Những năm qua, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã không ngừng nghiên cứu và phát triển các tính năng thông minh trên các sản phẩm của họ; điển hình nhất phải kể đến tốc độ sạc của các thiết bị di động đang ngày càng được nâng cao. Gần đây nhất, chúng ta đã chứng kiến OPPO “phô diễn” công nghệ sạc nhanh SuperVOOC 240W, giúp máy sạc đầy một viên pin 4500mAh chỉ trong vòng 9 phút.
Tuy nhiên, hiện tại mỗi hãng điện thoại lại sử dụng một chuẩn sạc độc quyền riêng biệt, không có sự thống nhất giữa các dòng máy. Điều này giúp các nhà sản xuất có được điểm nhấn riêng nhưng kéo theo đó cũng là sự tốn kém và bất tiện cho người dùng trong quá trình sử dụng thực tế. Thời điểm hiện tại, có lẽ các nhà sản xuất nên gắn kết nhau lại, sử dụng một chuẩn sạc nhanh duy nhất để đem lại nhiều giá trị hơn cho họ cũng như cho người dùng.
Những chuẩn sạc nhanh phổ biến trên điện thoại
Thuật ngữ “sạc nhanh” trên điện thoại đã xuất hiện từ rất lâu từ thời những chiếc OPPO Find 7/ Find 7A. Công nghệ này nhanh chóng phổ biến và trở thành một tùy chọn bắt buộc trên những chiếc điện thoại di động. Một số chuẩn sạc nhanh có thể kể đến như:
Qualcomm Quick Charge
Đây là chuẩn sạc rất phổ biến trên điện thoại. Tiêu chuẩn này lần đầu được giới thiệu vào năm 2013 trên những chiếc máy sử dụng con chip Snapdragon 215 và 600. Hiện tại, chuẩn mới nhất Quick Charge 5.0 sử dụng trên giao tiếp Type-C to Type-C và hỗ trợ công sạc tối đa lên đến 100W.
Các thiết bi hỗ trợ: Xiaomi (dòng Xiaomi Mi, Mi Note, Redmi, Redmi Note), LG (dòng LG G và V), Nokia, HTC (dòng U) và Sony (dòng X, XZ và Mark)
USB Power Delivery
PD hay Power Delivery được ra mắt vào năm 2012, với mục tiêu thống nhất tất cả các chuẩn sạc lại thành một. Ưu điểm của PD so với Quick Charge là sử dụng hoàn toàn giao tiếp Type-C, tức là bạn có thể sạc điện thoại bằng bất cứ đầu dây nào. Chuẩn sạc này cũng được Google khuyến cáo sử dụng trên các thiết bị điện tử nhờ sự tiện lợi và an toàn hơn.
Các thiết bị hỗ trợ: Apple iPhone (chuẩn Type-C to Lightning), iPad, Macbook, Google Pixel, Samsung.
OPPO VOOC
VOOC là chuẩn sạc riêng của OPPO trang bị trên các sản phẩm của hãng. Chuẩn sạc này lần đầu được giới thiệu vào năm 2014 trên các thiết bị Find 7/ 7A. Về sau, chuẩn này được cải tiến với một số biến thể như SuperVOOC 50W, SuperVOOC 2.0 65W, Dart Charge (trên các sản phẩm realme).
Các thiết bị hỗ trợ: OPPO (dòng Reno, Find và A), realme, một số sản phẩm của OnePlus.
Một chuẩn sạc nhanh thống nhất, tại sao lại không?
Phát triển một chuẩn sạc nhanh riêng không phải là điều dễ dàng, nó vô cùng tốn kém chi phí nghiên cứu và sản xuất. Khi phát triển chuẩn sạc nhanh riêng, các hãng phải đảm bảo sự ổn định và tính tương tích cho các thiết bị hỗ trợ từ trong ra ngoài. Ở bên ngoài, phần dây sạc và củ sạc phải có các phần cứng tốt để đảm bảo việc truyền tải điện năng công suất cao mà không gây ra ảnh hưởng lớn để thiết bị. Trong khi đó ở bên trong, các nhà sản xuất cũng phải phát triển riêng những con chip cùng những thuật toán “độc quyền” để liên tục điều chỉnh dòng sạc nhằm duy trì độ bền của pin. Việc phát triển từ trong ra ngoài như vậy giúp việc sạc sử dụng công suất cao trở nên an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc này cũng tiêu tốn không ít tài nguyên và nhân lực.
