thanh thoát. Các hoạt ảnh chuyển cảnh trên iQOO 12 Pro tạo cảm giác rất nhẹ, trơn tru và không bị nặng nề như MIUI hay One UI. Kể cả khi đóng, mở ứng dụng liên tục thì máy vẫn phản hồi rất nhanh, hiếm khi xảy ra tình trạng khựng hay khó chịu.

Giao diện ứng dụng hệ thống trên OriginOS 4 được hiển thị trực quan và rõ ràng hơn. Các tiểu mục như Trình gọi điện, Danh bạ hay Yêu thích đều được đẩy xuống phía dưới màn hình tương tự cách làm trên HyperOS. Đặc biệt, giao diện ứng dụng Thời tiết hiển thị rất sinh động và đẹp mắt. Thậm chí, mình có thể xem dự báo thời tiết trong 15 ngày tới thay vì chỉ 5 – 10 ngày như trên một số hệ điều hành khác.

Tuy nhiên, OriginOS 4 vẫn để lại cho mình một số nhược điểm trong quá trình sử dụng. Hai trong số đó bao gồm:

Thứ nhất, iQOO 12 Pro vẫn bị lỗi font. Cho dù OriginOS đã hỗ trợ tiếng Việt ngay trong phần Cài đặt, nhưng việc hiển thị trong những ứng dụng như Facebook hay Chrome vẫn gặp nhiều vấn đề. Đây là điều mà điện thoại OnePlus, realme hay kể cả Xiaomi xách tay đều khắc phục được. Dù sao đây cũng là một mẫu máy xách tay, do đó việc không hỗ trợ các ngôn ngữ ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng là điều phải chấp nhận.

Thứ hai, một số cài đặt trong OriginOS hiển thị khá rối và không trực quan. Ở giao diện Cài đặt màn hình chính, iQOO 12 Pro có hai tuỳ chọn là Khối tâm trạngKhối tương tác. Với Khối tâm trạng, hãng để rất nhiều tuỳ biến khác nhau như biểu tượng ứng dụng, kiểu cửa sổ hay màu hệ thống. Trong khi, cài đặt mình dùng nhiều nhất là thay đổi hình nền lại nằm ở một góc rất nhỏ và khó thao tác. Với Khối tương tác, vivo cũng tích hợp rất nhiều cài đặt liên quan đến cử chỉ vuốt. Trên thực tế, đây là những thiết lập ít dùng và hoàn toàn có thể truy cập từ ứng dụng Cài đặt.

Thiết kế và cảm giác cầm nắm

Bên cạnh hiệu năng hay hệ điều hành, cảm giác cầm nắm cũng là một điểm nhấn có trên iQOO 12 Pro. Máy có khối lượng chỉ 206 gram, thấp hơn khá nhiều so với trên 220 gram của iPhone 15 Pro Max, Xiaomi 14 Pro hay Galaxy S23 Ultra. Thực tế sử dụng, máy nhẹ và đem đến cầm nắm dễ dàng hơn rất nhiều so với mình tưởng tượng.

Mặt lưng kính trên iQOO 12 Pro cũng được làm dạng nhám giống với một số mẫu flagship của vivo như X70 Pro Plus. Thiết kế này khiến trải nghiệm chạm trở nên rất đã và dễ chịu. Chưa kể, mặt lưng máy cũng gần như không để lại bất cứ mồ hôi, dấu vân tay nào.

Điểm trừ lớn nhất về ngoại hình trên iQOO 12 Pro đến từ camera sau. Khách quan mà nói, mình không thích ngôn ngữ thiết kế của cụm camera này. Phần viền benzen bao quanh camera được bo tròn tạo cảm giác thiếu ăn khớp với mặt lưng bên ngoài. Các ống kính bên trong cũng không có sự đồng bộ về hình dáng, khiến ngoại hình máy không đồng nhất. Đổi lại, do đặt ở vị trí đủ cao nên trong quá trình sử dụng, mình hiếm khi chạm tay và làm bẩn cụm camera máy.

