Mới đây, Samsung đã trình làng Galaxy M55 5G, mẫu máy tầm trung mới nhất của hãng. Được định vị trong phân khúc 11 – 12 triệu đồng, sản phẩm sở hữu một số điểm nổi bật như thiết kế bắt mắt, màn hình chất lượng, pin và camera tốt. Đổi lại, những vấn đề liên quan đến chất liệu, hiệu năng hay phần cứng camera sẽ là điểm trừ người dùng phải đánh đổi trước khi sở hữu.
4 điểm mạnh trên Galaxy M55 5G
Thiết kế đẹp mắt: Đầu tiên, Galaxy M55 5G có thiết kế ấn tượng. Sản phẩm mình trải nghiệm có màu Xanh Platinum, nổi bật với sắc xanh lá nhẹ nhàng và có thể thay đổi dựa theo góc nhìn người dùng. Cụm camera máy dù hơi dày so với mặt lưng, thế nhưng có thiết kế khá đơn giản, gọn gàng và không bị rườm rà như một số mẫu máy Trung Quốc cùng phân khúc.
Đặc biệt, Galaxy M55 5G đem đến cảm giác cầm nắm rất thoải mái. Dù có kích thước màn hình lên đến 6,7 inch, thế nhưng máy chỉ mỏng 7,8mm cùng khối lượng 180 gram. Vì thế, trải nghiệm cầm nắm mà sản phẩm đem lại rất thanh thoát, nhẹ và dễ chịu. Đặc biệt, phần mép cạnh viền trên Galaxy M55 5G được bo cong chứ không vuông vức như Galaxy A55 5G. Điều này giúp thiết bị trở nên chắc chắn hơn trong lòng bàn tay, không gây cấn, khó chịu khi sử dụng lâu dài.
Màn hình chất lượng: Khác biệt lớn nhất giữa Galaxy M55 5G so với các mẫu Galaxy A năm nay đến từ viền màn hình. Theo đó, bốn cạnh viền trên chiếc máy này mỏng và đều hơn đáng kể so với Galaxy A35 5G hay Galaxy A55 5G. Chưa xét đến chất lượng màn hình, việc có viền mỏng vừa giúp thiết kế máy sang trọng hơn, vừa giúp trải nghiệm hiển thị được tối ưu hơn, đặc biệt với những nội dung nền trắng.
Xét trong phân khúc 12 triệu, màn hình Galaxy M55 5G có thông số tốt với tấm nền Super AMOLED+, kích thước lớn 6,7 inch cùng tần số quét lên đến 120Hz. Giống với nhiều mẫu điện thoại Galaxy khác, Samsung có xu hướng đẩy mạnh độ bão hoà màu sắc trên Galaxy M55 5G. Vì thế, khi xem phim, các gam màu nóng như đỏ, vàng hay da cam được máy tái tạo rất đậm đà, rực rỡ, thậm chí có chút sai lệch so với thực tế.
Về độ sáng, Galaxy M55 5G dừng lại ở con số 1.000 nits. Mức sáng này đủ dùng trong nhà hay quán cafe, tuy nhiên có thể gặp khó khi xem dưới ngoài trời nắng. Về phần này, các mẫu smartphone đến từ Trung Quốc sẽ có lợi thế hơn. Chẳng hạn, Xiaomi 13T có độ sáng đỉnh lên đến 2.600 nits, đem lại trải nghiệm hiển thị tốt hơn khi dùng dưới trời nắng.
Pin tốt: Galaxy M55 5G có dung lượng pin lên đến 5.000mAh cùng khả năng sạc nhanh với công suất tối đa 45W. So với các mẫu Galaxy A, máy được tăng mạnh về công suất sạc (tối đa 25W). Tuy nhiên, thời gian sạc đầy thực tế lại không có chênh lệch đáng kể. Lấy ví dụ với Galaxy S24 Ultra, thời gian sạc đầy với củ sạc 45W chỉ nhanh hơn 2 phút khi sạc bằng củ 25W.
