Trong khi Galaxy Z Flip5 nổi lên như một “hiện tượng” giới trẻ thì Galaxy Z Fold5 chẳng khác nào một “diva lão làng”. Nếu Galaxy Z Flip5 là thanh âm cao vút khiến khán giả trầm trồ, thì Galaxy Z Fold5 lại là một nốt trầm chắc nịch trong bản trường ca về điện thoại gập mà chính Samsung là người chơi những giai điệu đầu tiên.
Trong bối cảnh các hãng Trung Quốc như HUAWEI, OPPO, Xiaomi đang có sự phát triển thần tốc về công nghệ bản lề thì Galaxy Z Fold5 một lần nữa lên tiếng để khẳng định được giá trị của mình nhờ sự ổn định của phần mềm và phần cứng cũng ngày càng hoàn thiện. Vậy thì với mức giá niêm yết hơn 40 triệu đồng thì Galaxy Z Fold5 thực sự thể hiện được những gì? Và liệu nó xứng đáng với kỳ vọng của người dùng trong suốt 4 năm vừa qua hay không?
Từng là thương hiệu tiên phong, do đó ở thời điểm hiện tại Samsung không cần thiết phải làm một người cầm cờ đi trước nữa. Hãng đang tập trung đi từng bước chậm mà chắc, hướng tới trải nghiệm cốt lõi về phần mềm. Minh chứng rằng dòng Galaxy Z năm nay đã phá vỡ kỷ lục doanh số tại nhiều thị trường khác nhau như Ấn Độ, Hàn Quốc và cả Việt Nam nữa.
Pin đã không còn yếu nữa
Thế hệ Galaxy Z Fold4 không được đánh giá cao về pin khi nó không đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong một ngày của mình. Tới Galaxy Z Fold5, mọi thứ đảo chiều hoàn toàn.
Với những ngày chỉ sử dụng mạng xã hội kèm kết nối Wi-Fi thì Galaxy Z Fold5 có thể đạt tới gần 6,5 giờ sáng màn hình. Kể cả khi dùng hỗn hợp Wi-Fi, 4G và phát điểm truy cập di động thì máy vẫn trụ vững với hơn 4 giờ sử dụng liên tục. Đây là sự tiến bộ rõ rệt so với con số chỉ 3 – 3,5 giờ có trên thế hệ tiền nhiệm.
Trên thực tế, Samsung đã không tăng dung lượng pin kể từ thế hệ Galaxy Z Fold3. Việc thời gian sử dụng tăng lên với viên pin không đổi là kết quả của rất nhiều cải tiến mà Samsung đang cố gắng làm như buồng tản nhiệt mới hơn và con chip Snapdragon 8 Gen 2 for Galaxy mượt hơn, mát hơn.
Thiết kế và cảm giác sử dụng
Theo chia sẻ của reviewer Marques Brownlee, Galaxy Z Flip5 có ba khác biệt lớn so với thế hệ tiền nhiệm gồm chipset, bản lề và màn hình ngoài. Tới Galaxy Z Fold5, con số này chỉ còn lại một: bản lề.
Về mặt thị giác. Flex Hinge giúp máy có ngoại hình cân đối và tạo cảm giác cầm nắm rất đã. Một bản lề khít mang lại cho người dùng cảm giác vững chãi, kín đáo và gọn gàng hơn rất nhiều. Chuẩn kháng nước IPX8 đương nhiên vẫn được giữ lại trên sản phẩm này, bảo vệ thiết bị trước nước mưa hay môi trường giọt bắn mạnh.
Cân nặng là thứ khiến những thế hệ Galaxy Z Fold tiền nhiệm rất kén người dùng. Thế nhưng, Galaxy Z Fold5 đã khắc phục tốt nhược điểm này. Nó không chỉ gọn về ngoại hình, mà trọng lượng cũng nhẹ hơn tới 10 gram so với thế hệ tiền nhiệm. Mình nhận ra ngay sự khác biệt này khi sử dụng máy bằng một tay, kể cả khi dùng màn hình chính để đọc truyện hay lướt web.
Cơ chế gập trên Galaxy Z Fold5 gần như không thay đổi so với thế hệ tiền nhiệm. Song, người dùng vẫn có thể nhận ra bản lề trên chiếc máy này nhẹ và dễ mở hơn một chút so với Galaxy Z Fold4. Nó vẫn đủ khỏe để máy gập mở ở tất cả cả góc độ người dùng muốn, kể cả là với một góc rất hẹp (15 – 30 độ). Tuy nhiên, khách quan mà nói, những đối thủ như HUAWEI Mate X3 hay Xiaomi MIX Fold 3 đã có thể gập được nhiều góc tương tự như Galaxy Z Fold5. Vậy nên, bản lề không còn là lợi thế của duy nhất Samsung nữa.