Ngoài vấn đề chi phí phát triển, các chuẩn sạc nhanh riêng biệt cũng tạo ra sự tốn kém và trải nghiệm không đồng bộ cho người dùng. Đặc biệt là với xu hướng hiện tại, các nhà sản xuất đang cắt giảm phụ kiện, không tặng củ sạc cho người dùng khi mua các thiết bị mới. Ví dụ, nếu bạn đang sử dụng một chiếc OPPO Find X3 Pro có chuẩn sạc nhanh là SuperVOOC và muốn lên đời chuyển sang một chiếc Galaxy S22 Ultra có chuẩn sạc nhanh là Super Fast Charging, bạn sẽ hoàn toàn không thể tận dụng lại tối đa được bộ sạc của chiếc Find X3 Pro trước đó.
Tất nhiên, bạn sẽ vẫn có thể sử dụng được bộ sạc từ thiết bị cũ, nhưng do không đồng nhất về chuẩn sạc nhanh hỗ trợ. Khi đó, chiếc Galaxy S22 Ultra chỉ có thể nhận nguồn sạc vào với công suất thấp. Và để có thể trải nghiệm sự cao cấp nhất, bạn bắt buộc phải mua củ sạc khác có hỗ trợ chuẩn sạc của Samsung. Điều này vô hình chung tạo ra nhiều rác thải điện tử hơn, thêm nữa người dùng cũng phải mất nhiều chi phí hơn trong quá trình thay đổi sạc. Do đó, việc sử dụng một chuẩn sạc nhanh thống nhất sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất mà người dùng cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Vậy chuẩn sạc nhanh nào sẽ phù hợp nhất để trở thành chuẩn sạc nhanh chung?
Chuẩn sạc nhanh thống nhất trong tương lai chắc chắn sẽ không phải là các công nghệ độc quyền giống như VOOC của OPPO hay các công nghệ độc quyền khác đến từ các nhà sản xuất thuộc BBK. Để phát triển và được chọn trở thành chuẩn sạc nhanh thống nhất, yếu tố quan trọng mà nó cần đáp ứng được đó chính là độ phổ biến. Nếu xét trên các yếu tố này, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến ngay chuẩn sạc nhanh Power Delivery. Chuẩn sạc nhanh này rất thông dụng, không chỉ phổ biến trên điện thoại thông minh, nó còn được sử dụng với với cả các thiết bị điện tử khác, từ Macbook cho đến loa Bluetooth.
Tuy phổ biến là vậy, nhưng chuẩn sạc nhanh Power Delivery có tốc độ sạc chưa thực sự ấn tượng trên điện thoại thông minh. Trên các máy hỗ trợ chuẩn sạc này, chúng ta thường thấy tốc độ của chúng chỉ vào khoảng từ 18W cho đến 27W. Nếu so sánh tốc độ sạc này với các chuẩn sạc 240W đến từ OPPO thì sự chênh lệch thực sự là quá lớn. Cần lưu ý rằng, Power Delivery đã hỗ trợ công suất sạc lên tới 100W cho các thiết bị laptop. Rõ ràng, nếu được quan tâm hơn, chuẩn sạc này sẽ hoàn toàn có thể có công suất cao hơn cho tất cả các thiết bị điện tử nói chung và điện thoại thông minh nói riêng.
Các nhà sản xuất cũng đang “phản ứng” với chuẩn sạc nhanh Power Delivery (PD)
Các nhà sản xuất gần đây cũng đang hướng đến việc làm thế nào để chuẩn sạc nhanh của mình tương thích với các tiêu chuẩn khác. Bám sát theo các thông tin gần đây, chúng ta có thể thấy nhiều nhà sản xuất đang chuyển mình theo xu hướng này. Ví dụ như bộ sạc flash mini của OPPO đã hỗ trợ cả sạc SuperVOOC và USB-PD PPS. Tuy nhiên, hãng chỉ mới áp dụng điều này cho thị trường nội địa Trung Quốc. Hay như OnePlus, họ đã tiên phong trong việc đưa chiến lược này ra phạm vi toàn cầu.
Vào năm 2020, OnePlus 8T được xuất xưởng với bộ sạc Dash Charge 65W. Nó cũng hỗ trợ chuẩn sạc PD lên đến 45W. Chính sách này vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại khi bộ sạc 150W mới nhất của họ cũng hỗ trợ sạc theo tiêu chuẩn PD ở mức 45W. Đây chính là một trong những bước đệm chuyển giao, công nghệ sạc nhanh sẽ sớm sử dụng chung một chuẩn thống nhất. Hoặc nếu không, các hãng sẽ phải phát triển và hỗ trợ hai chuẩn sạc nhanh cùng một lúc, vừa tốn kém lại kém thiết thực trong tương lai.
Comments