Tất nhiên, thời lượng sử dụng mà Galaxy M55 5G đem lại vẫn khá ấn tượng. Cuối tuần vừa rồi, mình dành phần lớn thời gian ở nhà và sử dụng chiếc máy này để xem YouTube, sử dụng các mạng xã hội cơ bản với kết nối 4G. Đến buổi tối, máy vẫn còn 14% pin trong khi thời gian sáng màn hình đã đạt 7 giờ 20 phút. Nếu dùng đến cạn pin, Galaxy M55 5G hoàn toàn có thể đạt được mức 8 giờ sử dụng liên tục.
Chất lượng ảnh chụp ổn: Bộ camera sau trên Galaxy M55 5G sở hữu ba ống kính với độ phân giải lần lượt 50MP (chính, hỗ trợ OIS), 8MP (siêu rộng) và 2MP (macro). Bản thân Samsung cũng nhấn mạnh khá nhiều vào khả năng chụp ảnh trên chiếc máy này, đặc biệt với loạt công nghệ đi kèm như Nightography, Super HDR hay chống rung quang học OIS.
Trong điều kiện đủ sáng, màu sắc ảnh trên Galaxy M55 5G thiên về hướng chân thực nhiều hơn. Điều này khác so với thông thường khi các mẫu máy Samsung thường đẩy độ bão hoà lên cao, nhờ đó bức ảnh trở nên rực rỡ, bắt mắt hơn. Bên cạnh đó, Galaxy M55 5G cho khả năng xử lý HDR ổn, cân bằng trắng tốt và các gợn mây có sự nổi khối nhất định.
Điểm trừ lớn nhất về ảnh đủ sáng đến từ chi tiết. Ở những bức ảnh 2X, chỉ cần zoom lên một chút, chi tiết mà Galaxy M55 5G tái tạo bắt đầu gặp tình trạng vỡ, nhoè. Với các mức zoom cao hơn như 4X, mật độ chi tiết còn thấp hơn.
Với ảnh chụp trong nhà, Galaxy M55 5G vẫn giữ những điểm mạnh về cân bằng trắng hay xử lý HDR. Khi chụp chân dung, máy tách nền tốt, tuy nhiên chi tiết trên khuôn mặt chủ thể bị giảm đi trông thấy. Ngoài ra, phần tóc cũng không được xử lý tốt khi bị bệt và nhoè.
Khi chụp đêm, Galaxy M55 5G tái tạo chi tiết khá ổn, bóng đèn ít gặp tình trạng cháy sáng hay flare. Tuy nhiên, với những tấm hình chụp phong cảnh, có cảm giác nền trời bị xử lý khá giả, không được tự nhiên như thực tế.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, hai bức ảnh liên tiếp cho ra sự khác biệt đáng kể về chi tiết hay sắc thái màu (tint). Dường như do mới ra mắt, thuật toán ảnh trên Galaxy M55 5G chưa được tối ưu và người dùng cần chờ các bản cập nhật trong tương lai.
4 điểm yếu trên Galaxy M55 5G
Chất liệu: Dù được định hình với mức giá 11 – 12 triệu, thế nhưng Galaxy M55 5G chỉ được hoàn thiện với mặt lưng nhựa, khung viền nhựa. Đây là điều khó hiểu khi mà hai mẫu Galaxy A35 5G và Galaxy A55 5G rẻ hơn đều đã có mặt lưng kính. Galaxy A55 5G thậm chí có khung viền nhôm với các đường xước phay đẹp mắt. Trên thực tế, cùng phân khúc với Galaxy M55 5G, hầu hết đối thủ như Xiaomi 13T, OPPO Reno12 5G hay vivo V30 đều đã có mặt lưng kính.
Vẫn cần nhìn nhận rằng mặt lưng nhựa giúp Galaxy M55 5G có khối lượng nhẹ, cầm nắm thoải mái và dễ chịu. Thế nhưng, việc một chiếc điện thoại có giá 11 – 12 triệu đồng không có mặt lưng kính là điều khó chấp nhận.