S Pen Case năm nay là cải tiến vượt trội mà Samsung mang lên Galaxy Z Fold5. Nó vừa bảo vệ được thiết bị, vừa nhỏ gọn mà vẫn mang được bút S-Pen đi kèm. Hầu như toàn bộ thời gian sử dụng thì mình đều đeo S Pen Case vì nó mỏng, nhẹ và hoàn toàn không khiến máy bị cấn. Chưa kể, nó còn có gờ ở cạnh giúp người dùng có thể đóng, mở máy dễ dàng hơn.
Phần mềm tốt nhất trên điện thoại gập
Có thể khẳng định Galaxy Z Fold5 chính là sản phẩm có phần mềm ổn định và toàn diện nhất dòng Fold tính đến thời điểm này.
Thứ nhất, các ứng dụng đã được tối ưu tốt cho màn hình gập của Galaxy Z Fold5. Giao diện các ứng dụng của Meta như Facebook, Instagram (trừ Messenger) cho đến TikTok và các trò chơi điện tử đều được tối ưu giao diện cho màn hình chính của chiếc máy này. Việc vừa lướt video trên TikTok, vừa đọc phần bình luận của người dùng là thứ mà điện thoại dạng thanh không thể làm được và cũng chưa có điện thoại gập của hãng khác làm được. Chưa kể, khi xem YouTube Shorts hay Instagram Reels thì Galaxy Z Fold5 cũng không còn tình trạng crop, vỡ khung hình nữa. Mình cũng có thể chia đôi màn hình trên chiếc máy này: một bên để hiện kịch bản trên Google Sheets, một bên để ghi chú và nhắn những nội dung nhanh.
Thứ hai, Galaxy Z Fold5 thể hiện tính đồng bộ xuyên suốt quá trình làm việc. Khi mình đang dùng màn hình ngoài và lập tức chuyển vào màn hình trong thì tác vụ đó vẫn tiếp tục chạy chứ không bị gián đoạn. Đặc biệt khi một số tựa game như LMHT: Tốc Chiến vẫn giữ được sự liên mạch đó khi mình gập, mở màn hình liên tục.
Thứ ba, One UI 5.1 trên Galaxy Z Fold5 quá mượt. Ngay từ khi Galaxy Z Fold3 ra mắt thì mình đánh giá chiếc máy này có độ phản hồi nhạy và nhanh hơn dòng S cùng thời rồi. Đến hiện tại, Galaxy Z Fold5 vẫn duy trì được sự ổn định đó.
Đó chỉ là ba trong số rất nhiều điểm mạnh của Galaxy Z Fold5 về phần mềm. Cần nhớ rằng, Samsung đã tự mình tối ưu tất cả điều này khi mà Google còn chưa quan tâm tới điện thoại gập. Kể cả khi Pixel Fold ra mắt thì phần mềm của nó vẫn quá sơ sài so với Galaxy Z Fold5. Bên cạnh đó, các hãng Trung Quốc khác có thể làm ra những phần cứng ấn tượng, nhưng chưa ai dám bán ra toàn cầu với phần mềm ổn định và đầy đủ Google như Samsung.
Hiệu năng
Hiệu năng trên Galaxy Z Fold5 có thể mô tả bằng một từ: quá đã. Con chip Snapdragon 8 Gen 2 mạnh và nhanh đối với mọi tác vụ sử dụng hàng ngày như nhắn tin, lướt mạng xã hội, làm việc với Google Docs cho đến chơi game.
Tất nhiên một chiếc điện thoại gập như Galaxy Z Fold5 không được sinh ra để phục vụ các tựa game “sát cấu hình” như Genshin Impact. Song, với các trò chơi cơ bản như PUBG Mobile hay LMHT: Tốc Chiến thì máy vẫn chơi rất tốt. Nhiệt độ mà máy toả ra cũng không quá nhiều và nhanh chóng mất đi nhờ diện tích mặt lưng cùng buồng tản nhiệt lớn.
Màn hình sáng
Nhìn chung, cả hai màn hình ngoài và trong trên Galaxy Z Fold5 đều không khác quá nhiều so với thế hệ tiền nhiệm, ngoại trừ độ sáng được nâng lên đến 1.750 nits. Nó ngang ngửa so với Galaxy S23 Ultra và tiệm cận nhiều mẫu flagship khác của Xiaomi hay Apple.
Với 1.750 nits, mình có thể dùng chiếc điện thoại này khá thoải mái dưới trời nắng. Tuy nhiên, nó không duy trì được độ sáng tối đa nếu dùng ngoài trơi quá lâu. Lý do là bởi nhiệt độ cao sẽ khiến máy quá nhiệt, từ đó hệ thống buộc phải giảm sáng để bảo vệ phần cứng bên trong. Về khả năng hiển thị của trên Galaxy Z Fold5 vẫn rất tốt như mọi khi với tấm nền Dynamic AMOLED 2X, tần số quét 120Hz mượt mà, độ phân giải cao và màu sắc rực rỡ.