Màn hình

Màn hình trên iQOO 12 Pro sở hữu đầy đủ thông số cao cấp của một chiếc flagship. Người dùng có cho mình tấm nền AMOLED 1 tỷ màu chất lượng, kích thước lớn 6,78 inch, độ phân giải 1440 x 3200 pixels và tần số quét lên đến 144Hz.

Chất lượng hiển thị trên iQOO 12 Pro nằm ở mức tốt trong phân khúc. Chi tiết được máy tái tạo rất tốt, góc nhìn ổn, màu sắc thiên hướng rực rỡ khi các gam màu đỏ hay vàng được đẩy lên khá mạnh. Tuy nhiên, màn hình máy lại có thiên hướng ám vàng. Để khắc phục điều này, người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ màu ngay trong mục cài đặt màn hình.

iQOO 12 Pro cũng là chiếc flagship hiếm hoi có độ sáng lên đến 3.000 nits. Thực tế, mình hiếm khi tận dụng đến thông số này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại đang vào đông. Kể cả khi chiếu màn hình máy dưới ánh đèn cao áp, sự khác biệt về độ sáng với iPhone 15 Pro Max hay Pixel 8 Pro cũng không rõ ràng.

Camera

iQOO 12 Pro có ba camera sau với độ phân giải lần lượt 50MP (chính), 64MP (siêu rộng) và 50MP (telephoto). Trong điều kiện đủ sáng, ảnh chụp cho chi tiết tốt, dải nhạy sáng rộng và tương phản khá. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, iQOO 12 Pro tái tạo màu sắc có phần nhợt nhạt và không chuẩn xác so với thực tế.

Ảnh chụp đủ sáng trên iQOO 12 Pro

Tại sự kiện ra mắt, vivo quảng cáo máy có thể chụp ảnh zoom số tối đa 100X. Tuy nhiên, bản chất máy vẫn chỉ zoom lại từ camera telephoto chứ không can thiệp và xử lý lại ảnh bằng AI như trên Samsung. Ảnh zoom 100X mà máy cho ra vẫn mất rất nhiều chi tiết, vỡ hạt và thua xa so với Galaxy S23 Ultra.

Ảnh zoom 3X – 10X – 100X trên iQOO 12 Pro

Đổi lại, iQOO 12 Pro chụp ảnh xoá phông rất tốt. Ở trường hợp này, máy có thể tách phông trọn vẹn các sợi tóc thừa hay phần rìa trên chiếc tai nghe. Da mặt chủ thể cũng được cà vừa đủ, trông tươi và rất nịnh mắt.

Khác với điều kiện đủ sáng, ảnh chụp đêm trên iQOO 12 Pro lại cho ra màu khá tươi và rực rỡ. Tuy nhiên, máy xử lý chi tiết không tốt khi tán cây thông thường xuyên bị bệt, không rõ nét.

Một số ảnh thiếu sáng trên iQOO 12 Pro

Pin

Viên pin trên iQOO 12 Pro có dung lượng 5.100mAh. Thực tế, mình có cài đặt máy ở độ phân giải cao nhất, tần số quét 144Hz và bật các kết nối khác như Vị trí. Với nhu cầu thường ngày bao gồm mạng xã hội, đọc báo và xem YouTube cùng hỗn hợp Wi-Fi + 4G, iQOO 12 Pro chỉ cho ra khoảng 5,5 – 6 giờ sử dụng. Con số này thấp hơn tương đối so với Xiaomi 14 Pro khi mình có thể dùng tới 7,5 giờ liên tục với những nhu cầu bên trên.

Tổng kết

Nhìn chung, iQOO 12 Pro mang đến những yếu tố sáng giá về hiệu năng, thiết kế và màn hình trong tầm giá 18 triệu đồng. Tuy nhiên, camera và thời lượng pin lại là những điểm máy chưa làm tốt. Rõ ràng, chúng ta cần thêm thời gian để vivo tối ưu và cải thiện những nhược điểm trên.

Camera Assistant đã có mặt trên những chiếc Samsung nào?

Previous article

Trên tay ZTE nubia Red Magic 9 Pro: 2 triệu điểm AnTuTu, pin 6.500mAh, giá chỉ 15 triệu đồng

Next article

Comments

Comments are closed.