Không có camera telephoto: Dù cho chất lượng ảnh chụp khá tốt, song Galaxy M55 5G thiếu hụt đi camera telephoto. Đây cũng là điểm trừ khó có thể chấp nhận trong phân khúc giá của sản phẩm này. Việc không có camera telephoto là lý do giải thích cho việc chi tiết ảnh zoom trên Galaxy M55 5G bị giảm đi rõ rệt như đã đề cập phía trên. Thêm vào đó, khi chụp chân dung, máy chỉ có duy nhất một mức zoom 1X. Điều này khiến người dùng gặp khó trong việc căn chỉnh chủ thể, chưa kể ảnh cho ra rất dễ bị méo, không cho góc nhìn chuẩn xác.
Hiệu năng: Galaxy M55 5G chỉ được trang bị Snapdragon 7 Gen 1, một con chip tầm trung đã ra mắt từ tháng 5/2022. Nếu xét về điểm số AnTuTu Benchmark, mẫu máy thậm chí còn thua thiệt so với cả Galaxy A55 5G có mức giá rẻ hơn và chạy Exynos 1480. Tất nhiên, so với các đối thủ cùng phân khúc, Galaxy M55 5G hầu như thua thiệt rõ rệt.
Chipset | So với Galaxy M55 5G | |
Galaxy M55 5G | Snapdragon 7 Gen 1 | – |
Galaxy A55 5G | Exynos 1480 | Mạnh hơn Snapdragon 7 Gen 1 |
Xiaomi 13T | Dimensity 9200+ | Mạnh hơn Snapdragon 7 Gen 1 |
OPPO Reno12 5G | Dimensity 7300-Energy | Mạnh hơn Snapdragon 7 Gen 1 |
realme 11 Pro+ | Dimensity 7050 | Yếu hơn Snapdragon 7 Gen 1 |
Với Snapdragon 7 Gen 1, Galaxy M55 5G chỉ đáp ứng tốt các nhu cầu nhẹ nhàng như mạng xã hội hay chơi những tựa game trung bình. Còn nếu muốn chơi game nặng hay cần một thiết bị phục vụ lâu dài, người dùng nên cân nhắc những lựa chọn khác đến từ Xiaomi hay OPPO.
Một vài vấn đề khác: Cuối cùng, trong quá trình sử dụng, Galaxy M55 5G gặp một số vấn đề nhất định. Dường như đây đều liên quan đến tối ưu phần mềm và có thể khắc phục trong thời gian sắp tới.
Thứ nhất, âm lượng loa khá nhỏ. Trong phần lớn thời gian trải nghiệm, mình thường xuyên phải đặt Galaxy M55 5G ở mức 90 – 100% âm lượng mới có thể nghe rõ. Để dễ hình dung, mức 100% âm lượng trên chiếc máy này chỉ cho độ to ngang ngửa 70 – 75% trên một số mẫu máy khác.
Thứ hai, pin chờ qua đêm giảm nhanh. Dù cho thời gian sử dụng tốt, song Galaxy M55 5G đang gặp vấn đề về pin chờ qua đêm. Trong bức hình dưới đây, sau khoảng 10 giờ để trong trạng thái chờ, máy mất đến 15% pin chờ. Như đã đề cập bên trên, vấn đề có thể đến từ phần mềm chưa tối ưu và người dùng cần chờ các bản cập nhật trong tương lai.
Tạm kết
Tóm lại, với mức giá 11 – 12 triệu đồng, Galaxy M55 5G sở hữu một số điểm nổi bật từ thiết kế, màn hình, chất lượng ảnh chụp cho đến thời lượng sử dụng pin. Thế nhưng, hiệu năng, chất liệu hay camera telephoto lại là những điểm trừ đáng nói trên chiếc máy này. Vì thế, người dùng nên cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn Galaxy M55 5G.
Comments