Mặc dù áp dụng công nghệ bản lề mới, tuy nhiên nếp gấp là một vấn đề mà Samsung chưa thể giải quyết triệt để so với các hãng Trung Quốc. Song, trong quá trình sử dụng mình rất ít khi để ý đến yếu tố này. Thứ nhất, các ngón tay của mình gần như không thể chạm tới nếp gập. Các nút điều khiển trong game cũng được “dịch chuyển” về mép và rất ít khi tiến sát tới giữa màn hình. Thứ hai, khi nhìn trực diện vào màn hình (với góc 90 độ) thì gần như không thấy nếp gập. Nó rất mờ và chỉ rõ khi nghiêng máy hay lướt S Pen đi qua đó. Thế nhưng, công tâm mà nói Samsung vẫn cần cải thiện thêm nếp gập này để nó hoàn thiện hơn, mượt mà hơn.
Camera
Về phần cứng, camera trên Galaxy Z Fold5 không có quá nhiều khác biệt so với thế hệ tiền nhiệm. Máy vẫn giữ lại cảm biến chính 50MP, cảm biến góc rộng 12MP và telephoto 10MP giống với Galaxy Z Fold4. Song, những nâng cấp về thuật toán xử lý đã giúp chất ảnh trên Galaxy Z Fold5 có sự cải thiện rõ nét.
Ảnh trên Galaxy Z Fold5 xử lý HDR tốt hơn một chút, các chi tiết cũng đỡ bị noise, bị nhòe hơn so với Galaxy Z Fold4. Mặc định chế độ chụp của máy là 12MP, tuy nhiên mình sẽ chuyển sang chế độ 50MP khi cần chụp các vật thể có mức độ chi tiết cao hơn, ví dụ như bảng thông tin hoặc một cảnh đẹp nào đó.
Ảnh đủ sáng của máy vẫn cho mức độ chi tiết vừa đủ. Nhìn tổng thể ảnh đẹp, song khi zoom vào sẽ thấy nhiều chi tiết bị cà mịn, đặc biệt là ở những vùng tối. Máy quay đủ sáng tốt, chống rung ổn và xử lý ánh sáng khá. Đáng khen là hiệu ứng chuyển camera trên chiếc máy này gần như không xảy ra tình trạng bị khựng hay giật.
Điểm yếu trên Galaxy Z Fold5 là camera góc siêu rộng khi chất lượng bị giảm khá nhiều so với camera chính. Với ảnh chụp thì chi tiết bị giảm, góc méo nhiều, còn quay phim thì sẽ noise hơn, đặc biệt là vào điều kiện thiếu sáng.
Hoàn thiện như vậy, liệu Galaxy Z Fold5 có điểm yếu hay không?
Thông qua những yếu tố bên trên, có thể khẳng định rằng Galaxy Z Fold5 hiện là chiếc điện thoại gập tốt nhất, hoàn thiện nhất mà Samsung từng tạo ra. Hãng đã chọn nước đi đúng đắn khi thực hiện những nâng cấp nhỏ qua từng năm và không thay đổi quá nhiều về ngoại hình. Thế nhưng, chính cách làm này đã khiến Galaxy Z Fold5 “mắc” một điểm yếu là chưa thật sự khác biệt.
Ngược dòng quá khứ, dòng Galaxy Z Fold của Samsung từng vô cùng đột phá và để lại biết bao ấn tượng đến người dùng. Galaxy Fold ra mắt khiến cả thế giới phải thay đổi hoàn toàn góc nhìn về một chiếc điện thoại. Galaxy Z Fold2 chinh phục người dùng nhờ thiết kế thanh thoát và màn hình phụ lớn hơn. Đến Galaxy Z Fold3, Samsung khiến chúng ta ngỡ ngàng khi tích hợp rất nhiều công nghệ “tương lai” như camera đục lỗ, hỗ trợ bút S Pen và khả năng kháng nước.
Thế nhưng, sự hào hứng giảm dần khi Samsung không cải tiến quá nhiều trên Galaxy Z Fold4. Đến Galaxy Z Fold5, bản lề có lẽ là nâng cấp mà người dùng dễ thấy nhất. Tất nhiên, đây vẫn là những chiếc máy rất tốt, rất tuyệt vời, thế nhưng sự hào hứng, bùng nổ mà Samsung đem lại đã không còn nhiều như thời điểm cách đây 3, 4 năm trước nữa.
Tất nhiên nước đi này hoàn toàn có cơ sở. Samsung không có lý do phải tạo ra khác biệt khi dòng điện thoại gập của họ đã hoàn thiện và dẫn đầu doanh số toàn cầu. Và sau nhiều năm bùng nổ, người dùng Galaxy Z Fold có lẽ cần một nốt trầm để nhìn lại những gì Samsung đã làm suốt 4 năm qua. Chúng tạo bệ phóng giúp Galaxy Z Fold6 kế nhiệm tốt hơn, hoàn thiện hơn và bứt phá hơn nữa trên thị trường điện thoại gập.